Sáng 20-7-2017, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng Đoàn đã chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Hà Nam.
Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Tòa án nhân nhân tối cao, Phó trưởng Đoàn và các đồng chí thành viên Đoàn công tác số 2.
Làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các cơ quan thuộc khối nội chính tỉnh, các đảng bộ trực thuộc và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 2 quán triệt mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát nhằm: (1) Kiểm tra, giám sát để nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và kết quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; trọng tâm là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Từ đó, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị các chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. (2) Công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, hạn chế thấp nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương.
Việc kiểm tra, giám sát tập trung vào những nội dung sau: (1) Tình hình và kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; việc chấp hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về “Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”; việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Kết luận số 10 ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống” liên quan đến tham nhũng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam. (2) Kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, trọng tâm là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, công tác thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; kết quả xử lý các tổ chức, các nhân, sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng.
|
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Tòa án nhân nhân tối cao, Phó trưởng Đoàn công tác đã thông báo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; thông báo Quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát.
Theo Kế hoạch, Đoàn công tác sẽ làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của tỉnh Hà Nam (từ ngày 20-7 đến 11-8-2017) gồm: Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Ban Nội chính Tỉnh ủy; Thanh tra tỉnh; Công an tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông - Vận tải; Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Nam; Thành ủy thành phố Phủ Lý, Huyện ủy Duy Tiên.
|
Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Hương, Hàm Vụ trưởng Vụ theo dõi xử lý các vụ án được ủy quyền của Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn điều hành công việc Đoàn thông báo kế hoạch cụ thể và lịch làm việc của Đoàn tại Hà Nam |
Theo Báo cáo về công tác tự kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam do đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam thì, những năm qua, tình hình tham nhũng, sai phạm kinh tế trên địa bàn được phát hiện tuy không nhiều nhưng xảy ra ở các lĩnh vực xã hội quan tâm như: Quản lý đất đai, quản lý kinh tế, chính sách xã hội… Số vụ việc, vụ án kinh tế không mang tính chất phức tạp, nghiêm trọng, chủ yếu tập trung vào loại tội phạm “buôn bán hàng cấm”, “vận chuyển hàng cấm”, “mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, “tàng trữ tiền giả”, “trốn thuế”. Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng đạt những kết quả tích cực. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý nghiêm; các kết luận thanh tra đã xác định rõ tính chất, mức độ sai phạm, từng bước nâng cao hiệu lực thanh tra. Công tác điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành khẩn trương, bảo đảm chất lượng; công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thực hiện theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, được dư luận đồng tình.
|
Đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo về công tác tự kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 2 đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị và ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua của tỉnh Hà Nam. Về nhiệm vụ tiếp theo, đồng chí chỉ đạo:
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần rà soát, xác định rõ những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng tại địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý. Thông qua kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, cần nghiêm túc đánh giá kết quả việc phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tội phạm kinh tế thời gian qua đã phản ánh đúng tình hình thực tế tại Hà Nam? Có hay không hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh khi thực hiện công vụ và đề xuất các giải pháp phòng ngừa. Đề nghị Đoàn công tác trong quá trình kiểm tra, giám sát, cần nắm tình hình, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, kịp thời kiến nghị chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót và củng cố, kiện toàn các cơ quan trên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; tránh làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
2. Cần tập trung làm rõ những sơ hở, thiếu sót, sai phạm, vi phạm các quy định trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, trong thực hiện các dự án đầu tư công, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; trong quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… gây thất thoát, lãng phí và dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống liên quan đến “lợi ích nhóm”, tiêu cực, tham nhũng.
3. Báo cáo kết quả và đánh giá về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh từ thực hiện các dự án đầu tư, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng.
4. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần chú trọng đề xuất những giải pháp thiết thực, đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan chức năng ở Trung ương phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
5. Trong thời gian làm việc tại Hà Nam, Đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị theo Kế hoạch làm việc của Đoàn; nghe cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc diện kiểm tra, giám sát báo cáo; nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan, yêu cầu cung cấp bổ sung tài liệu và làm việc với các đơn vị có liên quan (khi cần thiết). Trong quá trình làm việc, nếu phát sinh những vấn đề mới, Đoàn công tác sẽ thống nhất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị, tổ chức được kiểm tra, giám sát mở rộng phạm vi kiểm tra, xác minh nếu thấy cần thiết để bảo đảm kết quả kiểm tra được khách quan, triệt để.
Đồng chí yêu cầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc diện được kiểm tra, giám sát phối hợp chặt chẽ với Đoàn công tác theo đúng mục đích, yêu cầu, chương trình, kế hoạch đề ra; chuẩn bị các buổi làm việc, cử người đúng thẩm quyền và thành phần làm việc với Đoàn; chuẩn bị báo cáo, tài liệu đầy đủ; chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy cử đại diện lãnh đạo tham gia các buổi làm việc của Đoàn công tác trong suốt quá trình làm việc tại địa phương.
Căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát, Đoàn công tác sẽ dự thảo Báo cáo kết quả, gửi Thường trực Tỉnh ủy tham gia ý kiến; tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sau đó, Đoàn công tác báo cáo kết quả lên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo quy định.
Thay mặt Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng Đoàn và phát biểu đóng góp của thành viên Đoàn công tác; đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh tập trung hoàn thiện báo cáo và phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực hiện nhiệm vụ.
Phạm Nam Tiến