Kiểm tra công tác giám định tư pháp tại An Giang và Đồng Tháp
Thứ Sáu, 22/05/2015, 21:00 [GMT+7]
(BNCTW) - Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp” và Kế hoạch số 60-KH/BNCTW ngày 07-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương về kiểm tra thực hiện Đề án trên, trong các ngày từ 20-22/5, Đoàn kiểm tra thứ hai của Ban Chỉ đạo Đề án do đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Trưởng đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh; kiểm tra thực tế tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Tổ chức giám định pháp y, Trung tâm Giám định pháp y các tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Đoàn kiểm tra làm việc tại tỉnh An Giang |
Làm việc với Đoàn kiểm tra về phía tỉnh An Giang và Đồng Tháp có lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, hoạt động giám định tư pháp của tỉnh thời gian qua đã những chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực: Xây dựng và ban hành các văn bản của tỉnh để chỉ đạo thực hiện; kiện toàn tổ chức giám định tư pháp và đội ngũ giám định viên tư pháp; thực hiện việc xã hội hóa các hoạt động giám định tư pháp; thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về giám định; công tác thống kê, dự báo nhu cầu giám định và đánh giá và sử dụng kết quả giám định. Từ tháng 12-2010 đến năm 2014 các cơ quan chức năng, đơn vị của tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện giám định 11.312 vụ, việc. Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã thực hiện trên 1.000 yêu cầu giám định tư pháp của các đương sự trong các vụ dân sự, hành chính và hình sự. Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và giải quyết kịp thời các yêu cầu của xã hội, nhất là của cơ quan tiến hành tố tụng. Chất lượng giám định trong một số lĩnh vực (lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự) được nâng lên.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang |
Tại tỉnh Đồng Tháp, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp; rà soát, lập và công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc; các cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan thực hiện giám định luôn có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; chú trọng bổ sung, đào tạo cán bộ làm công tác giám định tư pháp; đến nay, toàn tỉnh có 66 giám định viên tư pháp, Công an tỉnh cũng đã cử 12 cán bộ đi đào tạo các chuyên ngành giám định. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh đã giám định 2.625 ca; Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh từ năm 2009 đến nay đã tiếp nhận giám định 3.568 vụ/23.446 yêu cầu. Hoạt động giám định tư pháp của tỉnh cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, từng bước đáp ứng được yêu cầu trưng cầu giám định. Bằng những kết luận giám định khách quan, khoa học, chính xác, đã giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng sớm xác định được sự thật khách quan của vụ án, giúp tránh được oan sai và hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động tố tụng, nhất là các vụ án tham nhũng và kinh tế, chức vụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận những kết quả đã đạt được của các tỉnh An Giang và Đồng Tháp trong quá trình triển khai và thực hiện Đề án, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế tại 2 địa phương như: (1) Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật còn hạn chế; (2) Phương tiện giám định còn thiếu thốn, một số đã lạc hậu; (4) Công tác hướng dẫn, lập dự toán, cấp phát và bảo đảm kinh phí chi trả chi phí giám định tư pháp, chi phí định giá tài sản chưa được thực hiện đầy đủ; (5) Công tác thống kê, đánh giá, dự báo nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm thực hiện đúng mức; (6) Tổ chức giám định pháp y tại tỉnh An Giang đến nay vẫn chưa được thành lập theo quy định của pháp luật.
Đoàn kiểm tra làm việc tại Công an tỉnh Đồng Tháp |
Để khắc phục những hạn chế, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương lưu ý các cơ quan chức năng tỉnh An Giang và Đồng Tháp cần quan tâm thực hiện những nhiệm vụ sau: (1) Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về giám định tư pháp. (2) Đề nghị UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo, bổ sung điều kiện làm việc; thay thế trang thiết bị, phương tiện giám định theo hướng hiện đại hóa để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. (3) Đề nghị Công an các tỉnh quan tâm chỉ đạo việc rà soát, đánh giá tình hình chi trả tiền chi phí, bồi dưỡng giám định; bảo đảm dự toán và cấp phát đầy đủ kinh phí chi trả chi phí, bồi dưỡng giám định và chi phí định giá tài sản trong tố tụng hình sự. (4) Tăng cường thanh tra, kiểm tra tổ chức, hoạt động giám định tư pháp để có các giải pháp kịp thời khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong phạm vi thẩm quyền. (5) UBND tỉnh cần quan tâm công tác quản lý hoạt động giám định tư pháp; chỉ đạo sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành chức năng trong lĩnh vực này. (6) Quan tâm thực hiện việc thống kê, đánh giá dự báo nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng; làm cơ sở cho việc củng cố, phát triển đội ngũ giám định viên, tổ chức giám định tư pháp ở các lĩnh vực để đáp ứng kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng. (7) Đánh giá, tổng kết thực hiện Đề án và Luật giám định tư pháp tại địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị tiếp tục việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong giai đoạn tiếp theo. (8) Đề nghị tỉnh An Giang sớm thành lập và bảo đảm các điều kiện hoạt động của Trung tâm Giám định pháp y theo quy định của Luật giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn, trong đó ưu tiên đầu tư trụ sở, phòng làm việc; các trang thiết bị, phương tiện giám định.
Thu Huyền
;