Công tác cán bộ - những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)

Thứ Tư, 14/02/2018, 07:49 [GMT+7]

Xây dựng tổ chức bộ máy và lựa chọn, bố trí đúng cán bộ cho bộ máy đó là vấn đề mang tính khoa học. Cương lĩnh, đường lối, pháp luật đúng đắn nhưng tổ chức bộ máy không đủ mạnh, hoạt động không có hiệu lực, hiệu quả và bố trí cán bộ không đúng thì khó thành công. Đây là vấn đề đặt ra cần giải quyết kịp thời, chính vì vậy, Đảng ta đã quan tâm đưa vào nội dung bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Bài viết nêu những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng. 
    Trong chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng, ngày 14, 15-11-2017, khi nói chuyện với cán bộ chủ chốt của thành phố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý hai nguy cơ: Sai lầm về đường lối và bố trí sai cán bộ; trong khi coi trọng phát triển kinh tế, làm giàu phải đặc biệt coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quan điểm nhất quán của Đảng trong công cuộc đổi mới là coi xây dựng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Quan điểm đó cần được nhận thức sâu sắc và hành động có hiệu quả. 
    
    Kinh nghiệm của các đảng cộng sản cầm quyền cho thấy, nếu mắc sai lầm về xây dựng Đảng, xa rời lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, không có được Cương lĩnh, đường lối đúng đắn, làm trái những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng chân chính cách mạng, cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất và lựa chọn, bố trí sai cán bộ, nhất là ở vị trí chủ chốt, có thể dẫn đến sụp đổ, thất bại. Phải đặt đúng vị trí của vấn đề cán bộ và công tác cán bộ theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Từ thực tiễn đổi mới và công tác cán bộ gần đây, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nếu chọn và bố trí đúng cán bộ cho các bộ, ngành ở Trung ương và đứng đầu các địa phương thì tình hình thuận lợi và phát triển tốt, địa phương nào, ngành nào lựa chọn và bố trí sai cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, thì biết bao tiêu cực xảy ra, mọi việc sút kém. 
 
    Từ sau Đại hội XII của Đảng, công tác cán bộ có khí thế mới và do đó đã thúc đẩy sự phát triển tích cực về kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, mở rộng và thành công lớn về đối ngoại. Thành tựu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vượt qua những thách thức lớn về thiên tai, biến đổi khí hậu và thực hiện thành công năm và tuần lễ cấp cao APEC 2017 thể hiện đóng góp to lớn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực hoạt động. Đó là điều cần khẳng định. Không có những đồng chí lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động và sáng tạo thì không thể có những thành công đó. Mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều tin cậy và quý trọng những cán bộ lãnh đạo như thế. Có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với dân hai giờ giải quyết được việc bế tắc kéo dài nhiều năm. Công tác cán bộ hai năm qua gắn liền với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đảng đã siết chặt kỷ luật bảo đảm tính nghiêm minh. Có những cán bộ đứng đầu cấp ủy địa phương bị thi hành kỷ luật. Có thể coi đó là bài học đau xót, đáng tiếc và do đó đòi hỏi sự cẩn trọng hơn trong công tác cán bộ, từ đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ và cả bài học về tự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cán bộ dù ở cương vị nào, bài học về tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong Đảng.
 
    Cán bộ và tổ chức bộ máy là sự thống nhất hữu cơ. Không có con người, cán bộ thì không thể xây dựng, phát triển tổ chức và hoàn thiện tổ chức bộ máy với mục đích chính trị, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng lại đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ đáp ứng hoạt động tốt nhất của tổ chức bộ máy. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tuyển chọn những người Việt Nam yêu nước ưu tú, trung kiên để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và Người cùng với tổ chức Hội đào tạo, huấn luyện cán bộ cung cấp cho phong trào cách mạng và xây dựng, phát triển tổ chức trong nước. Kết quả là cán bộ ngày càng trưởng thành, tổ chức ngày càng phát triển là tiền đề, điều kiện để đi tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930.
 
    Trong công cuộc đổi mới, kế thừa kinh nghiệm lãnh đạo của các thời kỳ trước đây, Đảng xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Ý nghĩa then chốt là ở chỗ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi. Sự lãnh đạo đúng đắn lại hoàn toàn phụ thuộc vào Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn và có bộ máy tổ chức vận hành có hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, có tinh thần trách nhiệm, được nhân dân tin cậy và ủng hộ. Vì vậy, Đảng đã có nhiều nghị quyết  chuyên đề về vấn đề cán bộ và xây dựng tổ chức bộ máy. Tiêu biểu là đề ra Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (61997). Nghị quyết Trung ương 4 khóa X (01-2007) về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XI (5-2013).
 
    Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (10-2017) ban hành 4 Nghị quyết quan trọng trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là bước phát triển rất quan trọng về công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và về công tác cán bộ. Thực hiện nghị quyết của Trung ương với quyết tâm cao và giải pháp thích hợp nhất định tạo ra bước đột phá, sửa chữa được những hạn chế, yếu kém để hệ thống chính trị hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
 
    Trước hết cần thống nhất nhận thức trong đánh giá tình hình và những nguyên nhân của hạn chế. Nghị quyết Trung ương 6 nêu rõ: “Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. “Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... ”. “Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp”(1). Nguyên nhân của những hạn chế đó vẫn là nhận thức không rõ và chỉ đạo thực hiện các quan điểm, giải pháp đề ra từ trước tới nay thiếu kiên quyết, chặt chẽ và đồng bộ.
 
    Lãnh đạo, quản lý đất nước, xã hội là một khoa học nghĩa là phải đáp ứng đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng ở mỗi thời kỳ lịch sử nhất định; xác định rõ đối tượng, nội dung lãnh đạo, quản lý, những nguyên tắc phải tuân thủ để đạt được mục tiêu chính trị đã đề ra. Khoa học đó cũng đòi hỏi phương thức lãnh đạo, quản lý thích hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy hợp lý, hoàn chỉnh với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng tầm và theo những tiêu chuẩn nhất định. Trong lãnh đạo, quản lý luôn luôn xuất phát từ quy luật khách quan và thực tiễn đất nước, khắc phục bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí.
 
    Trong xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chọn và bố trí đúng cán bộ, càng đòi hỏi khắc phục bệnh chủ quan, cảm tính, hời hợt, thiếu trách nhiệm. Xây dựng tổ chức bộ máy phải rõ chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động; việc đó cũng cần tổng kết thực tiễn để có được mô hình thích hợp.
 
    Xây dựng tổ chức bộ máy và lựa chọn, bố trí đúng cán bộ cho bộ máy đó là vấn đề mang tính khoa học. Cương lĩnh, đường lối, pháp luật đúng đắn nhưng tổ chức bộ máy không đủ mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và bố trí cán bộ không đúng thì khó thành công. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã nêu rõ: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được coi trọng và chưa được tiến hành một cách căn cơ, bài bản, thiết thực”(2).
 
    Trong triết học duy vật biện chứng có một quan điểm rất đúng là: cái gì hợp lý thì nó tồn tại và phát triển. Tổ chức bộ máy cũng vậy nếu hợp lý thì phát huy tác dụng, cũng như lựa chọn, bố trí đúng cán bộ thì phong trào cách mạng, đất nước, giành, địa phương phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở phải xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mà đặt ra tổ chức và bố trí cán bộ. Cần nhắc lại Nghị quyết Trung ương 4 khóa X (01-2007), “Về đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội”. Thực hiện sự chỉ đạo đó: “Các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng được tổ chức lại thành 6 cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng”. Từ yêu cầu của lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu, trong nhiện kỳ khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị thấy sự cần thiết tái lập Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương.
 
    Tổ chức bộ máy của Chính phủ, từ Quốc hội khóa XII (72007) được ấn định gồm 22 Bộ và cơ quan ngang bộ. Đến Quốc hội khóa XIV hiện nay, cơ cấu bộ máy Chính phủ vẫn như vậy. Rõ ràng là trên tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng gọn lại. Thời kỳ trước 1986, trong cơ chế kế hoạch hóa, bao cấp, cơ cấu tổ chức bộ máy lớn hơn nhiều, số Ban của Trung ương là trên 10 Ban. Số Bộ năm 1981: 34 Bộ và cơ quan ngang bộ; năm 1987 là 32 Bộ và cơ quan ngang bộ. Từ năm 2007 tổ chức bộ máy ổn định và không tăng thêm đầu mối.
 
    Thực tiễn 10 năm quan cho thấy sự cần thiết tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cả tổng thể và cụ thể. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) nêu rõ: “Mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện, một số bộ phận, lĩnh vực chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”(3). Bộ phận, lĩnh vực nào chưa hoàn thiện cần phân tích rõ và có giải pháp cụ thể để hoàn thiện trên cơ sở làm rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và phân công, bố trí cán bộ phù hợp.
 
    Vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay không chỉ ở mô hình tổng thể, mà là sắp xếp bên trong của mỗi cơ quan, tổ chức. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc sắp xếp bộ máy bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực khác. Các giải pháp phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Giải quyết vấn đề đặt ra của toàn hệ thống chính trị, “nhất là tổ chức bộ máy bên trong từng cơ quan, đơn vị”(4).
 
