Kết quả công tác năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016 của Ban Nội chính Trung ương
Thứ Hai, 11/01/2016, 09:44 [GMT+7]
Ngày 08-01-2016, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương chủ trì và kết luận Hội nghị. Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương xin trích đăng những nội dung quan trọng trong bài phát biểu Kết luận này.
I- Đánh giá kết quả năm 2015
Năm 2015, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều bất ổn hơn trên các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh đến kinh tế. Xung đột, tranh chấp tại nhiều khu vực tiếp tục diễn ra căng thẳng, nhất là tình hình tại Xy-ri, I-rắc, Li-bi, I-ran, Á -rập- xê-út; cạnh tranh và điều chỉnh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp biển Đông và biển Hoa Đông; khủng bố, chủ nghĩa cực đoan ở trên diện rộng; khủng hoảng di cư ở Châu Âu; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Trung Quốc sụt giảm,... là những đặc điểm nổi bật của thế giới năm 2015.
Ở trong nước, năm 2015 là năm tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước (85 năm thành lập Đảng, 40 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII....); tình hình tội phạm diễn biến phức tạp với nhiều vụ buôn bán ma túy lớn, nhiều vụ giết người có tính thảm sát; an ninh trật tự một số nơi tiềm ẩn những yếu tố dễ gây mất ổn định; các thế lực thù địch ráo riết chống phá, nhất là dịp đại hội Đảng các cấp và Đại hội XII của Đảng.
Với sự nỗ lực cố gắng toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, kinh tế tăng trưởng khá, 13/14 chỉ tiêu ước đạt và vượt, công tác đối ngoại được mở rộng, quốc phòng - an ninh được tăng cường, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp tích cực của Ngành Nội chính Đảng chúng ta.
Có thể khẳng định, trong năm qua khối lượng công việc của Ban là rất lớn, đòi hỏi tiến độ nhanh, chất lượng cao, một số nội dung công việc phức tạp, nhạy cảm; lại diễn ra trong điều kiện lãnh đạo Ban có nhiều biến động. Nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐ Trung ương về PCTN; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các ban, ngành Trung ương, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra; công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả; hoạt động công đoàn, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh được quan tâm. Trong đó nổi bật là:
1. Thứ nhất: Thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực của BCĐ TW về PCTN:
1.1- Chuẩn bị chu đáo, công phu, có đổi mới, nâng cao chất lượng các tài liệu và phục vụ tốt hơn các phiên họp của BCĐ (Cuộc họp Thường trực BCĐ, các Phiên họp thứ 7, thứ 8, thứ 9 của BCĐ), được đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận, biểu dương.
1.2- Công tác tham mưu, phối hợp chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc và theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý đạt nhiều kết quả:
- Chủ trì, tổ chức 12 cuộc họp liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương; ban hành 40 văn bản và tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành 17 văn bản, để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ) và một số vụ án, vụ việc khác theo kiến nghị của địa phương và cơ quan tố tụng Trung ương;
- Tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Bí thư về đường lối xử lý một số vụ án về kinh tế, tham nhũng phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương;
- Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo cơ chế phối hợp giữa cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương trong xét xử các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp, các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng;
- Phối hợp đề xuất và chỉ đạo, đôn đốc giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo đưa 08 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội XII của Đảng (đến nay đã xét xử 07 vụ, đang xét xử 01 vụ);
- Trong năm đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo đưa 05 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 14 vụ án vào diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 143 vụ án, vụ việc vào diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý. Đồng thời tiến hành rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ) 11 vụ việc, 24 vụ án đã được xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật.
1.3- Báo cáo kết quả rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước và kiến nghị BCĐ xử lý các vấn đề liên quan về nợ xấu và PCTN trong hoạt động ngân hàng.
1.4- Tham mưu xây dựng Kế hoạch 107-KH/BCĐ và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN của Ban Chỉ đạo tại 04 bộ và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Xây dựng và thực hiện Kế hoạch số 61-KH/BNCTW về việc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong hai năm 2013 và 2014.
1.5- Hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra công tác rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2014 tại các địa phương để phát hiện các vụ, việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
1.6- Chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án và tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Đề án “Sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo”.
1.7- Xây dựng tài liệu về những hoạt động nổi bật của Ban Chỉ đạo và kết quả cụ thể về PCTN trong thời gian qua để phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN; sau Phiên họp của Ban Chỉ đạo có Thông báo kết quả Phiên họp để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2- Thứ hai: Làm tốt công tác nghiên cứu, đề xuất về công tác xây dựng pháp luật; chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính và PCTN:
2.1- Chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; phối hợp Thanh tra Chính phủ tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN; tổ chức nghiên cứu 6 đề tài, 1 chuyên đề và 3 hội thảo quốc tế về công tác PCTN.
