Hội thảo Đề án "Bổ sung, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo"
Thứ Tư, 27/07/2016, 16:58 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 26-7-2016, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cán bộ làm công tác thực tiễn đối với dự thảo Đề án "Bổ sung, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo". Các đồng chí: Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Ban Nội chính Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Toà án nhân dân tối cao; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước; đại diện ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng và lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Quang cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: Xuất phát từ nhu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng cũng như từ thực tiễn sau hơn 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, Thường trực Ban Bí thư đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì chuẩn bị Đề án, phân công đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phối hợp chỉ đạo việc xây dựng đề án. Đây là một đề án khó vì liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo cũng như Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo nên việc tổ chức Hội thảo xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cán bộ làm thực tiễn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này là cần thiết. Trên cơ sở Báo cáo đề dẫn của Ban Nội chính Trung ương các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung quan trọng sau:
(1) Kết quả qua 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.
(2) Thảo luận, cho ý kiến bổ sung 04 nhóm nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo:
- Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng;
- Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thanh tra, xử lý vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm;
- Trách nhiệm của các Thành viên Ban Chỉ đạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, ngành, lĩnh vực do mình đứng đầu;
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội quan tâm.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
(3) Đề nghị bổ sung, sửa đổi 04 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, đó là:
- Giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo;
- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng;
- Chủ trì hoặc phối hợp đề xuất Ban Chỉ đạo về chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm;
- Cơ chế làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và người có thẩm quyền.
(4) Cho ý kiến về việc đề nghị bổ sung, sửa đổi nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo “Tôn trọng và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
(5) Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo và một số nội dung liên quan khác.
Đồng chí Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo lần này, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với Đề án; thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo theo hướng tạo điều kiện nâng cao và quy định rõ hơn thẩm quyền cũng như cơ chế phối hợp để thực hiện tốt nhất thẩm quyền được giao. Tuy nhiên cũng có ý kiến còn băn khoăn khi quy định tăng thẩm quyền có bị trùng, dẫm một số hoạt động theo pháp luật của các cơ quan chức năng không; tính khả thi cũng như điều kiện bảo đảm để một số thẩm quyền đó được thực hiện trên thực tế.
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã phân tích, giải trình một số vướng mắc lớn, đồng thời đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, xây dựng, nhiều nội dung sát thực tiễn, có giá trị. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan chủ trì xây dựng Đề án sẽ tiếp thu đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện Đề án, trình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Bộ Chính trị xem xét quyết định.
Đặng Phước
;