Kiểm tra việc thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" tại Bộ Xây dựng

Thứ Năm, 07/05/2015, 18:18 [GMT+7]
    (BNCTW) – Ngày 7-5-2015, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Trưởng Đoàn kiểm tra thứ hai của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo Cục, Vụ, Viện và một số đơn vị trực thuộc Bộ.
 
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc
    Theo Báo cáo tại buổi làm việc, đến hết tháng 9/2014, trên cả nước có có 52 tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc và trên 150 giám định viên tư pháp xây dựng theo vụ việc. Các tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc chủ yếu là Viện nghiên cứu, Trung tâm tư vấn, Trung tâm kiểm định và các công ty tư vấn trong hoạt động xây dựng đã được Bộ Xây dựng công bố trên Trang thông tin điện tử của Bộ. Các giám định viên tư pháp chủ yếu là các cán bộ, công chức, viên chức, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Bộ và các Sở Xây dựng có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có sức khỏe và độ tuổi phù hợp bảo đảm thực hiện tốt công tác giám định trong lĩnh vực xây dựng.
 
    Qua thực tế cho thấy các vụ việc giám định tư pháp xây dựng chủ yếu là các vụ việc liên quan đến tranh chấp chất lượng công trình xây dựng nên việc đánh giá xác định nguyên nhân là khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nhân lực, máy móc, thiết bị để thực hiện. Vì vậy, hầu hết các vụ việc giám định tư pháp xây dựng đều do các tổ chức giám định tư pháp xây dựng thực hiện.
 
    Từ năm 2010 đến nay, việc được trưng cầu giám định tại các địa phương có khoảng trên 200 vụ việc. Thời gian qua Bộ Xây dựng đã ban hành cơ bản đủ các văn bản quy phạm pháp luật; các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tự pháp; rà soát, lập và công bố danh sách tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng; triển khai các đề tài, dự án để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp; hầu hết các kết luận giám định tư pháp đều được cơ quan trưng cầu giám định chấp nhận…
 
    Tuy nhiên, công tác thẩm định, phê duyệt dự toán và thanh toán chi phí giám định tư pháp thường chậm, còn nhiều vuớng mắc, trong khi đó, nguồn kinh phí cho giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng chưa được cơ quan trưng cầu phân bổ hợp lý và chưa có hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến việc chậm thanh toán chi phí cho các cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp. Ngoài ra, khi kết quả giám định không phục vụ cho công tác điều tra thì cơ quan trưng cầu không có kinh phí để thanh toán. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các tổ chức giám định không muốn thực hiện giám định tư pháp.
 
    Nhận thức của tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng còn nhiều hạn chế, còn tư tưởng ngại va chạm do các vụ việc giám định tư pháp chủ yếu phục vụ giải quyết tranh chấp. Các vụ việc liên quan đến giám định tư pháp thường có thời gian kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp xây dựng, trong khi đó chế độ để khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia giám định tư pháp xây dựng chưa rõ ràng. Số lượng tổ chức giám định tư pháp xây dựng chưa nhiều, năng lực của một số tổ chức giám định tư pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. 
 
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Trưởng Đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Trưởng Đoàn kiểm tra
phát biểu tại buổi làm việc
    Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đề nghị Bộ Xây dựng đánh giá toàn diện thực trạng quản lý Nhà nước trong hoạt động giám định tư pháp tại Bộ; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về cơ chế hoạt động, về tài chính, trang thiết bị chuyên ngành; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ…
 
    Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc nội dung làm việc, Báo cáo của Bộ Xây dựng cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Đoàn kiểm tra. Đồng chí lưu ý việc triển khai Đề án cần bám sát 3 mục tiêu: (1) Đề án phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bảo đảm hoạt động giám định tư pháp đáp ứng tốt yêu cầu tố tụng gắn với yêu cầu cải cách hành chính; (2) Đề án phải khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp, đồng thời hoàn thiện thể chế giám định tư pháp đồng bộ, liên thông, song hành với việc đổi mới pháp luật tố tụng trong tình hình mới, đặc biệt phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hoạt động này trong thời gian tới; (3) Các biện pháp nâng cao, đổi mới công tác giám định tư pháp phải có trọng tâm, trọng điểm. Đồng chí cho rằng, việc vướng mắc, chậm trễ trong giám định tư pháp có nhiều nguyên nhân như: (1) Một số quy định của pháp luật về giám định tư pháp còn bất cập; (2) Nhiều tổ chức, cá nhân từ chối, né tránh giám định, ngại va chạm; (3) Đôi khi cơ quan giám định trưng cầu tổ chức, cá nhân giám định không đủ điều kiện, năng lực hoặc không đúng đối tượng giám định; (4) Việc thanh toán chi phí giám định còn chậm, gặp nhiều vướng mắc; (5) Nhận thức của người giám định, tổ chức giám định còn nhiều hạn chế, chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm do pháp luật quy định; (6) Số lượng tổ chức, cá nhân trong giám định xây dựng chưa đủ, năng lực còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu. 
 
    Thời gian tới, đồng chí đề nghị: (1) Bộ Xây dựng chú trọng thu hút tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia vào hoạt động giám định tư pháp xây dựng; (2) Tiếp tục rà soát, củng cố đội ngũ tổ chức giám định, người giám định trên cơ sở nhu cầu giám định thực tế hiện nay; (3) Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ những người trực tiếp làm công tác giám định; (4) Quan tâm, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định, quy chuẩn hoạt động giám định xây dựng; (5) Khảo sát, thống kê, đánh giá đầy đủ về thực trạng nợ đọng chi phí giám định tư pháp hiện nay của các cơ quan tiến hành tố tụng để kiến nghị tháo gỡ; (6) Tăng cường công tác thông tin, phối hợp với các cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… để có giải pháp kịp thời trong việc giải quyết vấn đề chi phí giám định tư pháp; (7) Đôn đốc các tổ chức giám định, người giám định thuộc quyền quản lý của Bộ thực hiện có hiệu quả hoạt động giám định; (8) Tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức hoạt động giám định; (9) Bộ Xây dựng nên có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư áp dụng định mức chung về chi phí giám định để tính đúng, tính đủ chi phí phục vụ giám định tư pháp.
 
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra cũng đã làm việc với Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra cũng đã làm việc với Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.
Đặng Phước
;
.