Ban Nội chính Trung ương: Tọa đàm về Đề án " Cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên

Thứ Ba, 27/02/2018, 14:54 [GMT+7]
    Ngày 26-02-2018, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến vào Đề án "Cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi Tọa đàm.
 
    Tham dự có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Nguyễn Trường Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số Vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và thành viên Tổ biên tập Đề án.
 
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm
    Theo đánh giá của Tổ biên tập Đề án, thời gian qua, Nhà nước ban hành nhiều quy định có nội dung liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo như: Hiến pháp năm 2013, Luật tố cáo năm 2011, Luật phòng, chống tham nhũng, Bộ luật hình sự,… Các văn bản pháp luật này, nhất là Luật tố cáo đã bước đầu tạo được hành lang pháp lý để bảo vệ người tố cáo trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả về mặt thể chế, quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo hiện nay còn nhiều bất cập, như: Quy định phân tán tại nhiều văn bản pháp luật; nhiều quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, thiếu khả thi, khó áp dụng trong thực tiễn, ví dụ: Chưa quy định rõ căn cứ yêu cầu bảo vệ người tố cáo, về cơ quan bảo vệ người tố cáo và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; về các biện pháp bảo vệ người tố cáo; về trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết các yêu cầu bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo; về xử lý vi phạm quyền của người tố cáo…
 
    Đại biểu dự Tọa đàm đã tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo, như: Cần quy định mức độ, biểu hiện hoặc định hướng các tiêu chí xác định rõ “căn cứ” để tiến hành các biện pháp bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo. Tiến hành rà soát, tổng kết thực tiễn về bảo vệ người tố cáo để tiếp tục nghiên cứu làm rõ một số tình huống, hành vi và đưa ra các tiêu chí để xác định được tính có “căn cứ” để bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo, tránh các trường hợp áp dụng tùy tiện hoặc không thống nhất giữa các cơ quan trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ; nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật để khắc phục bất cập trong việc bảo vệ bí mật thông tin người phản ánh, tố giác, tố cáo. Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo; thẩm tra, xác minh, đánh giá tình hình và giải quyết yêu cầu bảo vệ của người phản ánh, tố giác, tố cáo. Trình tự, thủ tục phải đơn giản, phù hợp với thực tiễn, với tính chất, nội dung bảo vệ và từng giai đoạn giải quyết, tạo thuận lợi cho người phản ánh, tố giác, tố cáo thực hiện quyền được bảo vệ; quy định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, cơ quan phối hợp trong thực hiện từng giai đoạn, từng khâu, từng biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo; quy định cụ thể về những điều kiện cần thiết trong việc bố trí phương tiện, điều kiện, nguồn lực để việc bảo vệ người phản ánh, tố giác, tố cáo có thể thực hiện trong thực tế; quy định cụ thể hình thức chế tài hoặc hình thức xử lý các trường hợp người giải quyết tố cáo, cơ quan chức năng không chỉ đạo, thiếu trách nhiệm, không phối hợp, không chấp hành hoặc chấp hành không triệt để, không kịp thời dẫn đến hậu quả đối với người phản ánh, tố giác, tố cáo…
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi Tọa đàm
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi Tọa đàm
    Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu ý kiến xung quanh các nội dung khác của Đề án, như: Về việc bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên với việc bảo vệ người tố cáo; có ý kiến cho rằng, có sự khác nhau, cần có cơ chế riêng, đặc thù về bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; sự cần thiết của việc giao Ủy ban kiểm tra các cấp là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức được giao trong việc bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
 
    Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu, có chất lượng của các đại biểu và yêu cầu Tổ biên tập Đề án tiếp thu đầy đủ làm cơ sở để hoàn thiện Đề án.
Đặng Phước
;
.