Ban Nội chính Trung ương: Hội thảo "Hoàn thiện cơ chế xử lý tội phạm tham nhũng - Kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Nam"

Thứ Sáu, 03/07/2015, 14:52 [GMT+7]
    (BNCTW) - Sáng 03-7-2015, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện cơ chế xử lý tội phạm tham nhũng - Kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Nam". Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và Ông Bakhodir Bukhanov, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
 
    Tham dự có đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương; các cơ quan thuộc khối Nội chính Trung ương; các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo một số Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh Đăng Linh)
    Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các chủ trương, đường lối và chính sách nhằm hoàn thiện thể chế và các cơ chế phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Điều này được thể hiện trên nhiều phương diện, như việc xây dựng một khung pháp luật về xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng theo hướng đầy đủ, rõ ràng với chế tài đủ nghiêm khắc; bước đầu bảo đảm thẩm quyền cần thiết cho các cơ quan tư pháp hình sự cũng như bảo đảm cơ chế phối hợp, tham gia của các cơ quan khác và người dân vào hoạt động xử lý đối với tội phạm tham nhũng. 
 
    Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe Báo cáo "Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng - Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam"; tổng quan chính sách và thực tiễn quốc tế liên quan đến cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng và cơ chế thực thi pháp luật do các chuyên gia, nhà cố vấn chính sách trình bày.
 
    Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn đánh giá: yêu cầu về tiếp tục hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng là cần thiết. Các kiến nghị tập trung đưa ra giải pháp hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng như: trong quá trình dự thảo, bổ sung một cách toàn diện các luật có liên quan, cần quan tâm xây dựng các quy định về tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự mang tính tổng hợp và chặt chẽ, trong đó: Xác định đầy đủ các hành vi có bản chất là "tham nhũng" là tội phạm, cần bổ sung các hành vi vi phạm về quy định kê khai tài sản, làm giàu bất chính, tham nhũng trong khu vực tư, hối lộ công chức nước ngoài; mở rộng nội hàm "của hối lộ" sang những lợi ích phi vật chất; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội đưa hối lộ; quy định thêm hình phạt tiền là hình phạt chính trong các khung hình phạt cơ bản dành cho các tội phạm đó. 
 
    Đối với Bộ luật Tố tụng Hình sự cần bổ sung các quy định bảo đảm cơ chế xử lý hình sự tội phạm về tham nhũng đạt hiệu quả như: quy định bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; quy định mở rộng thẩm quyền điều tra cho Viện kiểm sát nhân dân tương ứng với những bổ sung trong Luật tổ chức Viện kiểm sát; quy định cơ chế bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng và những quy định về thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. 
 
    Các ý kiến cũng đưa ra những giải pháp kiểm soát việc kê khai tài sản; cơ chế tăng cường tính độc lập, khách quan trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; hình phạt đối với tội tham nhũng đủ sức răn đe, phòng ngừa tham nhũng... Các chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ những kinh nghiệm, cơ chế xử lý, mô hình cơ quan chống tham nhũng... để Việt Nam có những phân tích, đánh giá, áp dụng hiệu quả trong công tác này.
 
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương
phát biểu tại Hội thảo (Ảnh Đăng Linh)
    Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, phát biểu thảo luận sâu sắc, phong phú tại Hội thảo. Đồng chí cho rằng: (1) Các quốc gia thành công trong công tác xử lý tội phạm tham nhũng đều quan tâm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý hình sự có tính toàn diện, cụ thể và coi đây là công tác hết sức quan trọng. Khung pháp lý càng toàn diện và chắc chắn thì càng có cơ sở đáng tin cậy, xác đáng và vững chắc cho hoạt động xử lý tội phạm tham nhũng; (2) Việc xây dựng và hoàn thiện cơ quan chống tham nhũng ở các quốc gia đều cho thấy một số nguyên tắc bảo đảm xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng như: sự độc lập khỏi những tác động từ bên ngoài; được sự hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao nhất; có đủ nguồn lực tài chính, nhân lực và có năng lực tổ chức hiệu quả trong hoạt động chống tham nhũng và sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội...(3) Hoàn thiện cơ chế bằng việc ban hành một số luật chuyên biệt để bảo vệ người làm chứng và người tố giác tội phạm tham nhũng. Điều này cũng có ý nghĩa củng cố thêm cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng; (4) Pháp luật hình sự Việt Nam cần xác định đầy đủ các hành vi có bản chất là tham nhũng. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; tăng cường hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong các vụ án, vụ việc tham nhũng; chú trọng hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng mà có... (5) Trong quá trình cải cách hệ thống cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, nước ta cần chú ý đặc điểm phức tạp của tội phạm về tham nhũng để cân nhắc việc tăng cường thẩm quyền, năng lực, bảo đảm tính độc lập và tính khách quan trong thực thi công vụ cũng như nguồn lực cho các hoạt động chuyên biệt này. Đồng thời cần đưa vào cơ chế theo dõi, giám sát hiệu quả từ bên ngoài nhằm ngăn ngừa việc lạm quyền của những cá nhân có vị trí, quyền hạn. (6) Cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng để tăng cường liên kết, thúc đẩy tiến trình xử lý tội phạm tham nhũng. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là một thiết chế cần thiết, có tính chỉ đạo, định hướng cho hoạt động phối hợp, điều hoà hoạt động giữa các cơ quan trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đặng Phước
;
.