Ban Nội chính Trung ương: Hội thảo "Hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam"

Thứ Sáu, 09/06/2017, 16:10 [GMT+7]

Sáng 08-6-2017, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam". Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương và bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía khách quốc tế có ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam; ông Christopher Batt, Cố vấn cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc; ông Dennis Curry, Trợ lý Ban Giám đốc UNDP tại Việt Nam; bà Brett Rose, cán bộ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương; các đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến lĩnh vực pháp luật, tư pháp của một số cơ quan, tổ chức, học viện, nhà trường ở Trung ương và Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương dự Hội thảo.

Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách. Chính sách phòng, chống tham nhũng của Việt Nam luôn coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, cản trở việc phòng, chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Để thể chế hóa chủ trương phòng, chống tham nhũng của Đảng, trong những năm qua, các chế tài xử lý tham nhũng đã được liên tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng nghiêm khắc và đầy đủ. Tuy vậy, từ thực tiễn áp dụng và trên bình diện pháp luật quốc tế đã chỉ ra sự chưa hoàn thiện của các chế tài xử lý tham nhũng, như chưa có chế tài đối với hành vi làm giàu bất chính; chưa có chế tài pháp lý linh hoạt để thu hồi tài sản tham nhũng; chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng...

Phó Giám đốc UNDP Việt Nam Akiko Fujii cho biết, UNDP cùng với Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC) đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Qua sự hợp tác giữa UNDP và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong xây dựng pháp luật, thể chế phòng, chống tham nhũng, UNDP đã đề ra cách thức hỗ trợ Việt Nam hiệu quả, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo bà Akiko Fujii, trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cần chú ý tới cơ chế hiệu quả của việc đưa ra chế tài kiểm soát những người giàu bất chính cũng như thu hồi tài sản; trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong phòng, chống tham nhũng; đưa Luật phòng, chống tham nhũng vào cuộc sống một cách thực tế hơn, hiệu quả hơn để pháp luật được thực thi nghiêm túc.... "Chúng ta cần kiểm soát tham nhũng hiệu quả và có các thiết chế vững mạnh trong phòng, chống tham nhũng"- Phó Giám đốc UNDP Việt Nam nhấn mạnh.

Hội thảo đã nghe TS Đào Lệ Thu (Đại học Luật Hà Nội) giới thiệu Báo cáo nghiên cứu "Hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam". Báo cáo tập trung nghiên cứu các quy định pháp luật về chế tài xử lý tham nhũng tại Việt Nam nhằm đánh giá mức độ hoàn thiện (về mặt lập pháp) của các chế tài này so với Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và thực tiễn Việt Nam. Báo cáo đã chỉ ra những thiếu hụt về mặt quy định pháp luật của các chế tài hiện hành và đưa ra khuyến nghị bổ sung loại chế tài phù hợp. Đó là trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tham nhũng chưa được luật hóa; chế tài đối với khu vực tư chưa toàn diện và thiếu tính chuyên biệt; vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích chưa được định danh rõ...

Nói về mục tiêu trong hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng, báo cáo nêu rõ, hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng phải hướng tới tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của các chế tài này khi được áp dụng trên thực tiễn, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc hiện nay về mặt pháp lý khi xử lý tham nhũng vài tài sản tham nhũng. Một số nội dung về phương thức xử lý tham nhũng nói chung cũng được đề cập trong Báo cáo với ý nghĩa làm cơ sở góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về chế tài xử lý tham nhũng.

Phân tích nội dung của báo cáo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, một số giải pháp, kết quả nghiên cứu cần phải xem xét cụ thể hơn trong điều kiện thực tế tại Việt Nam. Theo đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết nhưng các điều kiện, thể chế để thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa có hoặc không đảm bảo. Đưa ra minh chứng cụ thể, ông Quyền cho biết hiện chưa có quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm pháp lý cho từng vị trí công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là của người đứng đầu. Qua kinh nghiệm công tác thực tế, ông Quyền chia sẻ rất khó xác định, chứng minh các hành vi làm giàu bất hợp pháp, xác minh nguồn gốc tài sản tăng bất thường và bất minh do ở Việt Nam hiện nay không có quy định chặt chẽ về kê khai tài sản và kiểm tra tính trung thực của kê khai tài sản. Bên cạnh đó, vấn đề quyền tài sản lại được quy định khắt khe tại Bộ luật Dân sự và phải ra tòa mới có quyền liên quan tới tài sản. Việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có cơ sở để xác định tài sản nào có được từ tham nhũng và tài sản nào có được từ các nguồn thu nhập khác, đồng thời các quy định pháp lý về thu hồi tài sản vẫn còn thiếu...

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận xét: “Chúng ta mới quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng. Còn những người quản lý, những người hoạch định chính sách như ở Bộ này, ngành kia đưa ra những chính sách dẫn đến thất thoát, lãng phí, tham nhũng rất lớn nhưng chúng ta chưa có chế tài”. Ông cũng đề nghị cần có biện pháp mạnh để phát hiện và thu hồi được tài sản tham nhũng. Giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng, cần có chế tài hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp và đề nghị nhóm nghiên cứu phân tích tại sao Việt Nam chưa hình sự hóa hành vi này.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever nhấn mạnh cần phải tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng một cách minh bạch, các chế tài và cách làm phải thể hiện sự công bằng để có niềm tin từ công chúng. Đại sứ Giles Lever khẳng định Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng.

Ông Christopher Batt, Cố vấn khu vực của UNODC nêu kinh nghiệm của Anh trong việc xây dựng pháp luật về thu hồi tài sản, phương pháp và các trường hợp áp dụng cụ thể để thu hồi thành công tài sản do phạm tội mà có. Đáng chú ý, ông Christopher Batt đã đề cập tới cách thu hồi tài sản khi không có bản án hình sự và trường hợp áp thuế đối với tài sản không xác định được nguồn gốc...

Kết luận Hội thảo, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao sự tham gia đóng góp ý kiến thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm và khẳng định Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến làm cơ sở cho quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Đặng Phước

;
.