Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp
Thứ Năm, 11/08/2016, 18:15 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 10-8-2016, Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp; Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và lãnh đạo một số vụ, đơn vị chức năng của hai cơ quan.
Quang cảnh Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ: Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ trong việc lập đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Bộ Tư pháp luôn chú trọng thực hiện, đảm bảo Chương trình bám sát quan điểm, định hướng của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ phát triển đất nước.
Tại Hội nghị, Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp trao đổi thông tin về chức năng nhiệm vụ, nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác, xác định những lĩnh vực phối hợp công tác hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Các đại biểu đề xuất các giải pháp tăng cường hơn công tác cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật và hội nhập quốc tế… trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cảm ơn sự phối hợp trong công tác của Ban Nội chính Trung ương thời gian qua. Thời gian tới, đồng chí đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục quan tâm theo dõi, tham gia ý kiến đối với công tác của Bộ, ngành Tư pháp; nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; tham mưu Bộ Chính trị chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, công tác xã hội hóa các nghề tư pháp có bước đi phù hợp, đảm bảo đúng đường lối chủ trương của Đảng và việc quản lý, giám sát của Nhà nước; tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác giám định tư pháp trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế, nhất là án lớn, án điểm.
Ban Nội chính Trung ương đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sớm chỉ đạo thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về giám định tư pháp để tham mưu Ban Chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong quá trình chỉ đạo, giải quyết các vụ án tham nhũng; đồng thời có cơ chế xác định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, cơ quan tố tụng về các ách tắc trong từng khâu trưng cầu, thực hiện giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định...
Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá cao sự chủ động đề xuất của Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị ý nghĩa, thiết thực này. Đồng chí đồng tình với những nội dung nêu trong Báo cáo và lưu ý, nhấn mạnh một số nhiệm vụ thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung, tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Kết luận số 01-KL/TW ngày 04-4-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020. Trong đó cần lưu ý: (1) Nâng cao hơn nữa chất lượng Luật, Pháp lệnh đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định phù hợp với thực tế, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước; (2) Kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ pháp lý và hoạt động bổ trợ tư pháp; nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật, giữ vững kỷ cương, phép nước; (3) Đề cao cảnh giác, phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch tác động qua con đường hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật.
Thứ hai, Bộ Tư pháp cần tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Nhất trí việc sớm đề xuất đưa Luật đăng ký tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 để tạo khuôn khổ pháp lý thực sự đầy đủ, công khai, minh bạch về tình trạng pháp lý của tài sản. Việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về giao dịch đảm bảo, đăng ký giao dịch đảm bảo phải đặt trong tổng thể đảm bảo đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, nhà ở, hàng không, hàng hải, pháp luật về đăng ký tài sản, pháp luật về thủ tục tố tụng dân sự…; sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng và Bộ Luật hình sự năm 2015.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc giúp Chính phủ khảo sát thủ tục hành chính thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong đó lưu ý việc đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các nghề tư pháp, đảm bảo đúng đường lối chủ trương của Đảng và việc quản lý, giám sát của Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Thống nhất thành lập các Đoàn giám sát liên ngành do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, để kiểm tra, giám sát đối với một số vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến án tham nhũng, tín dụng, ngân hàng hoặc phức tạp, kéo dài, trong đó tập trung vào những vụ việc có khó khăn trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thứ năm, tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của công tác giám định tư pháp trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án lớn, án điểm.
Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý tổ chức và hoạt động của Luật sư, các hoạt động bổ trợ tư pháp theo đúng chính sách, pháp luật.
Thứ bảy, tích cực tham mưu giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch của việt kiều, con lai về nước, đây là vấn đề xã hội, vấn đề nhân đạo, vấn đề nhân quyền.
Thứ tám, thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong sai sót của Bộ Luật hình sự năm 2015 theo chỉ đạo của Ban Bí thư.
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Bộ Tư pháp nêu ra tại Hội nghị; giao Vụ Nội chính, Ban Nội chính Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan để triển khai ký kết trong thời gian tới.
Đặng Phước
;