Trưởng Ban Nội chính Trung ương tiếp, làm việc với Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc

Thứ Sáu, 17/03/2017, 20:15 [GMT+7]
    Chiều 17-3-2017, tại Trụ sở Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiếp, làm việc với Đoàn công tác Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) do ông Kyung-ho Park, Phó Chủ tịch làm Trưởng đoàn. 
 
    Tại buổi làm việc, ông Kyung-ho Park, phó Chủ tịch ACRC chia sẻ kinh nghiệm 15 năm thực hiện đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh tại Hàn Quốc. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, ban đầu gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với quyết tâm của Chính phủ, việc đánh giá này đã được thực hiện thành công. Ông chia sẻ việc đánh giá phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh cần phải thực hiện hàng năm; kết quả đánh giá phải được công bố công khai; phải có chiến lược lựa chọn đối tượng tham gia vào đánh giá, ban đầu chọn 1 nhóm nhỏ để thử nghiệm, dần dần mở rộng để kết quả được chính xác nhất…
 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
    Phát biểu tại buổi tiếp, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã giới thiệu một số kết quả của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua, cụ thể là: 
 
    Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện thể chế bao gồm quy định của Đảng; pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế xã hội và phòng, chống tham nhũng, như Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự, các luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan tố tụng, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thanh tra, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật tiếp cận thông tin, luật đầu tư, luật đấu thầu…
 
    Thứ hai, các giải pháp phòng ngừa được tiến hành đồng bộ, như: Công khai minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng…
 
    Thứ ba, tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng; từ năm 2006 đến nay, trung bình hàng năm các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố hơn 335 vụ/797 bị can; truy tố gần 289 vụ/678 bị can; xét xử hơn 263 vụ/598 bị cáo về các tội tham nhũng. Trong đó, số vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện ngày càng nhiều, thể hiện thái độ quyết liệt của Nhà nước Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
    Thứ tư, các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy và củng cố như việc tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính 63 tỉnh, thành phố để tham mưu, giúp việc cho Đảng trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; Cục chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ; các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trong cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
 
    Thứ năm, vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được nâng cao.
 
    Thứ sáu, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng ngày càng được mở rộng.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông  Kyung-ho Park, Phó Chủ tịch ACRC tại buổi làm việc
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Kyung-ho Park, Phó Chủ tịch ACRC tại buổi làm việc
    Về quan điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam Đồng chí nhấn mạnh: (1) Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng và cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ; (2) Gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống lãng phí; phải tiến hành tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm; (3) Kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng và thực hiện: Cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
 
    Đồng thời, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng nêu những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, đó là: (1) Xác định trách nhiệm nêu gương và phòng, chống tham nhũng của cán bộ đảng viên và người đứng đầu; (2) Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước; (3) Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, thực hiện tốt các quy định công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình; (4) Xây dựng và hoàn thiện thể chế như Bộ luật hình sự (sửa đổi), hoàn chỉnh Luật phòng, chống tham nhũng, Luật tố cáo…; (5) Nâng cao hơn nữa việc phát hiện và xử lý tham nhũng theo nguyên tắc tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu tội phạm phải  khởi tố, điều tra; có kết luận phạm tội phải truy tố xét xử theo quy định của pháp luật; (6) Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực và xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng; (7) Nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng một cách hiệu quả; (8) Từng bước mở rộng công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước; (9) Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và lãnh đạo các Vụ thuộc Ban Nội chính Trung ương chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và lãnh đạo các Vụ thuộc Ban Nội chính Trung ương chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác.
    Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tội phạm về tham nhũng; cảm ơn những thông tin chia sẻ của Đoàn công tác và thống nhất những đề xuất của ACRC; Ban Nội chính Trung ương sẽ tham gia xây dựng và đánh giá tiêu chí phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh; tích cực tham gia phối hợp với Thanh tra Chính phủ chuẩn hóa tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng phù hợp với Việt Nam. Đồng chí mong rằng thời gian tới hai bên tiếp tục phối hợp có hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Đặng Phước
;
.