Ban Nội chính Trung ương: Hội nghị tọa đàm về các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015
Thứ Sáu, 17/06/2016, 11:31 [GMT+7]
Để phổ biến, trang bị, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương kiến thức chuyên sâu hơn về một số nội dung quan trọng cũng như một số nội dung mới của BLHS năm 2015, góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác chuyên môn, ngày 16-6, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tọa đàm về các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Thành phần tham dự Hội nghị tọa đàm là những cán bộ, công chức đang công tác tại Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị tọa đàm, cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương được nghe nội dung của 03 Chuyên đề: (1) Một số nội dung quan trọng của Phần thứ nhất (Những quy định chung) của BLHS năm 2015; (2) Một số nội dung mới, quan trọng của Chương XXIII (Các tội phạm về chức vụ) của BLHS năm 2015; (3) Một số nội dung mới, quan trọng của Chương XVIII (Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế) của BLHS năm 2015.
Quang cảnh Hội nghị tọa đàm (Ảnh: Đặng Phước) |
Theo đó, BLHS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2016), đã kế thừa, phát triển các quy định còn phù hợp của BLHS năm 1999 trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành BLHS; đồng thời, bổ sung những quy định mới để giải quyết những vướng mắc, bất cập đang đặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, thể hiện sự đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội.
Nội dung quan trọng của lần sửa đổi này là nội luật hóa các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm thi hành đầy đủ nghĩa vụ quốc tế mà chúng ta đã cam kết, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng. Từ đó, khái niệm tội phạm về chức vụ có sự mở rộng. Khái niệm về người có chức vụ không còn bó hẹp trong đối tượng cán bộ, công chức nhà nước mà còn mở rộng ra lĩnh vực ngoài nhà nước, trong lĩnh vực tư nhân, đó là những người có chức vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
Các tội phạm về chức vụ được chia ra thành 02 nhóm tội: Nhóm tội phạm tham nhũng và nhóm tội phạm khác về chức vụ. Nhóm tội phạm về tham nhũng gồm 7 tội danh, hội tụ 3 dấu hiệu: người phạm tội là người có chức, có quyền; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, và vì vụ lợi. Trong số 7 tội phạm tham nhũng thì tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ là nghiêm trọng hơn cả và cũng là những tội có nhiều thay đổi nhất.
Tăng cường đấu tranh chống tham nhũng là một trong những định hướng cơ bản sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này. Điều 28 Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung vào những tội không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Đó là tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định ở các khoản 3 và 4. Điều luật coi tham ô và nhận hối lộ là những hành vi có tính nguy hiểm cao, tương đương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm chiến tranh. Điều này có nghĩa là bất kỳ lúc nào phát hiện được tội phạm là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đặng Phước) |
Tại Hội nghị tọa đàm, các chuyên gia cũng trao đổi tập trung vào những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, như: Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; đổi mới chính sách hình sự đối với người phạm tội dưới 18 tuổi; khái niệm chuẩn bị phạm tội; quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; điểm mới của các tội danh tham nhũng; chế tài phạt tiền với tính cách là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;…
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng Ban nhấn mạnh, việc sửa đổi BLHS lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục thể chế hoá chủ trương cải cách tư pháp của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực hình sự, đặc biệt là yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo khung pháp luật hình sự hữu hiệu nhằm tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
Đồng chí đánh giá cao nội dung của 03 chuyên đề, đặc biệt là phần các tội tham nhũng và tội phạm trật tự quản lý kinh tế, có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng chí đề nghị, cán bộ, công chức của Ban Nội chính Trung ương cần quan tâm nghiên cứu sâu các quy định của BLHS năm 2015 để vận dụng vào công tác chuyên môn; đồng thời kết hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Kim Anh
;