Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản - giá trị lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay

Thứ Hai, 26/02/2018, 16:40 [GMT+7]
    Tháng Hai năm 1848, được sự ủy thác của Liên đoàn những người cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã thay mặt giai cấp công nhân, những người cộng sản và cả nhân loại tiến bộ công bố Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản. Trong tác phẩm này, hai ông trình bày toàn bộ quy luật phát triển cơ bản của xã hội hiện đại, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, tính tất yếu bị phủ định của chủ nghĩa tư bản và tính tất thắng của chủ nghĩa cộng sản. Từ đó đến nay, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian và thời cuộc, Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản vẫn là tác phẩm lý luận bất hủ, một đỉnh cao trong sự nghiệp vĩ đại của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, đồng thời là một văn kiện cương lĩnh tràn đầy sức sống thực tiễn.
 
    1. Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản - giá trị lý luận nền tảng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam
 
    Từ khía cạnh lý luận, giá trị vĩ đại của Tuyên ngôn thể hiện ở nhận thức khoa học về quy luật phát triển của xã hội loài người và định hướng tích cực với tương lai của chủ nghĩa cộng sản. Ðiều này đã được thực tiễn lịch sử xã hội loài người khẳng định suốt 170 năm qua.
 
    Tuyên ngôn là văn phẩm chứa đựng nhiều giá trị lý luận nền tảng. Triết học Mác-xít tìm thấy ở đây những giá trị nền tảng của chủ nghĩa duy vật lịch sử và một mẫu hình cho việc vận dụng phương pháp luận duy vật lịch sử vào phân tích giai cấp, nhà nước, đảng phái, dân tộc và nhiều vấn đề xã hội khác. Kinh tế chính trị Mác-xít tìm thấy ở đây phương pháp luận khoa học cho việc khám phá bí mật ẩn dấu đằng sau các quan hệ hàng hóa cũng như bí mật của giá trị thặng dư, nguồn gốc của bóc lột sức lao động sống trong nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa (TBCN)… Chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học tìm thấy ở đây những nguyên lý cơ bản nhất của mình, như: “sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân hiện đại”; những nguyên lý, quy luật, biện pháp của cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và con đường đi lên CNXH...
 
    Tuyên ngôn là lời tuyên bố về sự diệt vong không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản (CNTB), đồng thời khẳng định sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản trên cơ sở tất yếu kinh tế quy định. Cho dù “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”(1), nhưng thắng lợi của nó trước chế độ phong kiến, vũ khí đại công nghiệp mà nó dùng để đánh bại giai cấp phong kiến, cũng chính là “vũ khí để tự giết mình”(2). C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra, việc thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân TBCN và cùng với nó là xóa bỏ toàn bộ chế độ TBCN đã được chuẩn bị một cách khách quan bởi sự tác động của chính ngay các quy luật của nền kinh tế TBCN mà điển hình là quy luật giá trị thặng dư. Xu thế không ngừng xã hội hóa lực lượng sản xuất trong kinh tế và dân chủ hóa trong chính trị - xã hội sẽ tích lũy những tiền đề, điều kiện cho một xã hội mới ra đời ngay trong lòng CNTB. Phủ định CNTB, xây dựng thành công CNXH và chủ nghĩa cộng sản là sứ mệnh mà lịch sử đã lựa chọn và trao cho giai cấp công nhân vì họ gắn liền với sự phát triển không ngừng của sản xuất công nghiệp ngày càng hiện đại.
 
    Biện chứng và logic phát triển của lịch sử loài người đã được khẳng định rõ trong Tuyên ngôn bởi C.Mác và Ph.Ăng-ghen rằng: “…cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(3).
 
    Giá trị thực tiễn của Tuyên ngôn đã được minh chứng sống động bằng Công xã Pari, thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, sự ra đời và phát triển của hệ thống các nước XHCN với những thành tựu to lớn không thể phủ nhận, sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân ở chính trong lòng các nước TBCN, phong trào đòi độc lập dân tộc và đi lên CNXH trên phạm vi toàn cầu và sự thành công của mô hình CNXH hiện thực ở Trung Quốc, Việt Nam và Lào hiện nay. Thực tiễn đó đã chứng tỏ, Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin thực sự luôn là ngọn đuốc lý luận soi đường, dẫn lối cho các phong trào cách mạng. Dù ở các châu lục khác nhau, với những trình độ phát triển khác nhau, các Ðảng Cộng sản và giai cấp công nhân ở mỗi nước đều có thể tìm thấy những căn cứ lý luận về khả năng “làm tăng thật nhanh lực lượng sản xuất lên”(4); về kiểu tổ chức xã hội công bằng, bình đẳng để “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(5); và về quan hệ giữa các dân tộc, quốc gia trên cơ sở của hòa bình và lao động… Những phác thảo khoa học ở tầm cao chiến lược trong Tuyên ngôn đã được thực tiễn cách mạng thế giới chứng minh là đúng đắn.
 
