Công bố kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Kiên Giang
Thứ Ba, 04/08/2015, 10:25 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 03-8-2015, Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Văn Đảm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Phó Trưởng Đoàn đã công bố dự thảo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tại tỉnh Kiên Giang theo Kế hoạch số 107-KH/BCĐTW ngày 31-3-2015 của Ban Chỉ đạo.
Làm việc với Đoàn có các đồng chí: Trần Minh Thống, Bí Thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan trong khối nội chính và các đơn vị được kiểm tra.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phan Bá, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung ương, Tổ trưởng Tổ giúp việc đã trình bày dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Kiên Giang. Theo đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện khá đồng bộ trên toàn tỉnh, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại địa phương; chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác này trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, có vướng mắc. Qua đó góp phần phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực; khắc phục hậu quả; thu hồi được số lượng nhất định tài sản nhà nước bị thất thoát; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị để phát hiện hành vi tham nhũng, công tác thanh tra vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng còn có hạn chế nhất định: Thanh tra tiến hành nhiều cuộc thanh tra vụ việc (229 cuộc) nhưng kết quả phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng còn ít, việc kiến nghị xử lý người đứng đầu nơi để xảy ra tham nhũng có thực hiện nhưng còn hạn chế. Nhận thức về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đôi khi còn chưa đúng với quy định của pháp luật, nên ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xử lý đối với hành vi tham nhũng. Thanh tra chỉ chú trọng kiến nghị thu hồi tài sản, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm, chưa chủ động tham mưu đề xuất chuyển vụ việc đến Cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng chưa cao, nhiều vụ án còn phải gia hạn điều tra nhiều lần, có trường hợp Viện kiểm sát đề nghị mức án sai dẫn đến xét xử sai, có vụ Tòa án xét xử cho bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo trái với Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP nên chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc cơ bản nhất trí với nhận xét, đánh giá của Đoàn công tác và đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các ngành bảo vệ pháp luật, nhất là pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với thanh tra việc thực hiện chức trách công vụ của thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; tiếp tục tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu theo từng chuyên đề và liên ngành; tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ việc, vụ án lớn, dư luận xã hội quan tâm hoặc các vụ án có khó khăn; quan tâm đến chế độ, chính sách bảo vệ người tố giác tội phạm tham nhũng.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng tại địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát. Đồng chí lưu ý, tình hình tham nhũng hiện nay vẫn nghiêm trọng, tác động ảnh hưởng mạnh trong xã hội, đây là vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua tuy có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải là hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, không được làm hình thức, chiếu lệ. Kết quả sau kiểm tra, giám sát phải tạo động lực, sinh khí mới để tiếp tục phát hiện, xử lý tham nhũng tốt hơn.
Đồng chí Trần Minh Thống, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo, phân tích thêm về tình hình phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng tại địa phương; đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc và các kiến nghị của Đoàn công tác đã nêu trong dự thảo báo cáo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, qua công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đã giúp Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thấy được những mặt còn hạn chế, từ đó quyết tâm tập trung lãnh đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.
Trịnh Thăng Quyết
;