    Trên thực tế, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong từng cơ quan, đơn vị là việc rất khó, phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Công việc này gắn trực tiếp với tinh giản biên chế, bố trí cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối cũng bộc lộ rõ. Nhiều bộ số đầu mối thuộc bộ lên tới trên 40 (vụ, cục, tổng cục). Có bộ có tới 5 hoặc 7 tổng cục. Số tổng cục của các bộ là 42. Trong tổng cục lại có vụ, cục. Trong cục, vụ lại rất nhiều phòng. Ở địa phương, cấp sở có nhiều phòng. Cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị như vậy dẫn tới tình trạng không ít cơ quan đơn vị cán bộ lãnh đạo nhiều hơn cán bộ, chuyên viên, nhân viên, nhiều lãnh đạo cấp phó, bổ nhiệm cấp “hàm” ở các cơ quan Trung ương. Tình trạng đó đương nhiên làm cho biên chế tăng lên. Hai năm vừa qua, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, song biên chế vẫn tăng thêm 96.000 người (mục tiêu phải giảm 145.000 người). Cứ 5 cán bộ, công chức có một cán bộ cấp phó, vẫn có cơ quan không đủ cán bộ cấp phó để đi họp, 23 công dân phải nuôi một công chức (theo báo cáo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), cuối tháng 11-2017). Nghị quyết Trung ương nêu rõ:   “Tuy đã quan tâm đầu tư nhiều cho kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhưng hiệu quả tác động vào việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh giản biên chế chưa tương xứng. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập”(5).
 
    Hiện nay, có khoảng 4 triệu người hưởng lương phụ cấp từ ngân sách nhà nước, trong đó có 2,45 triệu viên chức thuộc hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Vẫn còn nhiều xã không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và số dân (xã phải trên 8 nghìn dân) cần sáp nhập để giảm đơn vị hành chính cấp cơ sở.
 
    Rõ ràng là tổ chức bộ máy tinh gọn với biên chế thích hợp và bố trí đúng cán bộ lãnh đạo quản lý chắc chắn sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, phải hành động tích cực từ cấp Trung ương đến địa phương và cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Nắm vững các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trước mắt và lâu dài mà Trung ương đã đề ra. Trên thực tế, đã có những khởi động tích cực về sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế. Bộ Công thương thu gọn còn hơn 30 đầu mối trực thuộc Bộ. Có hai Bộ là Bộ Công thương và Bộ Nội vụ có giảm biên chế. Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thi tuyển Vụ trưởng. Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển Vụ phó. Tỉnh Quảng Ninh thí điểm có hiệu quả việc sáp nhập các cơ quan Đảng và chính quyền cấp huyện có cùng chức năng, nhiệm vụ. Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện, xã. Một số địa phương đã thí điểm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã nhưng cũng không ít xã không duy trì được lâu, do trình độ cán bộ hạn chế hoặc lạm quyền. Những việc đã làm đó rất cần được tổng kết để hoàn thiện để tìm ra mô hình thích hợp.
 
    Cần chú ý mục tiêu cụ thể mà Trung ương đã đề ra đến năm 2021, “Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó”. “Sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố”. “Giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015”(6).
 
    Trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đề ra có rất nhiều điểm liên quan tới công tác cán bộ. Với hệ thống tổ chức của Đảng, Nghị quyết nêu rõ: “Nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, điều kiện, quy trình hợp lý để lựa chọn cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp”(7). Đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương: “Thực hiện tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và ủy viên thường trực. Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả”(8). “Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định”(9).
 
    Với chính quyền địa phương cần có “quy định khung số lượng cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp theo hướng xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, đặc thù của địa phương và bảo đảm giảm biên chế”. Với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, “Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp, gắn với đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước và quản lý tài chính”.
 
    Việc tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện tốt hơn công tác cán bộ. Tổ chức bộ máy dù hoàn thiện nhưng nếu không có đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng lực và tinh thần trách nhiệm thì tổ chức bộ máy cũng khó hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, phải thực hiện tốt hơn việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, thực hiện tốt chính sách cán bộ gắn với việc mỗi cán bộ, đảng viên tự nâng cao trình độ, rèn luyện để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đề cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, cấp ủy, chính quyền, tổ chức Mặt trận, đoàn thể các cấp đồng thời nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) nhấn mạnh: “Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ”(10).
 
    Mục tiêu cao nhất nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
PGS. TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC 
(Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh)
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Văn phòng Trung ương Đảng, H.2017, tr.38.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.43.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.41.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.17. 
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.39.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.47.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.52.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.55.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.56.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, tr.45.

 

;
.