Công bố kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại tỉnh Nghệ An

Thứ Sáu, 21/11/2014, 18:16 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 21-11-2014, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Đoàn công tác đã công bố kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại tỉnh Nghệ An theo Kế hoạch số 90-KH/BCĐTW ngày 12-7-2014 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Khối nội chính tỉnh và các đơn vị được kiểm tra, giám sát. 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Văn Yên, Tổ trưởng Tổ giúp việc đã trình bày dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát tại tỉnh Nghệ An. Theo đó, thời gian qua, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã quan tâm, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá thực trạng tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả việc thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác này trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, có vướng mắc. Công tác bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng được thực hiện nghiêm, chưa phát hiện có vụ việc bắt oan, sai hay bỏ lọt tội phạm và không có vụ án nào phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội; đã phát hiện, khởi tố, điều tra được nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có đối tượng phạm tội nguyên là cán bộ lãnh đạo trong cơ quan tư pháp, tạo dư luận tốt trong nhân dân. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý sau thanh tra liên quan đến các hành vi tham nhũng có nhiều cố gắng qua đó đã phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng chuyển Cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị để phát hiện hành vi tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng vẫn còn những hạn chế nhất định; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn để xảy ra; một số vụ án còn kéo dài thời gian giải quyết, cần có sự chỉ đạo sâu; số vụ việc cơ quan Thanh tra chuyển cơ quan Điều tra còn ít; có vụ Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh Nghệ An áp dụng hình phạt nhẹ, không tương xứng, thiếu tính thuyết phục, chưa tạo được sức mạnh răn đe, phòng ngừa tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc cơ bản nhất trí với nhận xét, đánh giá của Đoàn công tác và đề xuất kiến nghị đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các ngành bảo vệ pháp luật, nhất là pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với thanh tra việc thực hiện chức trách công vụ của thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; tiếp tục tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu theo từng chuyên đề và liên ngành; cần tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ việc, vụ án lớn, dư luận xã hội quan tâm hoặc các vụ án có khó khăn; cần quan tâm đến chế độ, chính sách bảo vệ người tố giác tội phạm tham nhũng… 
 Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Đoàn công tác
phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng tại địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát. Theo đồng chí, tình hình tham nhũng hiện nay vẫn nghiêm trọng; nhiều vụ án tham nhũng có tính tổ chức cao và có biểu hiện lợi ích nhóm; mức độ tham nhũng ngày càng lớn, tác động ảnh hưởng mạnh trong xã hội, đây là vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua tuy có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phải là hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, không làm hình thức, chiếu lệ. Kết quả sau kiểm tra, giám sát phải tạo động lực, sinh khí mới để tiếp tục phát hiện, xử lý tham nhũng tốt hơn. Đồng chí nhấn mạnh, cần mạnh tay hơn trong công tác xử lý tham nhũng, áp dụng các hình phạt đủ nghiêm, tạo sức mạnh răn đe. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng phải đáp ứng 3 yêu cầu: chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Đồng chí cũng có ý kiến kết luận đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể và đề nghị Đoàn công tác tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu để hoàn thiện Báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. 
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Thường vụ phát biểu đánh giá, phân tích tình hình phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng tại địa phương; chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các đại biểu tại buổi làm việc để triển khai thực hiện tốt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tại địa phương thời gian tới.  
Đặng Phước
;
.