Kết quả thực hiện quy định 183-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy

Chủ Nhật, 18/02/2018, 07:07 [GMT+7]
Sau gần 05 năm thực hiện Quy định 183-QĐ/TW ngày 08-4-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, 63 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã đi vào hoạt động ổn định, khẳng định được vai trò là cơ quan tham mưu giúp tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN tại địa phương, được các tỉnh ủy, thành ủy đánh giá cao. Bài viết nêu lên những kết quả, khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính các địa phương. 
    1. Kết quả đạt được
 
    Về tổ chức bộ máy, việc thành lập ban nội chính tỉnh ủy đều được thực hiện đúng Quy định số 183-QĐ/TW(1) và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về bộ máy, biên chế của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Tính đến tháng 122017, tổng biên chế của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy là 1.152 người, thiếu 125 biên chế so với định biên theo Quy định số 183-QĐ/TW; 58/63 trưởng ban là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, 05 trưởng ban là tỉnh ủy viên(2), 09 phó trưởng ban là tỉnh ủy viên, lãnh đạo ban còn thiếu 10 đồng chí so với quy định.
 
    Về đầu mối các đơn vị trực thuộc ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy, thời gian đầu khi mới thành lập, các địa phương đã tuân thủ chặt chẽ Quy định số 183-QĐ/TW. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương, một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động đề xuất cấp ủy thành lập thêm 01 phòng chuyên môn(3) và thực tế hoạt động đã đem lại hiệu quả tích cực, được cấp ủy ghi nhận. Hiện nay có 09 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập thêm đầu mối trực thuộc(4).
 
    Về đầu mối tham mưu, giúp việc giúp cấp ủy cấp huyện, các sở, ban, ngành của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN, khắc phục khó khăn trong triển khai hoạt động tại địa bàn cấp huyện, một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cho cấp ủy thành lập bộ phận đầu mối tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện về công tác nội chính và PCTN. Đến nay, đã có 25/63 tỉnh, thành phố (chiếm 39,7%) với 364 cấp ủy cấp huyện thành lập Tổ giúp việc(5) hoặc Bộ phận giúp việc(6) hoặc đầu mối (ở văn phòng)(7)… để giúp việc cấp ủy. Số lượng thành viên của các đầu mối này ít nhất là 01 thành viên kiêm nhiệm(8), nhiều nhất là 12-14 thành viên kiêm nhiệm(9). Người đứng đầu đầu mối cũng khá đa dạng, có nơi là bí thư, phó bí thư cấp ủy, có nơi là chánh, phó chánh văn phòng cấp ủy, có nơi giao nhiệm vụ này cho chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của cấp ủy), có nơi chỉ giao cho 01 cán bộ văn phòng kiêm nhiệm. Có nơi, việc quy định đầu mối tham mưu, giúp việc được ban thường vụ tỉnh ủy quy định rất cụ thể, thống nhất (như Lào Cai, Nam Định...). Tuy hoạt động ban đầu còn những khó khăn, bất cập, song bước đầu cũng đã giúp cấp ủy cấp huyện, các sở, ban, ngành tăng thêm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN ở địa phương.
 
    Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ký hoặc trực tiếp ký ban hành quy chế phối hợp công tác với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, sở, ban, ngành, cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy; trong 05 năm qua, đã ký, ban hành là 513 quy chế.
 
    Một số kết quả nổi bật cụ thể
    
    (1) Nhiệm vụ tham mưu, đề xuất
 
    Hầu hết các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy hiện nay đã chủ động và hoàn thành tốt nhiệm vụ này; đã tham mưu giúp tỉnh ủy xử lý kịp thời những vấn đề trong công tác nội chính và PCTN ở địa phương. Hàng năm, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy xây dựng và ban hành hàng nghìn văn bản chỉ đạo về công tác nội chính và PCTN trên địa bàn(10).
 
