Hai hoạt động nổi bật năm 2013 và 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
(BNCTW) - Ngày 08-01-2014, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã ký, ban hành Thông báo số 32-TB/BCĐTW thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo với nhiều nội dung quan trọng.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo |
Theo đó, sau hơn 10 tháng hoạt động, tập thể Ban Chỉ đạo cũng như từng đồng chí thành viên đã hết sức cố gắng, tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, nghiêm túc. Ban Chỉ đạo đã tổ chức được 04 phiên họp toàn thể, 02 cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo triển khai kịp thời nhiều hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN). Một mặt, Ban Chỉ đạo đã triển khai khá toàn diện các mặt công tác như: xây dựng Quy chế làm việc, Chương trình công tác năm 2013, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng Quy chế làm việc của Ban Nội chính Trung ương với tư cách là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; phối hợp, chỉ đạo lập 63 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; tổ chức 07 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng chỉ đạo cả phòng và chống, cả xây dựng văn bản và tổ chức thực hiện, chỉ đạo từ những công việc chung cho đến việc xem xét, cho chủ trương xử lý những công việc cụ thể nhằm đôn đốc, thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn, phức tạp, nghiêm trọng. Mặt khác, Ban Chỉ đạo cũng lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, đúng chức năng, nhiệm vụ, xử lý hài hòa các mối quan hệ, không buông lỏng lãnh đạo nhưng cũng không bao biện, làm thay, không can thiệp vào công việc của các cơ quan chức năng, nhất là trong quá trình xử lý các vụ án, vụ việc; lựa chọn những khâu yếu, những việc khó khăn, vướng mắc nhất trong công tác PCTN để đột phá, khắc phục, chỉ đạo tháo gỡ, như: công tác hoàn thiện thể chế về PCTN; công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; công tác giám định tư pháp; vấn đề áp dụng án treo đối với tội phạm tham nhũng; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN. Đây có thể được coi là bài học kinh nghiệm ban đầu rút ra từ hoạt động của Ban Chỉ đạo, cần được tiếp tục phát huy.
Thông báo nêu rõ: Trong toàn bộ kết quả hoạt động năm 2013 của Ban Chỉ đạo, nổi bật lên 02 việc được dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao. Đó là việc thành lập 07 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và đặc biệt việc lựa chọn 02 vụ việc, 08 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đã có chuyển biến rõ nét trong một thời gian ngắn.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương dẫn đầu Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương (tháng 9-2013) |
Trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát của 07 Đoàn công tác và Báo cáo tự kiểm tra của Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ý kiến góp ý của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp, giao Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, trình Bộ Chính trị.
Về việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: Ban Chỉ đạo biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong thời gian ngắn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra xét xử 03 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp với các mức án đủ nghiêm, có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa tham nhũng; được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Đối với những vụ án, vụ việc còn lại, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục khẩn trương điều tra làm rõ, thấy đúng là phải làm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với những vụ việc, vụ án tham nhũng còn có khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, giao đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ động phối hợp với các đồng chí: Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và người đứng đầu các cấp ủy, các cơ quan chức năng để bàn bạc, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Trường hợp chưa có sự thống nhất, còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan thì báo cáo đồng chí Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo xử lý. Nếu tiếp tục còn ý kiến khác nhau thì báo cáo tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo cho ý kiến chỉ đạo xử lý. Nếu vẫn chưa tháo gỡ được thì đưa ra toàn thể Ban Chỉ đạo họp bàn, xử lý. Và cuối cùng, trường hợp đưa ra Ban Chỉ đạo mà vẫn chưa giải quyết được thì báo cáo Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo không làm thay cơ quan chức năng nhưng sẽ chỉ đạo với tinh thần là quyết tâm xử lý dứt điểm vụ việc, đúng sai rõ ràng, không để tồn đọng, kéo dài gây dư luận không tốt.
Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng |
Về nội dung đề xuất bổ sung một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc: Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý danh sách do Ban Nội chính Trung ương trình tại Phiên họp. Giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cần rà soát kỹ lại danh sách các vụ việc, vụ án, bảo đảm số liệu chính xác. Lưu ý trong khi rà soát, nếu xét thấy vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp là đưa vào diện Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, không nhất thiết đến khi kết luận có tham nhũng rồi mới đưa vào danh sách.
Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị toàn thể thành viên Ban Chỉ đạo phải luôn xác định và quán triệt công tác PCTN là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp và hết sức khó khăn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác PCTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trách nhiệm của Ban Chỉ đạo là rất lớn. Trên quan điểm đó, yêu cầu chung đối với hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2014 là phải tiếp tục triển khai tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để tạo chuyển biến rõ rệt và tốt hơn năm 2013. Theo đó, Ban Chỉ đạo cần tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về PCTN theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Hiến pháp năm 2013; nhất là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến công tác PCTN cho phù hợp với Hiến pháp mới.
Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng |
Hai là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTN gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ba là, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Bốn là, tiếp tục tổ chức các đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng theo Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị tại một số ngành, địa phương. Tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; thời gian tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát khoảng tháng 7, tháng 8 năm 2014. Giao Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, đề xuất kế hoạch cụ thể với Ban Chỉ đạo.
Năm là, đồng ý về nguyên tắc giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng nhằm phòng ngừa và hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng tại một số Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần.
Sáu là, quan tâm chỉ đạo tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN, nhất là trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự song phương với các quốc gia có liên quan nhiều với Việt Nam.
Bảy là, tăng cường chỉ đạo công tác PCTN ở các địa phương. Giao Ban Nội chính Trung ương tiếp tục hướng dẫn theo ngành dọc. Yêu cầu cấp ủy địa phương, đồng chí Bí thư cấp ủy địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN tại địa phương mình.
Tám là, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN trong năm 2014.
Phan Văn Tâm
(Ban Nội chính Trung ương)