Lấy ý kiến góp ý vào Đề án " Cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên
Thứ Sáu, 02/03/2018, 14:36 [GMT+7]
Sáng 01-3-2018, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi làm việc với đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị chức năng thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương để lấy ý kiến góp ý vào Đề án "Cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.
Tham gia buổi làm việc có Thành viên Tổ biên tập Đề án và đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nêu những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo trên các phương diện: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông qua việc ban hành văn bản (nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định…) về bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo; lãnh đạo trong việc ban hành các văn bản pháp luật để bảo vệ người tố cáo; lãnh đạo bằng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện…; sự quản lý của Nhà nước thông qua việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý để bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo; bằng việc tổ chức thực hiện pháp luật của cơ quan chức năng; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của Nhân dân trong việc giám sát, bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo. Đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên cho cả hệ thống chính trị và người dân, qua đó giúp người dân an tâm và tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền, trong sạch, vững mạnh; đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo; các cấp ủy đảng, chính quyền cần đưa công tác bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm, lấy đó làm một trong những cơ sở để xem xét, đánh giá hiệu quả công tác lãnhđạo, chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải cam kết và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập; hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo theo hướng cụ thể, thống nhất, đồng bộ và khả thi.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi làm việc |
Trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo: Cần quy định mức độ, biểu hiện hoặc định hướng các tiêu chí xác định rõ “căn cứ” để tiến hành các biện pháp bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo; nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật để khắc phục bất cập trong việc bảo vệ bí mật thông tin người phản ánh, tố giác, tố cáo. Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo; thẩm tra, xác minh, đánh giá tình hình và giải quyết yêu cầu bảo vệ của người phản ánh, tố giác, tố cáo. Trình tự, thủ tục phải đơn giản, phù hợp với thực tiễn, với tính chất, nội dung bảo vệ và từng giai đoạn giải quyết, tạo thuận lợi cho người phản ánh, tố giác, tố cáo thực hiện quyền được bảo vệ; quy định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong thực hiện từng giai đoạn, từng khâu, từng biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo; quy định cụ thể về những điều kiện cần thiết trong việc bố trí phương tiện, điều kiện, nguồn lực để việc bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo có thể thực hiện được trong thực tế; quy định cụ thể hình thức chế tài hoặc hình thức xử lý các trường hợp người giải quyết tố cáo, cơ quan chức năng không chỉ đạo, thiếu trách nhiệm, không phối hợp, không chấp hành hoặc chấp hành không triệt để, không kịp thời dẫn đến hậu quả đối với người phản ánh, tố giác, tố cáo.Từng bước nghiên cứu, đề xuất xây dựng riêng Luật bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, có trọng tâm, trọng điểm của các đại biểu. Đồng chí đề nghị thành viên Tổ biên tập Đề án tiếp thu đầy đủ làm cơ sở hoàn thiện Đề án để tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị nhằm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt đối với cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Đặng Phước
;