    Đã chủ động nắm chắc tình hình, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương như Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 33CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 0712-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí…
 
    Đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu tỉnh ủy, thành ủy tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, chuyên đề, đột xuất về công tác nội chính và PCTN để nắm chắc tình hình, hoạt động của các cơ quan nội chính, kịp thời đưa ra những chủ trương chỉ đạo, nhất là nâng cao chất lượng phối hợp công tác giữa các cơ quan trong khối; các cuộc họp do thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ chủ trì tổ chức khi có vấn đề đột xuất nổi lên, hoặc có vướng mắc trong quá trình xử lý vụ việc, vụ án cơ bản bảo đảm tính kịp thời, giúp cấp ủy chỉ đạo xử lý các vấn đề có hiệu quả.
 
    Đã nghiên cứu, lựa chọn các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tham nhũng, kinh tế được dư luận quan tâm; các vụ án có đơn phản ánh oan, sai; các vụ án còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để tham mưu đưa vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Tham mưu, đề xuất tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo việc xử lý các vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao. Tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là khiếu kiện đông người, các hoạt động chống phá của các tổ chức phản động, các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị.
 
    (2) Nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra
 
    Xác định kiểm tra, giám sát là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, đặc biệt trong lĩnh vực nội chính và PCTN, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về nội chính và PCTN ở địa phương; phối hợp giúp tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính địa phương thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về nội chính và PCTN. Tính từ năm 2015 đến nay, các ban nội chính tỉnh ủy đã tham mưu cho tỉnh ủy và trực tiếp chủ trì tổ chức được 312 hội nghị, 420 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và PCTN; đã ban hành 6.254 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị, thành ủy, đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy, các sở ban ngành, đơn vị trên địa bàn về công tác nội chính và PCTN. Chủ trì, phối hợp thực hiện 1.425 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 2.697 cấp ủy, tổ chức đảng. Nội dung kiểm tra, giám sát đã tập trung vào việc triển khai thực hiện các văn bản mới về PCTN như Chỉ thị số 50-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị… và tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như hoạt động tín dụng, ngân hàng; quản lý đất đai; mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng các quỹ phát triển, bảo vệ rừng, môi trường… Ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu, giúp tỉnh ủy, thành ủy tiến hành việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương, qua rà soát đã kiến nghị nhiều nội dung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, về cơ chế, chính sách, pháp luật và kiến nghị chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu của tội phạm sang Cơ quan điều tra.
 
    (3) Nhiệm vụ thẩm định
 
    Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã được tỉnh ủy, thành ủy giao chủ trì, phối hợp thẩm định các đề án, văn bản quan trọng (chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, báo cáo…) về nội chính và PCTN. Nhiều văn bản quan trọng của cấp ủy do các cơ quan trong khối nội chính đề xuất đã được giao cho ban nội chính tỉnh ủy tham gia, thẩm định trước khi tỉnh ủy ký ban hành(11). Thực hiện tốt nhiệm vụ này, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, tính khả thi của các đề án, văn bản về công tác nội chính và PCTN do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy ban hành.
 
    (4) Nhiệm vụ tham gia công tác cán bộ
 
    Mặc dù Quy định số 183QĐ/TW chưa đề cập rõ ràng, song hầu hết các cấp ủy đã giao ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy là một kênh chính thức tham gia công tác cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó chủ yếu là tham gia với ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy về công tác cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý và các đối tượng khác được cấp ủy giao và tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định. Số lượt tham gia ý kiến về công tác cán bộ của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy hàng năm tăng lên đáng kể, khẳng định uy tín, vai trò của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy ngày càng được nâng lên. Năm 2015, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham gia ý kiến đối với 1.842 trường hợp, năm 2016 là 2.168 trường hợp và năm 2017 là 2.475 trường hợp; trong đó, đã tham gia 997 trường hợp bổ nhiệm các chức danh tư pháp theo quy định (trong 3 năm 2015 -2017).
 
