Ban Nội chính Trung ương: Giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 21 Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam

Thứ Tư, 29/07/2015, 16:01 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 29-7-2015, tại Kiên Giang, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2015 các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam (Cụm số 4). Chủ trì Hội nghị gồm các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Trần Minh Thống, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện 21 Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam; đại diện lãnh đạo huyện ủy, thị ủy, thành ủy tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo các vụ chức năng Ban Nội chính Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Theo Báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2015, các tỉnh ủy, thành ủy đã chỉ đạo tổ chức thành công các sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước... Chỉ đạo các cơ quan Khối nội chính phối hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng.

Công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Qua công tác kiểm tra của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra những hạn chế của địa phương, khắc phục xử lý các vụ việc tham nhũng chưa đúng quy định, từ đó, giúp địa phương chuyển biến cả về nhận thức và hành động, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.

Các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu tỉnh ủy, thành ủy ban hành 233 văn bản cụ thể hoá, chỉ đạo thực hiện và xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch... của Trung ương; đã phát hiện, tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất xử lý 106 vụ án, vụ việc về nội chính và phòng, chống tham nhũng; tham mưu Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý 35 vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao. Cơ quan điều tra các cấp khởi tố hình sự 6.630 vụ/7.058 bị can. Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã truy tố 5.408 vụ/8.556 bị can. Toà án nhân dân 2 cấp xét xử 9.647 vụ/13.118 bị cáo. Xử lý hành vi tham nhũng đối với các vụ án, vụ việc do các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiến nghị. Xử lý kỷ luật về Đảng, kỷ luật hành chính 51 người...

Các đại biểu tại Hội nghị thống nhất cao với dự thảo Báo cáo; phát biểu tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động tại địa phương và đề xuất một số kiến nghị: Nghiên cứu, xem xét bổ sung tổ chức bộ máy theo hướng tăng thêm phòng nghiệp vụ và định biên phù hợp với đặc thù, tình hình thực tế, chức năng nhiệm vụ của một số Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền quy định về chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức làm công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Điều chỉnh mốc thời gian báo cáo phù hợp với thời kỳ lấy số liệu báo cáo của các ngành, các cơ quan. Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng...

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những ý kiến phát biểu có chất lượng tại Hội nghị và ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam 6 tháng đầu năm 2015. Về công tác 6 tháng cuối năm, đồng chí nhấn mạnh: Đây là thời gian diễn ra Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, trong khi đó tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, khó lường. Ở trong nước, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực song còn khó khăn. Vì vậy, các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy cần nỗ lực cố gắng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tham mưu hiệu quả tỉnh ủy, thành ủy trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí yêu cầu, các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai Chỉ thị 46 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh trật tự để nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất thường trực, thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh biển, đảo, an ninh tôn giáo, an ninh tại các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp có nhiều người nước ngoài làm việc; hoạt động chống phá của một số phần tử xấu trong nội địa; khiếu kiện đông người kéo dài, các vấn đề liên quan đến nhân sự Đại hội... để phục vụ tốt nhất Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu XII của Đảng. (2) Tiếp tục tham mưu Ban thường vụ lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và phát hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; tham mưu thực hiện Hướng dẫn 06-HD/BNCTW, ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương về rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2014, nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế để chuyển cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tham mưu, thực hiện Kế hoạch 62-KH/BNCTW về kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong hai năm 2013 và 2014 và việc khắc phục các tồn tại, khuyết điểm trong tự kiểm tra về phòng, chống tham nhũng trong năm 2013 của các tỉnh ủy, thành ủy. (3) Tham mưu, thực hiện việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; chú ý tổng hợp khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương báo cáo Ban Nội chính Trung ương để kiến nghị, đề xuất sửa đổi Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật giám định tư pháp, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng... (4) Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Quy định 183-QĐ/TW của Ban Bí thư, nêu những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị... (5) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, xây dựng mới các quy chế phối hợp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nhận, nâng cao chất lượng cán bộ. Tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, thành ủy về cơ chế, chính sách để thu hút cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh trong cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án, thanh tra, kiểm tra các ngành kinh tế. Bám sát Thường trực cấp ủy để tham mưu, đề xuất, kiến nghị, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Ban Nội chính hoạt động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chủ động triển khai các mặt công tác.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương (phải) trao Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương cho đồng chí Lê Văn Thái, Trưởng phòng Nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương (phải) trao Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương cho đồng chí Lê Văn Thái, Trưởng phòng Nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước

Tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đã trao Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương cho đồng chí Lê Văn Thái, Trưởng phòng Nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Đặng Phước

;
.