2.2- Tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị một số vấn đề lớn trong các dự án luật và tham gia biên tập, thẩm định các dự án luật trình Kỳ họp thứ 9, 10 của Quốc hội; tham gia có hiệu quả vào hoạt động của BCĐ cải cách Tư pháp Trung ương.
2.3- Tham mưu, đề xuất Ban Bí thư xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Thông tư liên tịch số 17 và Công văn 234 của TANDTC về giám định chất ma túy và một số vấn đề khác về ANQG, TTATXH, Bảo vệ chính trị nội bộ trình Bộ Chính trị.
3- Thứ ba: Tham gia ý kiến với Bộ Chính trị về văn kiện và nhân sự Đại hội đảng bộ cấp tỉnh; tham gia về công tác cán bộ trong các cơ quan nội chính Trung ương, nhất là tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm, phong hàm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; bổ nhiệm các chức danh tư pháp.
4- Thứ tư: Công tác theo dõi, hướng dẫn, tập huấn, đôn đốc công tác nội chính và PCTN ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có chuyển biến tốt hơn, nhất là đối với địa phương. Tổ chức tốt các Hội nghị giao ban Cụm 6 tháng đầu năm; Hội nghị toàn quốc ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy năm 2015; phổ biến kinh nghiệm hay của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Nhất là xử lý các khó khăn, vướng mắc trong các vụ án, vụ việc; phát hiện, chỉ đạo, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án có biểu hiện oan, sai (phát hiện, chỉ đạo xử lý 04 vụ án oan, sai về hình sự, 10 vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về dân sự).
5- Thứ năm: Xây dựng, ký kết 05 Quy chế phối hợp (với BCS Đảng Kiểm toán Nhà nước, BCS Đảng Ngân hàng Nhà nước, BCS Đảng Thanh Tra Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam) và hoàn thành việc xây dựng Quy chế phối hợp với tỉnh ủy, thành ủy, trình Ban Bí thư ban hành. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các Quy chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, với UBKT Trung ương. Sự phối hợp giữa Ban với các cơ quan, đơn vị được nâng lên.
6- Thứ sáu: Chủ động xây dựng Đề án, trình Ban Bí thư về Ngày truyền thống Ngành Nội chính Đảng và đã được Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 05-1 là ngày truyền thống Ngành Nội chính Đảng. Đang tích cực triển khai các nội dung Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống.
7- Thứ bảy: Công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm, đảm bảo chặt chẽ, công tâm, khách quan (bổ nhiệm, phong hàm 15 đồng chí). Công tác thi đua, khen thưởng thiết thực và hiệu quả hơn (ban hành nhiều văn bản triển khai công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức tốt Hội nghị điển hình tiên tiến; tổ chức tốt các phong trào thi đua, nhất là thi đua chuyên đề; đề xuất khen cao và tặng Kỷ niệm chương nhân dịp kỷ niệm 50 năm). Tạp chí và hoạt động của Văn phòng có nhiều cố gắng, phục vụ tốt hoạt động của Ban.
8- Thứ tám: Công tác xây dựng Đảng được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Tổ chức tốt đại hội các chi bộ và đại hội Đảng bộ cơ quan. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Quan tâm công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương và Đảng ủy khối. Duy trì thường xuyên, nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng. Phối hợp tốt với lãnh đạo ban trong công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
9- Thứ chín: Hoạt động công đoàn, đoàn thanh niên có nhiều chuyển biến; quy chế dân chủ ở cơ quan thực hiện tốt; nội bộ đoàn kết; chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi biểu dương các Vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác năm 2015; trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo TW về PCTN, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong thời gian qua.
Tôi cũng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Ban, lãnh đạo các vụ, đơn vị và các đồng chí đã thông cảm, chia sẻ, phối hợp, cộng tác, đoàn kết, cùng tôi chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban trong năm qua.
Thưa các đồng chí!