    (5) Các nhiệm vụ khác
 
    Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, các tỉnh ủy, thành ủy đã giao thêm một số nhiệm vụ cho ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Đây chủ yếu là các nhiệm vụ liên quan tới việc nắm và xử lý các vấn đề nóng, bức xúc về an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tôn giáo, dân tộc; các dự án phát triển, các nội dung kinh tế - xã hội lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm, thất thoát; các nhiệm vụ liên quan tới nhiều cơ quan, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ... cần sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy địa phương để quá trình thực hiện tránh sai phạm, lệch hướng. Hầu hết các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy khi được giao đã tích cực tham gia công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo và nhiệm vụ thường trực ban chỉ đạo cải cách tư pháp của tỉnh. Đến nay, đã có 54/63 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy được giao là cơ quan thường trực ban chỉ đạo cải cách tư pháp của tỉnh, có 02 ban nội chính tỉnh ủy (Bắc Giang, Lai Châu) đã xây dựng đề án và triển khai thực hiện việc giám sát công khai hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân qua trực tuyến; thông qua thực hiện nhiệm vụ này đã góp phần nâng cao vị thế của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương.
 
    Từ những kết quả trên, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã được tỉnh ủy, thành ủy ghi nhận, đánh giá cao với vai trò của là cơ quan tham mưu giúp tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác nội chính và PCTN, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
 
    2. Khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu quan trọng, trong quá trình tổ chức, hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và những nội dung khác khi thực hiện Quy định số 183-QĐ/TW. Đa số các tỉnh ủy, thành ủy đều có chung nhận xét Quy định có một số nội dung chưa rõ ràng, chưa cụ thể, khó vận dụng trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, dẫn đến những khó khăn trong công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, trong tiếp cận thông tin, tài liệu… Qua các hội nghị giao ban các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy hàng năm, đa số các địa phương(12) đều kiến nghị Trung ương cần sửa đổi, bổ sung Quy định số 183-QĐ/TW để khắc phục những bất cập hiện nay. Hiện nay Ban Bí thư đang giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ban Bí thư sửa đổi, bổ sung Quy định số 183-QĐ/TW; chúng tôi xin tổng hợp những khó khăn, vướng mắc lớn liên quan đến quy định này cần sửa đổi, bổ sung như sau:
 
    (1) Một số quy định về nhiệm vụ chưa rõ
 
    Việc thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm 1 Điều 2 về nội dung “chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước” còn gặp rất nhiều khó khăn vì chưa quy định ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy được cung cấp, tiếp cận tài liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác nghiên cứu, đề xuất; chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về nội dung, quy trình cho chủ trương, hướng xử lý các vụ việc, vụ án của cấp ủy.
 
    Quy định tại điểm 4 Điều 2 về nhiệm vụ “tham gia với ban tổ chức tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp; tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định” còn chung chung, chưa quy định rõ phạm vi, đối tượng cán bộ, chức danh tư pháp thuộc diện ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy cần và được quyền tham gia, cũng chưa quy định rõ mức độ, quy trình, thủ tục, trách nhiệm tham gia của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trong phân định với ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy và với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định.
 
    (2) Quy định về tổ chức bộ máy và biên chế chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao
 
    Về cơ cấu tổ chức và biên chế như quy định tại điểm 2 Điều 3 Quy định số 183QĐ/TW, hầu hết các tỉnh ủy, thành ủy đều có chung ý kiến là biên chế bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy theo Quy định số 183-QĐ/TW và hướng dẫn của Trung ương là chưa tương đương với các ban xây dựng đảng khác trong cùng một địa phương, còn thiếu so với khối lượng, tính chất công việc được giao căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ. Biên chế của một số ban xây dựng Đảng khác trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy thấp nhất là 21, nhiều nhất là 35 (theo Quy định số 219-QĐ/TW ngày 2712-2013 của Ban Bí thư), trong khi ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy chỉ có không quá 21 biên chế (trừ 04 địa phương lớn được quy định không quá 30 biên chế), một số địa phương chỉ có 15 biên chế(13)
 
    Ngoài khó khăn về số lượng biên chế ít, các địa phương còn đề nghị Trung ương xem xét, quy định về việc tùy vào tình hình và nhu cầu thực tế ở địa phương có thể được lập thêm 01 phòng nghiệp vụ.
 
