Ban Nội chính Trung ương: Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2016 và quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị
Thứ Năm, 23/02/2017, 17:32 [GMT+7]
Sáng 23-02, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2016, triển khai công tác năm 2017 và quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trường trực Ban Bí thư tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Thường trực tỉnh ủy, thành ủy; Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy; đại biểu cơ quan đầu mối tham mưu công tác phòng, chống tham nhũng Trung ương cùng lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương…
Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị |
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của ngành Nội chính Đảng năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Theo đó, năm 2016 hầu hết các nội dung công việc của ngành theo chương trình, kế hoạch công tác đã hoàn thành tiến độ đề ra, nổi bật là: Đã thực hiện tốt việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và cấp ủy địa phương một số chủ trương, giải pháp lớn về nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN); hoàn thành việc tổng kết một số nghị quyết lớn của Đảng về nội chính và PCTN; chất lượng nghiên cứu, thẩm định các dự án, đề án, văn bản quan trọng về lĩnh vực nội chính và PCTN được nâng lên; việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính và PCTN, nhất là kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều tiến bộ; đạt nhiều kết quả trong công tác tham mưu, đề xuất chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và xử lý kịp thời một số vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động, tích cực và có nhiều sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, thành phố; quan hệ phối hợp giữa ban nội chính với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương gắn bó, chặt chẽ hơn; công tác thông tin, tuyên truyền, hợp tác quốc tế về nội chính và PCTN được quan tâm thực hiện và có nhiều đổi mới; tổ chức bộ máy, biên chế của ngành Nội chính Đảng tiếp tục được kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả v.v… Những nỗ lực, cố gắng trên của ngành Nội chính Đảng đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác nội chính và PCTN; được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy ghi nhận, đánh giá tốt…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nội chính Đảng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hoạt động một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trên một số lĩnh vực vẫn còn bị động, lúng túng, chất lượng, hiệu quả chưa cao, nhất là tham mưu cho cấp ủy về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; về chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị; về công tác kiểm tra, giám sát và tham gia công tác cán bộ của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Sự phối hợp giữa ban nội chính với các cơ quan chức năng vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc trao đổi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tình hình an ninh quốc gia, việc xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp...
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo, đồng thời cũng kiến nghị, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt hơn công tác của ngành Nội chính Đảng trong thời gian tới.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng, những kết quả của toàn ngành Nội chính Đảng trong năm qua. Đồng tình với 9 nhóm nhiệm vụ công tác của ngành Nội chính năm 2017, đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Cần nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy với tư cách là cơ quan tham mưu của Đảng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Để thực hiện tốt yêu cầu này, Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp, đề nghị, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan liên quan làm việc, phối hợp, trao đổi, báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin theo quy định; các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan liên quan cần phối hợp, tạo điều kiện, thực hiện các đề nghị, yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính cấp tỉnh theo quy định. Đồng chí đề nghị Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy cần tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và cấp ủy địa phương những chủ trương, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Bảo đảm nguyên tắc không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng nhưng cũng không làm thay hoạt động chuyên môn của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.
Ngành Nội chính chú trọng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tập trung tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy rà soát có hiệu quả các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật...
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư lưu ý, toàn ngành Nội chính tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là các quy định mới ban hành. Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy phải tham mưu cho cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh hơn, có hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng...
Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư đã giải đáp một số kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của ngành Nội chính Đảng.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương kết luận Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: Sau 4 năm hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và ban thường vụ, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy; sự giúp đỡ, phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, ngành Nội chính Đảng đã cơ bản hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, tỉnh ủy, thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Về nhiệm vụ năm 2017, Đồng chí đề nghị quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, bám sát Chương trình công tác trọng tâm năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; 9 nhiệm vụ trong Báo cáo đã nêu, để tham mưu hiệu quả về công tác nội chính và PCTN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2017. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Chủ trì, phối hợp tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ưong 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, LP; Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao theo Kế hoạch số 04-KH/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Phối hợp tham mưu, tham gia việc sửa đổi Bộ luật hình sự 2015, Luật PCTN, Luật tố cáo, Luật giám định tư pháp...; (2) Theo dõi, đôn đốc, phối hợp, tham mưu xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ), đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo (tài liệu chắc đến đâu xử lý đến đó và không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào); (3) Chủ trì, phối hợp tham mưu sơ kết 05 năm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; (4) Xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định 159 của Bộ Chính trị, Quy định 183 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, đồng chí lưu ý:
Thứ nhất, về nhận thức: Cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy, với tư cách là cơ quan tham mưu của Đảng về lĩnh vực nội chính và PCTN. Là cơ quan tham mưu của Đảng, theo quy định hiện hành, Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy cũng như các ban khác của Trung ương và cấp ủy cấp tỉnh, đều có các nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; thẩm định, thẩm tra; phối hợp và một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và cấp ủy cấp tỉnh giao. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính cấp tỉnh còn có các nhiệm vụ riêng: Chủ trì hoặc phối hợp các cơ quan có liên quan đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh cho chủ trương về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp tỉnh cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và PCTN; phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật ở các cơ quan nội chính; khi kiểm tra, giám sát, ban nội chính có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát như các ban khác của Đảng; Tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ trong các cơ quan nội chính và việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp; Ban Nội chính Trung ương còn có nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao.
Để thực hiện các nội dung trên, cần chủ động, tích cực phối hợp, đề nghị, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan liên quan làm việc, trao đổi, báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin theo quy định. Đề nghị Ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo thuận lợi cho ban nội chính cấp tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm phát huy có hiệu quả vai trò của ban nội chính trong công tác nội chính, PCTN và công tác cán bộ, như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư.
Thứ hai, về phương pháp: (1) Bám thường trực cấp ủy để tham mưu, đề xuất, kiến nghị, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho ban nội chính hoạt động; (2) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, làm cho họ hiểu kiểm tra, giám sát của ban nội chính là để giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhắc nhở, cảnh báo những khuyết điểm, hạn chế để sửa chữa; phối hợp để tham mưu có hiệu quả cho sự lãnh đạo của Đảng về công tác nội chính và PCTN, tạo điều kiện để các cơ quan chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ; (3) Mạnh dạn, năng động trong tổ chức thực hiện; (4) Tăng cường nghiên cứu, cập nhật kiến thức, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; (5) Bám chức năng, nhiệm vụ, bám tình hình địa bàn để chủ động triển khai các mặt công tác cho phù hợp với từng địa phương; xác định rõ nhiệm vụ nào ban nội chính chủ trì, nhiệm vụ nào ban nội chính phối hợp.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày dự thảo Báo cáo tại Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó nhấn mạnh tới việc phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể đó là ai...
Đặng Phước
;