Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương dự Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị; tập huấn công tác nội chính và PCTN tại Nam Định
(BNCTW) - Ngày 06-11-2014, Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập huấn công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng cho hơn 160 đại biểu thuộc các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy; các cơ quan trong khối nội chính; bí thư, chủ tịch các huyện, thành, thị ủy; lãnh đạo, cấp ủy các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Theo Báo cáo, trong thời gian qua công tác tiếp dân và tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nam Định có chuyển biến tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và công dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại, tố cáo liên quan tham nhũng, hoạt động tư pháp, tôn giáo còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai, tranh chấp tài sản chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh điểm nóng về an ninh, trật tự. Tình hình trên đã có những tác động ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Tỉnh ủy Nam Định trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng tình và thống nhất cao với những nội dung, giải pháp trong Kế hoạch số 102-KH/TU, ngày 08-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
Đề cập đến công tác nội chính trong tình hình hiện nay, đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, trong thời đại bùng nổ thông tin, hội nhập sâu rộng hiện nay đã có tác động mạnh mẽ đến tình hình an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong nước. Một số vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên cần được nhận thức đầy đủ, đó là: chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vấn đề dân tộc, tôn giáo đang có những diễn biến hết sức phức tạp, tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong nước, nhất là những diễn biến phức tạp ở các vùng chiến lược về an ninh quốc gia như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Các đối tượng cơ hội chính trị và bọn phản động gia tăng hoạt động, triệt để lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội để chống Đảng, Nhà nước.
Công tác nội chính trong thời gian tới cần nắm chắc tình hình, xây dựng phương án xử lý, không để bị động, bất ngờ khi có vụ việc xảy ra; thường xuyên quán triệt, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, địa phương tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức; xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khối nội chính.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, đồng chí lưu ý đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng việc chống tham nhũng để bôi nhọ, kích động gây hoang mang, mất long tin trong xã hội. Trong thời gian tới, Nam Định cần tiếp tục xác định rõ và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra, trong đó cấp ủy, tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy xác định vị trí của mình như “nhạc trưởng” trong công tác này. Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để phù hợp với điều kiện, hòan cảnh cụ thể của tỉnh; chú trọng cải cách thủ tục hành chính để hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng và xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng; chọn, dự báo những địa bàn, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để chủ động phòng ngừa, đấu tranh; kiện toàn đội ngũ cán bộ và các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần xác định phòng, chống tham nhũng là công tác trọng tâm, là tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên; triển khai có hiệu quả công tác giám sát cán bộ; tập trung làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng góp phần phục vụ việc tiến hành Đại hội Đảng các cấp của tỉnh, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định hy vọng Hội nghị này là dịp để các đại biểu nâng cao trình độ nhận thức về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc thường xuyên, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ là tiêu chí đánh giá lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, đánh giá cán bộ; các đơn vị cần nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về khiếu tố cho khoa học để nâng cao hiệu quả công tác. Đề nghị các đồng chí đại biểu dự Hội nghị quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 102-KH/TU, ngày 08-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
Về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, đồng chí Trần Văn Chung yêu cầu Ban tổ chức Hội nghị nghiêm túc tiếp thu và giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy báo cáo đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những ý kiến của đồng chí Phạm Anh Tuấn, thay mặt cho Ban Nội chính Trung ương, nhất là các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Cù Tất Dũng