    (3) Cơ chế hoạt động, mối quan hệ công tác còn khó khăn
   
    Việc thực hiện Điều 4 Quy định số 183-QĐ/TW về quy chế làm việc còn khó khăn. Hiện nay, tại Quy định số 219QĐ/TW của Ban Bí thư ở nội dung quy định các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy không có ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy (Điều 1). Do vậy, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các quy định trong Quy định số 219QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức (Điều 9); mối quan hệ công tác (Điều 10, 11, 12, 13). Dẫn đến một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tại một số địa phương, nhất là trong mối quan hệ công tác với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, trong việc chủ trì xây dựng quy chế phối hợp công tác với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, sở, ban, ngành, cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy trình ban thường vụ tỉnh ủy ban hành như Quy định số 183-QĐ/TW quy định.
 
    (4) Về thực hiện nhiệm vụ khác: Hầu hết các địa phương đã giao cho ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy làm nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp; tiếp công dân... những nội dung này cũng cần được quy định cụ thể trong Quy định số 183QĐ/TW.
 
    Ngoài ra, tại Điều 5 Quy định số 183-QĐ/TW giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định số 183-QĐ/TW là chưa phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, hiện nay theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) có chủ trương đưa văn phòng các ban tham mưu của cấp ủy về văn phòng cấp ủy, một số tỉnh(14) theo quy định biên chế 15 người, nếu thực hiện chủ trương mới nêu trên thì chỉ còn 01 phòng nghiệp vụ, sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
 
    Tóm lại, kết quả hoạt động các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đạt được sau 05 năm thực hiện Quy định số 183QĐ/TW đã khẳng định uy tín, vai trò của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy là cơ quan tham mưu của tỉnh ủy, thành ủy mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy, thành ủy về công tác nội chính và PCTN; đã góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác nội chính và PCTN tại các địa phương, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác PCTN và củng cố thêm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước tại các địa phương.
 
    Tuy còn những khó khăn, vướng mắc nhất định trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo Quy định số 183QĐ/TW, song các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của tỉnh ủy, thành ủy và Trung ương. Kết luận số 10KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí đã kết luận: “... Kiện toàn tổ chức, bộ máy, sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy theo hướng cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác PCTN...”. Từ đó đặt ra yêu cầu tất yếu cần sớm sửa đổi, bổ sung Quy định số 183QĐ/TW Ban Bí thư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trong thời gian tới.
Ts. Nguyễn Xuân Trường
ThS. Bùi Thị Bích Liên
(Ban Nội chính Trung ương)

(1) Điều 3 Quy định số 183-QĐ/TW.
(2) Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.
(3) Phòng theo dõi xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc Phòng theo dõi xử lý khiếu nại, tố cáo, tham mưu giải quyết đơn thư.
(4) Hải Dương, Đắk Lắk, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang, Hà Giang.
(5) 72 Tổ với tên gọi khác nhau: Tổ giúp việc/Tổ nội chính, Tổ nội chính - PCTN, Tổ nội chính - cải cách tư pháp.
(6) 53 Bộ phận giúp việc.
(7) Hậu Giang và Sóc Trăng cấp ủy huyện thành lập Ban Chỉ đạo kiêm nhiệm (19 BCĐ) do Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban.
(8) Nam Định.
(9) Vĩnh Long.
(10) Năm 2015 1.491  văn bản; năm 2016 1.736 văn bản; năm 2017 1.513 văn bản.
(11) Số đề án, văn bản các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham gia thẩm định, cho ý kiến: Năm 2015 là 553 đề án, văn bản, năm 2016 là 413 đề án, văn bản; năm 2017 là 589 đề án, văn bản.
(12) 48/63 địa phương.
(13) Các tỉnh theo Quy định có quy mô dân số dưới 1 triệu người, tốc độ đô thị hóa chưa nhiều.
(14) Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Kon Tum, Hà Giang, Bạc Liêu.

 

;
.