Hội nghị giao ban các Ban Nội chính Tỉnh ủy khu vực Trung du và miền núi phía Bắc

Thứ Sáu, 16/12/2016, 16:15 [GMT+7]
    Ngày 15-12-2016, tại TP. Bắc Giang tỉnh Bắc Giang, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban cụm năm 2016 của 14 ban Nội chính Tỉnh ủy khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (Cụm số 1). Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chủ trì Hội nghị. 120 đại biểu đại diện cho 14 Ban Nội chính Tỉnh ủy, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Quân khu I, Cục An ninh Tây Bắc và đại diện các Vụ, đơn vị chức năng, Ban Nội chính Trung ương tham dự Hội nghị.
 
    Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2016 của Cụm số 1 tại Hội nghị, Ban Nội chính các tỉnh thuộc Cụm 1 đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giúp ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh ủy xây dựng, ban hành 345 văn bản cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, phát luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; ban hành chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; quán triệt Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; tham mưu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Ban Nội chính các tỉnh đã chủ trì, phối hợp đề xuất với ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý xong 15/18 vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao; xử lý xong 29/71 vụ việc, vụ án theo quy định của pháp luật; đã đôn đốc giải quyết xong 39/97 vụ án, vụ việc tỉnh ủy các tỉnh giao theo dõi, đôn đốc. Các đơn vị trong Cụm số 1 đã tổ chức 90 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 262 cấp ủy, tổ chức đảng và 56 cơ quan nội chính địa phương. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện 05 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, chuyển cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền; tham gia ý kiến đối với 590 cán bộ được bổ nhiệm hoặc luân chuyển công tác.
 
    Trong năm, các đơn vị trong Cụm giúp cấp ủy tổ chức 275 buổi tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý 1.945 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị. Qua xác minh, phát hiện 11 vụ vi phạm, trong đó có 04 vụ có dấu hiệu tham nhũng, chuyển cơ quan chức năng xử lý. Chế độ thông tin, báo cáo, công tác tập huấn nghiệp vụ được chú trọng, đồng thời các đơn vị đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo tỉnh xây dựng nội dung, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. 
 
    Bên cạnh những kết quả, Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế như: Trên một số lĩnh vực có Ban hoạt động còn lúng túng, chất lượng, hiệu quả chưa cao, nhất là tham mưu cấp ủy trong kiểm tra, giám sát công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nói riêng; việc rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội hàng năm còn hình thức; việc tham gia công tác cán bộ ở nhiều nơi còn lúng túng; công tác thông tin, báo cáo nhiều khi còn chậm.
 
    Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận tập trung vào những khó khăn, vướng mắc trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; bất cập trong công tác giám định tư pháp phục vụ cho điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; phạm vi, phương thức phối hợp tham gia với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp và tham gia bổ nhiệm một số chức danh tư pháp…
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị
    Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng biểu dương những kết quả mà các ban nội chính tỉnh ủy của 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đã đạt được trong năm qua. Đồng chí lưu ý, thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, đó là: 1) Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt kết luận của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22-6-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới; tham mưu xử lý những vấn đề nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh; nắm chắc tình hình để tham mưu cho thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo kịp thời, giải quyết các vấn đề nổi lên về an ninh biên giới, vấn đề tôn giáo, dân tộc, an ninh nông thôn và hoạt động của các đối tượng chống đối, hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. 2) Chủ trì, tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 3) Đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật, của Đảng đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là đối với các vụ phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm. Nguyên tắc là tích cực, khẩn trương, phát hiện tới đâu, xử lý tới đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã phát hiện tội phạm thì phải khởi tố điều tra, đã có kết luận phải đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; đối với các vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự cần xử lý nghiêm theo quy định. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí; đặc biệt chú trọng các lĩnh vực như: bổ nhiệm cán bộ, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, cổ phần hóa và tài chính trong doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tự kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý các dấu hiệu tham nhũng ở cơ quan, đơn vị mình trực tiếp quản lý. 4) Nâng cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng. 5) Tham mưu với ban thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những kiến nghị của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương trong thời gian qua. 6) Tham mưu với thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng. 7) Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Cù Tất Dũng
;
.