Công bố kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai
(BNCTW) - Ngày 14-8-2015, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) do Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã công bố kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại tỉnh Gia Lai theo Kế hoạch số 107-KH/BCĐTW ngày 31-03-2015 của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Đoàn cùng các thành viên Đoàn công tác.
Làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hà Sơn Nhin, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Thu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Dương Văn Trang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện các cơ quan được kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Đoàn đã trình bày dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại tỉnh Gia Lai. Báo cáo đánh giá, Ban Thường vụ, Thường trực tỉnh ủy Gia Lai đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Các nhiệm vụ, giải pháp phòng, ngừa tham nhũng được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt được những kết quả tích cực, nổi bật là: Việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của các bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi vị trí công tác cho 369 cán bộ, công chức, viên chức; toàn tỉnh xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với 8 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Đáng chú ý là kết quả trong công tác thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng. Từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2015, đã triển khai 32 Đoàn kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc chấp hành các quy định về PCTN tại 116 đơn vị. Trong kỳ báo cáo, đã tiến hành 15 cuộc thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; 35 cuộc thanh tra các vụ sai phạm về kinh tế - xã hội; thu hồi nộp ngân sách số tiền hơn 23,7 tỷ đồng (chiếm 77% số tiền sai phạm bị đề nghị thu hồi). Xử lý hành chính 128 người, kiểm điểm rút kinh nghiệm 30 tập thể và 119 cá nhân.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại tỉnh Gia Lai |
Việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đạt được những kết quả tích cực. Cơ quan điều tra đã thụ lý 09 vụ/14 bị can phạm tội tham nhũng; kết thúc điều tra và đề nghị truy tố 07 vụ/12 bị can. Thụ lý 37 vụ/ 55 bị can về án kinh tế; đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 19 vụ/ 36 bị can; tạm đình chỉ điều tra 02 vụ. Viện kiểm sát nhân dân thụ lý 08 vụ án/13 bị can; đã truy tố 08 vụ/13 bị can về tham nhũng. Viện kiểm sát thụ lý giải quyết 34 vụ án/82 bị can về kinh tế. Tòa án thụ lý 09 vụ án/ 15 bị cáo về tham nhũng, đã xét xử 08 vụ/ 14 bị cáo; thụ lý và xét xử 14 vụ án kinh tế. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế qua công tác thi hành án đạt tỷ lệ cao (gần 60%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác PCTN của Gia Lai cũng còn có những hạn chế, như: Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, có giải pháp còn mang tính hình thức; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra còn ít; một số vụ xử lý sau thanh tra còn chậm, kéo dài; việc xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm. Việc khởi tố, điều tra một số vụ án chưa thật sát với hành vi phạm tội, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; việc truy tố, xét xử đối với một số vụ án chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và yêu cầu đấu tranh PCTN. Trên một số lĩnh vực dư luận người dân vẫn còn bức xúc về hành vi tham nhũng v.v…
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại tỉnh Gia Lai, Đoàn công tác kiến nghị: (1) Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao công tác PCTN, kiến nghị xử lý tiếp theo hoặc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 10 vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn. (2) Quân ủy Trung ương chỉ đạo Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng điều tra làm rõ, xử lý sai phạm của Công ty TNHH MTV Bình Dương, Trung đoàn 710 thuộc Binh đoàn 15. (3) Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đưa 03 vụ án vào diện Ban Nội chính Trung ương đôn đốc, theo dõi; chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật một số vụ án gây bức xúc dư luận trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đồng chí Hà Sơn Nhin, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Sơn Nhin, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số cơ quan chức năng của Gia Lai thống nhất cao với dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN của Đoàn công tác. Đồng thời, trao đổi, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung dự thảo Báo cáo và những kết quả đạt được trong công tác PCTN của Gia Lai thời gian qua.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, giúp cho công tác PCTN của tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng đoàn công tác phát biểu kết luận Hội nghị |
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Thượng tướng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai cần thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với công tác PCTN. (2) Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; trong đó cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp mà kết quả thực hiện còn hạn chế. (3) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung tồn tại, vướng mắc qua kết quả rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; chỉ đạo xử lý dứt điểm các nội dung kết luận thanh tra nhưng chưa được tổ chức thực hiện. (4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác PCTN; đưa nội dung PCTN vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy, tổ chức đảng. (5) Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng xảy ra trên địa bàn; tập trung vào những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. (6) Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao năng lực, tăng cường phối hợp trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. (7) Chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy làm tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN.
Thu Huyền