    Tuyên ngôn cũng đề cập đến những biện pháp xây dựng CNXH cùng với lời dặn rất rõ ràng rằng, “Trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều”(6) và trong thực tế thì “những biện pháp ấy sẽ vượt quá bản thân chúng”(7)… Những chỉ dẫn này vừa chính xác, vừa giàu tính phương pháp luận. Thực tiễn của quá trình xây dựng CNXH trên thế giới, đặc biệt là thực tiễn cải cách, mở cửa và đổi mới của các nước XHCN hiện nay đã xác nhận những luận cứ khoa học mà C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã nêu trong Tuyên ngôn.
 
    Ðối với cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản có vị trí đặc biệt quan trọng. Lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp nhận tinh thần của Tuyên ngôn qua đọc và tiếp thu nội dung bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin vào năm 1920 tại Pa-ri. Ðây là một trong những tác phẩm thể hiện đúng đắn, sinh động tinh thần của Tuyên ngôn trong bối cảnh lịch sử mới của các cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Theo đó, Hồ Chí Minh khẳng định: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng XHCN là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam theo tinh thần của Tuyên ngôn và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hơn 30 năm qua là minh chứng sống động thể hiện sự vận dụng, phát triển đúng đắn, sáng tạo tinh thần Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản trong điều kiện mới.
 
    2. Phê phán những quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ tư tưởng khoa học và cách mạng của Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản
 
    Tuyên ngôn ra đời là kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn cách mạng trong phong trào cộng sản quốc tế của C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Trong Tuyên ngôn, các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác được trình bày khái quát, cô đọng ở tầm triết học nhưng cũng rất đầy đủ, hoàn chỉnh, chặt chẽ và chi tiết cả về mặt lý luận và thực tiễn(8). Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá, vận dụng Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản phải khách quan, toàn diện, phải hiểu được thực chất tinh thần của mỗi nguyên lý, mỗi luận điểm trong tính chỉnh thể của nó.
 
    170 năm qua, Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản và chủ nghĩa Mác luôn phải đối mặt với sự xuyên tạc, thậm chí hiểu sai, hiểu chưa đúng. Luận điểm nổi bật chung nhất của các kẻ thù của chủ nghĩa Mác là cố tình xuyên tạc rằng, Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản đòi xóa bỏ tư hữu ngay lập tức và tất thảy mọi hình thức của sở hữu này. Thực tế, Tuyên ngôn đã chỉ rõ: “Ðặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản” - “biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”(9). Tuy nhiên, đó là một quá trình do lịch sử phát triển sức sản xuất quy định như Ph.Ăng-ghen đã khẳng định: không thể thủ tiêu chế độ tư hữu ấy ngay lập tức, vì chúng ta “không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”(10).
 
    Cũng có luận điểm rằng, tư tưởng cơ bản, chủ đạo của Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản chỉ là tư tưởng về đấu tranh giai cấp: Tuyên ngôn đề cao giai cấp, xem nhẹ dân tộc (!). Hiểu như vậy là phiến diện, cắt xén hoặc tầm thường hóa Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản. Vì Tuyên ngôn đã viết rất rõ về quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế của giai cấp công nhân: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(11); “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Ðương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã”(12).
 
    Trong Lời tựa viết cho bản Tuyên ngôn bằng tiếng Ðức xuất bản năm 1883, Ph.Ăng-ghen từng khẳng định lý tưởng cao cả về giải phóng xã hội, giải phóng cả nhân loại của giai cấp công nhân: “... hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp...”(13).
 
    Gần đây, một số người còn cho rằng, những tư tưởng trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là thế kỷ XX, không còn phù hợp trong thế kỷ XXI; rằng trong kinh tế tri thức, công nghiệp 4.0, sứ mệnh lịch sử hiện nay không còn thuộc về giai cấp công nhân mà là thuộc về một số tầng lớp, giai cấp khác... Những người này phủ nhận vị thế quyết định của sản xuất vật chất, tảng lờ thực tế là: giai cấp công nhân hiện đại cùng với rất nhiều tầng lớp lao động khác vẫn là lực lượng đông đảo nhất trong nền sản xuất xã hội.
 
