Trưởng Ban Nội chính Trung ương tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam
Thứ Ba, 26/09/2017, 11:26 [GMT+7]
Chiều 25-9-2017, tại Hà Nội, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiếp bà Ping Kinikone, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi tiếp |
Tại buổi tiếp, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: Trong thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều giải pháp về phòng, chống tham nhũng với quyết tâm chính trị rất cao và đã đạt được những kết quả tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể là: (1) Thể chế phòng, chống tham nhũng không ngừng được xây dựng và hoàn thiện Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và hiện đang chuẩn bị thông qua Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Những sửa đổi trong các đạo luật nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam tình hình mới, đồng thời thể hiện quan điểm kiên quyết của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. (2) Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai tương đối đồng bộ, như: Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ Nhà nước và nhân dân về phòng, chống tham nhũng; công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ Nhà nước; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ; từng bước triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành, đặc biệt là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực: Thu, chi ngân sách; các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT; sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; việc quản lý, sử dụng tài sản, vốn của nhà nước, cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty; quản lý, sử dụng đất tại khu đô thị, tài nguyên khoáng sản... (3) Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tăng cường. Từ năm 2006 đến nay, trung bình hàng năm các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố hơn 335 vụ/797 bị can; truy tố gần 289 vụ/678 bị can; xét xử hơn 263 vụ/598 bị cáo về các tội tham nhũng. Trong đó, số vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện ngày càng nhiều, thể hiện thái độ quyết liệt của Nhà nước Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày càng được nhân dân đồng tình ủng hộ. (4) Các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2012, Ban Nội chính Trung ương được tái lập, được giao nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được tổ chức lại, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao được thành lập và tiếp tục được quan tâm kiện toàn. Cùng đó, năm 2013, 63 Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương được tái lập. (5) Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng từng bước được nâng cao; hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh.
Đồng chí Phan Đình Trạc, ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và bà Ping Kinikone, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam. |
Đồng chí nhấn mạnh, trọng tâm công tác phòng, chống tham nhũng, thời gian tới tại Việt Nam được xác định: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng và cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng hoặc can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống lãng phí; phải tiến hành tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Kiên quyết, kiên trì, xây dựng và thực hiện: Cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Đồng thời, đồng chí cũng nêu những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, các vụ án, vụ việc tham nhũng; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng… Đồng chí mong rằng Đại sứ quán Canada quan tâm giúp đỡ, chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực dẫn độ và thu hồi tài sản tham nhũng; cám ơn sự giúp đỡ trí tình, trí nghĩa của Canada trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong những lĩnh vực cải cách kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế…
Hai bên chụp ảnh lưu niệm tại buổi tiếp |
Phát biểu tại buổi tiếp, Bà Ping Kinikone chân thành cảm ơn Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã dành thời gian tiếp đoàn và chia sẻ những thông tin quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Đồng thời, Bà Đại sứ đã trao đổi, tìm hiểu làm rõ hơn một số nội dung trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng; việc ban hành, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; việc xây dựng cơ quan chuyên trách chống tham nhũng... Bà mong muốn thời gian tới, quan hệ giữa hai nước được thắt chặt hơn nữa tạo cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.
Tạ Anh Hưng
;