Một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi)
Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2017) và dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017). Được đánh giá là một trong những dự án luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, nhân dân đặc biệt quan tâm nên Ban soạn thảo đã rà soát lại các quy định pháp luật, tiến hành khảo sát tại một số địa phương, đối chiếu kết quả tổng kết thi hành luật và có những đánh giá tác động khá sâu sắc, toàn diện để có quy định sát thực và bảo đảm tính khả thi. Sau đây là một số nội dung quan trọng, còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật:
1- Về phạm vi điều chỉnh
Dự thảo Luật quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo không chỉ đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức mà còn đối với cán bộ, công chức, viên chức đã về hưu, chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Một số ý kiến tán thành quy định này để bảo đảm không bỏ lọt hành vi vi phạm. Một số ý kiến khác đề nghị đối với người bị tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức đã về hưu, chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì chỉ nên xem xét, xử lý trong trường hợp vi phạm pháp luật về hình sự, hành chính như đối với công dân khác, còn Luật tố cáo chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đang là cán bộ, công chức, viên chức.
2. Về hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo
Dự thảo Luật quy định 02 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, nhưng có bổ sung quy định riêng về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại; vào sổ theo dõi, phân loại, phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.
Vấn đề này hiện nay có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật để hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, gia tăng số lượng tố cáo, gây phức tạp trong công tác tiếp nhận, xử lý ban đầu và gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và xác định trách nhiệm những người lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng Luật phòng, chống tham nhũng, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đều đã có quy định về tiếp nhận tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin khác; Luật giao dịch điện tử cũng đã quy định về văn bản điện tử và chữ ký điện tử. Vì vậy, để thống nhất với các Luật nêu trên, dự thảo Luật cần bổ sung các hình thức tố cáo khác như văn bản điện tử, fax, điện thoại. Quy định như vậy cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tố cáo và phù hợp với trình độ phát triển khoa học công nghệ hiện nay.
3. Về tố cáo nặc danh, mạo danh
Dự thảo Luật quy định không xem xét, giải quyết tố cáo nặc danh. Đối với những trường hợp đơn thư tuy là nặc danh, mạo danh nhưng có kèm theo các bằng chứng cụ thể (như băng ghi âm, ghi hình, tài liệu…) thì cơ quan có thẩm quyền coi đây là tin báo, tố giác vi phạm pháp luật, tuy không thụ lý, giải quyết như đối với đơn tố cáo nhưng xem xét, xác minh phục vụ công tác bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, cũng như hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ. Việc xác minh, kiểm tra đối với tố cáo nặc danh nhưng có kèm thông tin, tài liệu, bằng chứng rõ ràng, cụ thể là phù hợp với thực tế (người tố cáo sợ bị trả thù nên tố cáo nặc danh), tránh việc bỏ lọt tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong xử lý, giải quyết đối với các loại tố cáo này.
4. Về thời hiệu tố cáo
Dự thảo Luật quy định thời hiệu tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là 5 năm, trong lĩnh vực quản lý nhà nước là 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm.
Có ý kiến cho rằng không nên quy định thời hiệu tố cáo vì Bộ luật tố tụng hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc tố cáo hành vi vi phạm xuất phát từ nhận thức của người tố cáo; việc đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội, xử lý, giải quyết tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Mặt khác, quyền tố cáo là quyền được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm thì không nên quy định thời hiệu tố cáo.
Một số ý kiến đề nghị có quy định thời hiệu tố cáo để bảo đảm các hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, những hành vi vi phạm xảy ra quá lâu không còn nguy hiểm cho xã hội thì không tiếp nhận, giải quyết tránh lãng phí nguồn lực.
5. Về điểm dừng trong giải quyết tố cáo
Một số ý kiến cho rằng không nên quy định điểm dừng trong giải quyết tố cáo vì Luật tố cáo hiện hành không quy định vấn đề này. Mặt khác, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo không giống như giải quyết khiếu nại, vì tố cáo là việc cá nhân báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật và các cơ quan có trách nhiệm thụ lý, giải quyết. Nếu việc giải quyết không khách quan, vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm vẫn tồn tại hoặc không được xem xét giải quyết kịp thời thì tố cáo vẫn được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Một số ý kiến cho rằng, trên thực tế nhiều vụ việc tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền cao nhất giải quyết, nhưng người dân vẫn tiếp tục tố cáo, dẫn đến tố cáo kéo dài, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan nhà nước và gây bất ổn cho xã hội. Vì vậy, Luật cần quy định điểm dừng trong giải quyết tố cáo. Không tiếp nhận, xem xét đối với những tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo cuối cùng giải quyết và có kết luận.
6. Về bảo vệ người tố cáo
Dự thảo Luật quy định thu hẹp đối tượng được bảo vệ là người tố cáo (loại trừ người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin); thu hẹp phạm vi bảo vệ, bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo (việc bảo vệ danh dự nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người tố cáo thuộc trách nhiệm của cơ quan công an). Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ được thực hiện trong quá trình tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố cáo hoặc khi quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, nhất là thu hẹp về lĩnh vực, biện pháp và đối tượng được bảo vệ để phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội ở nước ta, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Việc quy định trường hợp được bảo vệ và biện pháp được áp dụng cần phải rất chặt chẽ nếu không sẽ bị lạm dụng và mục đích việc bảo vệ người tố cáo không đạt được. Một số ý kiến khác đề nghị phải mở rộng đối tượng bảo vệ gồm: Người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin.
Nguyễn Phương Thảo