    Bởi vậy, trách nhiệm khoa học và cũng là tình cảm của chúng ta hiện nay, những người đi theo lý tưởng XHCN và cộng sản chủ nghĩa, là đấu tranh với những tư tưởng sai trái, lệch lạc, chỉ ra những cách hiểu sai, hiểu chưa đúng để bảo vệ giá trị khoa học và cách mạng của Tuyên ngôn.
 
    3. Tiếp tục vận dụng và phát triển tinh thần Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản trong bối cảnh mới
 
    Trong Lời tựa viết cho lần xuất bản bằng tiếng Ðức của Tuyên ngôn vào năm 1872, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nói, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào việc áp dụng các nguyên lý trong Tuyên ngôn cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời. Việc bổ sung, phát triển nhiều tư tưởng của Tuyên ngôn được C.Mác, Ph.Ăng-ghen thực hiện không chỉ bằng các Lời tựa viết cho lần xuất bản Tuyên ngôn mà còn bằng rất nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ. Ðó chính là thái độ mẫu mực, cách ứng xử khoa học đối với một học thuyết khoa học của C.Mác, Ph.Ăng-ghen. Theo tinh thần đó, V.I.Lê-nin cũng từng nhận định: “Chúng ta không kỳ vọng rằng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thế sẽ là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó, còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”(14).
 
    Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung là lý luận mang tính mở của sự phát triển. Nó có nhu cầu và khả năng thường xuyên nạp thêm năng lượng mới từ thực tiễn phong phú của cuộc sống. Từ đòi hỏi mới của thực tiễn cách mạng, từ sự soi rọi về tinh thần và phương pháp của Tuyên ngôn, có những điểm chúng ta cần phải nhận thức lại và có những điểm chúng ta cần phải nghiên cứu bổ sung, phát triển và làm sâu sắc thêm.
 
    Thế giới ngày nay đã phát triển hơn cách đây 170 năm rất nhiều. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân và giai cấp tư sản hiện đại đã có nhiều đổi thay, phát triển. Nhiều vấn đề chính trị - xã hội mà Tuyên ngôn đề cập nay cũng thay đổi phạm vi, tốc độ và mức độ ảnh hưởng. Hiện tượng quốc tế hóa thời C.Mác và toàn cầu hóa hiện nay, tuy giống nhau ở bản chất là “giai cấp tư sản tạo ra một thế giới theo hình ảnh của nó”(15), nhưng cũng theo đó, quá trình xã hội hóa, dân chủ hóa đạt tới một tầm vóc mới và làm chín muồi hơn nhiều tiền đề, điều kiện cho sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa với giai đoạn đầu là xã hội XHCN. Những vấn đề đặt ra trong quan hệ giữa vấn đề giai cấp và dân tộc, giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế, giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân mà Tuyên ngôn đề cập đến hôm nay vẫn còn nóng hổi. Bên cạnh đó, thực tiễn cải cách, đổi mới ở các nước XHCN, sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mối quan hệ giữa CNXH và CNTB hiện đại, quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của CNXH và con đường đi lên CNXH ở mỗi nước, quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN... trong bối cảnh mới đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, phức tạp. Bằng việc sử dụng phương pháp duy vật biện chứng về lịch sử của Tuyên ngôn và các phương pháp nghiên cứu hiện đại, từ những xu thế của thời đại, những dữ kiện lịch sử, từ thực tiễn của các quốc gia, chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu để có những kiến giải, cách nhìn mới góp phần khẳng định giá trị bền vững và tăng cường sức sống cho Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản trong thế kỷ XXI.
 
    Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản vẫn là cương lĩnh, là ngọn cờ chiến đấu của những người cộng sản. Qua 170 năm, những giá trị và thông điệp thời đại từ Tuyên ngôn vẫn là mục tiêu cao cả của cả nhân loại hôm nay: thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa để sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người; để các quốc gia, dân tộc được độc lập, được sống trong tự do, hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc.
(1) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tr 599
(2) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tr 605
(3) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tr 613
(4) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tr 626
(5) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tr 628
(6) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tr 627
(7) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tr 627
(8,9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr 615
(10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr 469
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr 623-624
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr 611
(13) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 21, tr 11-12
(14) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, tập 34, tr 152-153
(15) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tr 602.
                                                      GS, TS Nguyễn Xuân Thắng
                                             (Bí thư Trung ương Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
;
.