Ban Nội chính Trung ương: Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý vào "Báo cáo nghiên cứu đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020"

Thứ Năm, 06/08/2015, 14:43 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngày 6-8-2015, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý vào "Báo cáo nghiên cứu đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020". Các đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Ông  Scott Ciment, đại diện UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
 
    Tham dự Hội thảo có đồng chí Hà Ngọc Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và hơn 120 đại biểu đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương; các cơ quan thuộc khối Nội chính Trung ương; các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo một số Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh Đăng Linh)
    Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết số 48 ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị là văn kiện chính trị pháp lý đầu tiên của Đảng định hướng chiến lược cho sự phát triển của hệ thống pháp luật trong trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nội dung Nghị quyết đã xác định cụ thể những quan điểm chỉ đạo, đề ra nhiều định hướng chiến lược và giải pháp cơ bản cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật của Nhà nước đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
 
    Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước đã có nhiều chuyển biến, hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương đối đồng bộ đang từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác thi hành pháp luật cũng được quan tâm và chú trọng triển khai khá đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật được tiến hành thường xuyên, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm, qua đó đã phát hiện, khắc phục được nhiều sơ hở, khiếm khuyết của các văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
 
    Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thi hành Nghị quyết cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập so với yêu cầu của thực tiễn cả về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Mặt khác, các định hướng và giải pháp của Nghị quyết chủ yếu tập trung vào giai đoạn 2005 - 2010, chưa lượng hóa cụ thể định hướng cho giai đoạn 2015 - 2020, là giai đoạn triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và thi hành Hiến pháp mới 2013...
 
    Tại Hội thảo, các đại biểu nghe báo cáo tóm tắt về kết quả nghiên cứu đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết; Báo cáo nghiên cứu về nội dung liên quan đến thực trạng, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị Việt Nam; về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân và một số báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo dưới từng góc nhìn riêng, cụ thể của cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn cũng đánh giá, đưa ra những giải pháp về xây dựng, thi hành pháp luật: Cần tiến hành tổng rá soát toàn diện các văn bản pháp luật hiện hành, phát hiện những quy định trái pháp luật để sửa đổi, bổ sung; xác định lĩnh vực trọng điểm về xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cần ưu tiên, đó là các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, dân sự, văn hoá, xã hội, giáo dục; nâng cao năng lực phân tích, đánh giá phản biện của đại biểu Quốc hội đối với dự án luật; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật; đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thực hiện được mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, từng bước hiện đại hoá, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quán triệt các nội dung mới được điweuf chỉnh, bổ sung trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, các văn kiện khác của Đảng và các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về tư pháp và cải cách tư pháp...
 
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương
phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đăng Linh)
    Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những phát biểu, tham luận thẳng thắn, sâu sắc, chất lượng, phong phú tại Hội thảo. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW đã có những chuyển biến về chất, kỹ thuật lập pháp hoàn thiện hơn, năng lực xây dựng pháp luật nâng cao hơn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu phát bền vững. Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch, tập trung vào 6 định hướng lớn, thể hiện tư duy pháp lý mới, đảm bảo cân đối, đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, hội nhập quốc tế, từng bước phản ánh chiều sâu của tư duy kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người. Quá trình xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tập trung vào các ưu tiên: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; đổi mới mô hình tổ chức bộ máy gắn với đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước; xây dựng và hoàn thiện các bảo đảm phát huy nền dân chủ XHCN, quyền con người, quyền cơ bản của công dân; hội nhập và nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong tổ chức thi hành pháp luật: đã chú trọng toàn diện công tác xây dựng pháp luật, nâng cao tính đồng bộ, khả thi của hệ thống văn bản pháp luật, quan tâm các biện pháp nâng cao nhận thức đến chuyển đổi hành vi xã hội, tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan công quyền, công chức, công vụ, mở rộng các biện pháp phòng ngừa, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
 
    Đồng chí nhấn mạnh, giai đoạn 2016 - 2020, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật cần được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, quán triệt thực hiện các nội dung mới được điều chỉnh, bổ sung trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, các kết luận của Bộ Chính trị và các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; gắn đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật với cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy dân chủ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. 
Đặng Phước
;
.