Ban Nội chính Trung ương: Hội thảo phân tích so sánh pháp luật phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư

Thứ Năm, 12/01/2017, 16:40 [GMT+7]
    (BNCTW) - Sáng 12-01-2017, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tổ chức Hội thảo “Phân tích so sánh pháp luật phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư: Kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Nam”. Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương và bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
 
    Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo một số Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Thanh tra Trung ương và địa phương; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
    Các đại biểu đã nghe tóm tắt Báo cáo nghiên cứu “Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư tại Việt Nam - Thực trạng và Giải pháp” của nhóm chuyên gia trong nước và Báo cáo nghiên cứu “Góc nhìn của khu vực tư về tham nhũng và kinh nghiệm pháp lý quốc tế điều chỉnh tham nhũng liên quan tới khu vực tư” của ông Romain Caillaud, Giám đốc phụ trách mảng Rủi ro toàn cầu và Cách thức điều tra sai phạm khu vực tư, Công ty Tư vấn FTI, Singapore.
 
    Phát biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn cho rằng: Hiện tượng tham nhũng trong khu vực tư đã làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sức cạnh tranh và tạo ra những bất bình đẳng, cũng như làm giảm lòng tin đối với doanh nghiệp khu vực tư; đe dọa sự tín nhiệm, trung thực và trung thành - những yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển các quan hệ xã hội và kinh tế. 
 
    Đồng thời, quá trình hội nhập quốc tế đã và sẽ đặt ra cho Việt Nam các yêu cầu về việc thiết lập biện pháp nhằm quản lý và thúc đẩy nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh. 
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
    Các đại biểu cũng phân tích, làm rõ quan niệm, hành vi tham nhũng trong khu vực tư; thực trạng tham nhũng và tình hình phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư; đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực này…
 
    Phát biểu kết luận, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao các Báo cáo, tham luận trình bày tại Hội thảo; các ý kiến phát biểu, thảo luận đã tập trung đi sâu phân tích thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế và các đề xuất, kiến nghị cụ thể, khả thi vận dụng cho Việt Nam.
 
Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
    Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mang lại kết quả, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh một số vấn đề: (1) Tiếp tục thực hiện nghiêm, mạnh mẽ và đồng bộ chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, cần nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhằm góp phần vào sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng; (2) Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư cần được quan tâm, tiến hành đồng bộ, song song với công tác phòng chống tham nhũng trong khu vực công; (3) Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, tăng cường hiệu lực thi hành pháp luật trong kinh doanh; (4) Kịp thời cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đảm bảo đơn giản, gọn nhẹ, công khai, minh bạch. Thể chế hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh đảm bảo nghiêm minh, tránh tuỳ tiện trong thực hiện; (5) Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phòng chống tham nhũng. Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp thiết lập các cơ chế nội bộ để phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động kinh doanh, như: Xây dựng quy tắc ứng xử - đạo đức kinh doanh; tăng cường quản trị nội bộ; tránh các xung đột lợi ích trong kinh doanh; tạo lập cơ chế kinh doanh liêm chính; xây dựng văn hóa tuân thủ trong nội bộ doanh nghiệp.
 
    Đồng chí Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đề nghị, Ban tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu để làm cơ sở cho quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Đặng Phước
;
.