Hội nghị giao ban các Ban Nội chính tỉnh, thành ủy khu vực Trung du và miền núi phía Bắc 6 tháng đầu năm 2016

Thứ Năm, 14/07/2016, 16:37 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngày 13-7-2016, tại Thành phố Lai Châu, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban các Ban Nội chính tỉnh, thành ủy khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (Cụm số 1) 6 tháng đầu năm 2016. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đồng chủ trì Hội nghị.
 
    Tham dự Hội nghị có đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu; các đồng chí Trưởng Ban, Phó trưởng Ban, Trưởng các phòng nghiệp vụ và Chánh Văn phòng của 14 Ban Nội chính tỉnh, thành ủy Cụm số 1. 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của 14 ban nội chính tỉnh, thành ủy trong Cụm số 1 và nhấn mạnh: Từ sau Hội nghị giao ban toàn quốc năm 2015 đến nay, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt của một số ban nội chính đã được thông tin, trao đổi, nhân rộng; một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đã được cấp ủy quan tâm chỉ đạo, giải quyết. Ban Nội chính Trung ương đã xây dựng tài liệu tập huấn chuyên sâu về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; quan tâm phối hợp, đôn đốc các cơ quan chức năng ở Trung ương chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc ở địa phương...
 
    Tại Hội nghị giao ban này, đề nghị các đồng chí ngoài việc trao đổi, thảo luận công tác chuyên môn, nghiệp vụ, bài học kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của địa phương mình cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm là: (1) Tham mưu Thường trực tỉnh, thành ủy trong việc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu về nội dung theo Kế hoạch và Đề cương tổng kết của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương đã đề ra; (2) Tham mưu, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm thuộc diện tỉnh, thành ủy chỉ đạo, xử lý; (3) Tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; (4) Tham mưu, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế để chuyển cơ quan điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; (5) Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phục vụ các Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, theo Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; (6) Tham mưu xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, an ninh tôn giáo, dân tộc, an ninh biên giới... 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương
phát biểu khai mạc Hội nghị
    Báo cáo tổng hợp trình bày tại Hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy trong Cụm có nhiều chuyển biến rõ rệt cụ thể như sau: Các ban nội chính trong Cụm đã tham mưu để Ban chấp hành, Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy ban hành 163 văn bản, cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tham mưu đưa 75 vụ việc, vụ án vào danh sách đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; trực tiếp theo dõi, đôn đốc 78 vụ việc, vụ án; chủ trì và phối hợp tổ chức 06 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.234 người; phát hành 164 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các huyện ủy, thành ủy, các sở, ban, ngành và các cơ quan, địa phương trong tỉnh về chế độ thông tin, báo cáo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tiến hành 47 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 109 cấp ủy, tổ chức đảng và 27 cơ quan nội chính địa phương; tổ chức 260 buổi tiếp công dân với 328 lượt; tiếp nhận, xử lý 1.015 đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; 14/14 ban nội chính tỉnh, thành ủy trong Cụm xây dựng và ban hành kế hoạch thi đua chuyên đề "Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hiệu quả các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính và phòng, chống tham nhũng";...    
Đồng chí Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu phát biểu tại Hội nghị
    Thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến tập trung đánh giá tình hình, kết quả tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ của ban nội chính tỉnh, thành ủy; chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động. Một số ý kiến về các nội dung được các đại biểu nêu tại Hội nghị như: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định 183-QĐ/TW của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cho phù hợp với thực tế triển khai ở các địa phương; có hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ của ban nội chính tham gia với ban tổ chức tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp; quy định phụ cấp đặc thù về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng và thâm niên nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; hằng năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sớm ban hành chương trình công tác trọng tâm về phòng, chống tham nhũng làm cơ sở để các tỉnh, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương; Ban Nội chính Trung ương có văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng để các địa phương thực hiện, đảm bảo thống nhất trên cả nước; tăng cường công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, nhất là các chuyên đề kiểm tra, giám sát trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng... Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã trao đổi, trả lời cụ thể.
 
    Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được của ban nội chính các tỉnh, thành ủy Cụm số 1; đồng thời chỉ ra một số hạn chế như: Chất lượng tham mưu, đề xuất với cấp ủy trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án về tham nhũng của một số ban nội chính tỉnh ủy chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao; công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan nội chính ở địa phương còn lúng túng; việc tham gia ý kiến với ban tổ chức tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp, tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định của một số ban nội chính tỉnh ủy chưa thực hiện được; một số ban nội chính tỉnh ủy chưa xây dựng quy chế phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan trong khối nội chính thuộc tỉnh; việc tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các ban nội chính tỉnh ủy trong cụm chưa nhiều; mối quan hệ công tác giữa Ban Nội chính Trung ương các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy để trao đổi, được hướng dẫn nghiệp vụ chưa thường xuyên. 
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
    Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các ban nội chính tỉnh ủy cần thường xuyên bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh, bám sát sự hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Nội chính Trung ương để tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Tham mưu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, ngày 29-6-2016 của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương); Phối hợp tốt với Trung ương thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW, ngày 09-5-2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Phối hợp với cơ quan thanh tra, công an, viện kiểm sát tỉnh và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2015. Tập trung xây dựng, ban hành các quy chế phối hợp, nhất là quy chế phối hợp với các tổ chức đảng các cơ quan trong khối nội chính của tỉnh. Tổ chức sơ kết việc thực hiện các quy chế phối hợp đã ký, đề ra giải pháp hữu hiệu thực hiện trong thời gian tiếp theo. Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ theo quy định, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt Kế hoạch số 04-KH/BNCTW, ngày 19-4-2016 của Ban Nội chính Trung ương về thi đua chuyên đề “Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính, tham nhũng”. Tăng cường phối hợp với Ban Nội chính Trung ương trong hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các ban nội chính tỉnh ủy trong Cụm cũng như trong toàn quốc để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trong thời gian tới. 
Đặng Phước
;
.