Ban Nội chính Trung ương: Lấy ý kiến về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Thứ Sáu, 02/02/2018, 19:13 [GMT+7]
Sáng 02-02-2018, Ban Nội chính Trung ương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về một số nội dung lớn của dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương, như: Ủy ban kiểm tra Trung ương; Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Quang cảnh cuộc họp |
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), như: Chủ trương, quan điểm và phương pháp tiếp cận sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng; bố cục của dự thảo Luật; một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật; một số vấn đề còn ý kiến khác nhau…
Các ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung quan trọng, như: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ra khu vực ngoài nhà nước; các biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; các quy định mới về cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập và thẩm quyền của các cơ quan này; quy định trong dự thảo Luật về trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình được một cách hợp lý;...
Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, đây là dự án luật quan trọng, có nhiều nội dung mới, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân; các quy định của luật liên quan đến nhiều luật khác nhau, trong đó có một số nội dung cần phải đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi; việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng lần này là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có tác động sâu sắc đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Do đó, cần tiếp tục quán triệt đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị. Tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm của Luật phòng, chống tham nhũng là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng chủ động, toàn diện và sâu rộng, nhằm hướng tới xây dựng các thể chế về quản lý nhà nước và xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.
Ban Nội chính Trung ương tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để làm cơ sở tham mưu Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Đặng Phước
;