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Vụ, đơn vị trong năm qua vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, đó là:
- Phối hợp giữa các vụ, đơn vị trong một số công việc chưa tốt, có việc còn chậm;
- Một số đồng chí lãnh đạo cấp vụ quán xuyến, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công việc có lúc, có nơi còn hạn chế;
- Tính chuyên nghiệp và sự nỗ lực, cố gắng trong công tác của một số cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế, chậm được khắc phục;
- Vai trò của một số cấp ủy chi bộ trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị có lúc, có nơi còn lúng túng; còn chưa nắm bắt và định hướng kịp thời những diễn biến tư tưởng của đảng viên; hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên chưa thật sự sôi nổi, cuốn hút đoàn viên tích cực tham gia.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại kết luận Hội nghị |
II- Nhiệm vụ trọng tâm năm 2016
Quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN về những nhiệm vụ trọng tâm của Ban trong năm 2016, tôi lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1- Tham mưu, phục vụ, giúp BCĐ TW về PCTN thực hiện tốt chương trình trọng tâm công tác năm 2016:
1.1. Khẩn trương hoàn thiện các tài liệu sau phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo để phát hành, nhất là:
- Kết luận phiên họp thứ 9 và Chương trình công tác trọng tâm năm 2016 của Ban Chỉ đạo;
-Phối hợp Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, tỉnh ủy, thành ủy rà soát các vụ án, vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật để báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo đưa ra khỏi danh sách theo dõi, chỉ đạo;
- Rà soát, tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng xử lý các khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xác minh, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ).
1.2. Chuẩn bị tốt các nội dung để tham mưu, phục vụ Ban Chỉ đạo tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác nội chính và PCTN năm 2016, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo gồm 03 tài liệu:
- Báo cáo công tác nội chính và PCTN năm 2015, nhiệm vụ 2016.
- Kế hoạch của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”
- Báo cáo sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo
1.3. Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”
1.4. Tham mưu lựa chọn địa chỉ, thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và các Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo ở các địa phương và bộ, ngành Trung ương.
Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch và tiến hành kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực Thuế, Hải quan 1.5- Phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại một số địa phương.
1.6- Theo dõi, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
1.7- Chuẩn bị kế hoạch, nội dung phục vụ các buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với một số cơ quan nội chính ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố về công tác PCTN. Chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ các phiên họp của Ban Chỉ đạo và thường trực Ban Chỉ đạo.
2- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các Quy chế phối hợp năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016
Xây dựng Quy chế phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Báo nhân dân
3- Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về PCTN theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chủ trương, định hướng lớn trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trong lĩnh vực nội chính và PCTN (Luật tiếp cận thông tin, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48, tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN…). Tiếp tục hợp tác quốc tế để nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về chủ trương, giải pháp, thể chế PCTN.
4- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và PCTN ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương, nhất là các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật theo đúng Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị.
Phối hợp Ban Tổ chức Trung ương để sớm ban hành Hướng dẫn về tham gia công tác cán bộ của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; quy định về bí thư cấp ủy phụ trách công tác PCTN; văn phòng cấp ủy cấp huyện tổng hợp, tham mưu cấp ủy cấp huyện về công tác nội chính và PCTN; hoàn thành việc tái bản tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và các tài liệu tập huấn chuyên sâu cho ban nội chính cấp tỉnh.
5- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ, thi đua khen thưởng. Triển khai xây dựng, thực hiện thật tốt Đề án xác định vị trí việc làm của Ban. Từ đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức, tuyển chọn, thu hút cán bộ, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về công tác cán bộ, đảm bảo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, chặt chẽ, khoa học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Ban.
6- Tiếp tục nâng cao chất lượng Tạp chí Nội chính và Trang thông tin điện tử tổng hợp để vừa làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, vừa phổ biến kết quả, những kinh nghiệm hay, điển hình tốt trong công tác nội chính và PCTN; vừa là diễn đàn nghiệp vụ của ngành nội chính Đảng.
7- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chấn chỉnh công tác thông tin, phối hợp, kỷ cương, kỷ luật; nâng cao kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm, tâm huyết và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, nhân viên của Ban. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của Ban thực sự “Trung thành - Liêm chính -Bản lĩnh - Tận tụy”.
8- Nhiệm vụ trước mắt:
- Tập trung phối hợp, tham mưu phục vụ tốt nhất Đại hội XII của Đảng.
- Khẩn trương hoàn thành các nội dung chuẩn bị Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Nội chính Đảng.
- Chuẩn bị đón tết, thăm hỏi, giúp đỡ các đồng chí ốm đau, hoàn cảnh khó khăn.
III- Các kiến nghị, đề xuất
Một số kiến nghị, đề xuất của các Vụ, đơn vị giao Văn phòng Ban tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Ban để tiếp thu, giải quyết.
Thưa các đồng chí!
Nhiệm vụ năm 2016 là rất lớn, rất mong cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên Ban Nội chính chúng ta đoàn kết, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.
Nhân dịp năm mới, xin chúc tất cả các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
;