Cần thiết phải mở rộng tham nhũng trong khu vực tư?
Chủ Nhật, 29/10/2017, 07:07 [GMT+7]
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các đại biểu là có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sang khu vực ngoài nhà nước, nói cách khác là có nên quy định tham nhũng trong lĩnh vực tư hay không? Tinh thần chung của dự thảo Luật là mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sang khu vực ngoài Nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt Điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Còn đối với các tổ chức xã hội khác, Luật chỉ quy định các tổ chức này có trách nhiệm tự ban hành, thực hiện quy định đối với một số nội dung về phòng ngừa tham nhũng.
Vấn đề này hiện có 3 loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật vì cho rằng, quy định tham nhũng trong khu vực tư như trên là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của công tác PCTN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang xuất hiện đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh. Việc mở rộng cần tiến hành từng bước, có trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng kiểm soát đối với khu vực này.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định như dự thảo Luật là nửa vời, cần phải quy định toàn diện hơn. Việc chỉ lựa chọn quỹ đầu tư, công ty đại chúng và tổ chức tín dụng để mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật mà không xem xét đến các loại hình doanh nghiệpkhác có tính chất tương tự nhau như công ty đầu tư chứng khoán sẽ tạo ra sự thiếu bình đẳng trong đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.
Loại ý kiến thứ ba cho rằng, không nên quy định tham nhũng trong khu vực tư. Những lý do được đưa ra như sau:
Một là, hiện nay chúng ta chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà nên tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước.
Hai là, nguy cơ¬ chuyển định hướng của các cơ quan PCTN sang chống tham nhũng trong khu vực tư là rất rõ. Vì PCTN trong khu vực công vốn đã khó khăn, rất động chạm; giờ mở thêm quyền hạn PCTN sang khu vực tư thì các cơ quan PCTN sẽ “ưu tiên” PCTN ở khu vực tư hơn.
Ba là, nguy cơ lạm quyền. Việc giao cho các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội nêu trên mà không có cơ chế giám sát hiệu quả thì khả năng lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền hoàn toàn có thể xảy ra, gây ra tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giao dịch dân sự, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Xuất phát từ những lý do trên, loại ý kiến này đề nghị chưa nên mở rộng PCTN trong khu vực tư mà vấn đề tham nhũng trong khu vực tư sẽ phải để chính doanh nghiệp tư nhân tự giải quyết để phù hợp với xu hướng hội nhập ngày càng toàn diện hơn, khi mà sân chơi quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục nỗ lực thay đổi hệ thống quản trị đáp ứng được các tiêu chuẩn về minh bạch, công khai, chuyên nghiệp.
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để quy định tham nhũng trong khu vực tư.
Trước hết, chủ trương, chính sách của Đảng trong thời gian gần đây rất quan tâm đến việc mở rộng tham nhũng ra ngoài khu vực Nhà nước. Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đặt ra yêu cầu phải thống nhất trong quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Hình sự và Luật PCTN. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh tham nhũng sang khu vực tư với việc quy định 04 tội danh (tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ), đồng thời quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đặc biệt, một trong 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị nêu ra trong Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí đã chỉ rõ: “Từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”.
Thứ hai, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng cũng đặt ra yêu cầu PCTN trong khu vực tư. Đây là văn bản pháp lý quốc tế cao nhất mà Việt Nam tham gia, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp hiện nay.
Thứ ba, thực tiễn hiện nay cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra khá nghiêm trọng, phức tạp, làm méo mó môi trường kinh doanh, suy yếu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2010–2016 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với DEPOCEN(1) thực hiện cho thấy, tham nhũng được coi là một trong năm yếu tố ảnh hưởng nhất đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo nghiên cứu này, ngoài các hành vi có liên quan trực tiếp đến người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước, thì quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cũng có những dấu hiệu tham nhũng. Cụ thể: Khi gặp khó khăn trong việc trực tiếp vay vốn từ ngân hàng, thì có tới 16,57% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian môi giới hay chuyên gia tư vấn vay vốn và chi phí trung bình cho một khoản vay ngân hàng là 2,8% tổng số tiền vay được (trường hợp cao nhất là 10%). Trong hoạt động đấu thầu, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 30,45% doanh nghiệp có thực hiện đấu thầu, trong đó chỉ có 7,89% doanh nghiệp thường xuyên hoặc luôn luôn tổ chức, 22,55% chỉ thỉnh thoảng hoặc hiếm khi tổ chức. Về chế độ đối với người phụ trách kinh doanh hoặc đàm phán hợp đồng của phía khách hàng, có 31,95% doanh nghiệp hoàn toàn không có chính sách này, có tới 28,57% doanh nghiệp áp dụng thường xuyên hoặc rất thường xuyên, khoảng 39,48% doanh nghiệp thỉnh thoảng hoặc hiếm khi áp dụng. Chính sách áp dụng thường là trích tiền mặt 61,5%, mời cơm chiếm 47,3% và còn lại là gửi quà biếu bằng hiện vật, mời đi du lịch hoặc tạo cơ hội việc làm cho người thân. Các khoản “lại quả” mà các doanh nghiệp thường trích lại cho đối tác phần lớn là dưới 5% giá trị hợp đồng. Có trường hợp mức trích có thể lên tới 10%, đặc biệt là trong ngành dịch vụ được cho là cao hơn so với sản xuất và thương mại.
Những kết quả trên cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư hiện nay là khá nghiêm trọng và ảnh hưởng của nó không chỉ trong phạm vi các doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế khi các loại hình kinh doanh ngày càng đa dạng, quan hệ kinh doanh ngày càng phức tạp, hình thức sở hữu ngày càng đan xen, thì những tác động từ các hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư đối với nền kinh tế và xã hội nói chung là rất lớn và cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý sớm. Và tất nhiên, nếu Luật PCTN không đưa khu vực tư vào đối tượng điều chỉnh, kiểm soát thì việc PCTN trong khu vực công có thể ví như chống tham nhũng chỉ bằng một chân. Khu vực công – tư là một mối quan hệ chặt chẽ, như “bình thông nhau”, trong nhiều trường hợp, khu vực tư chính là nơi trú ẩn, “rửa tiền”, “sân sau” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công.. Bởi vậy, việc PCTN sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực tư và PCTN trong khu vực tư chính là để PCTN trong khu vực công.
Thứ tư, vấn đề tham nhũng trong khu vực tư không chỉ ảnh hưởng đến tham nhũng trong khu vực công mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, xã hội của một đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng sản phẩm. Bởi lẽ, khi các hành vi có dấu hiệu tham nhũng mang tính phổ biến, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ở các nước phát triển, sẽ rất dè dặt đưa ra các quyết định đầu tư do họ không thể dự báo được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh, mức độ thành công khi các đối tác kinh doanh ở nước sở tại cũng áp dụng những phương thức kinh doanh thiếu liêm chính như vậy. Mặt khác, đối với những chi phí “không chính thức” của doanh nghiệp, khách hàng chính là người cuối cùng phải gánh chịu những chi phí này cho sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa mà họ sử dụng.
Thứ năm, việc các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phòng ngừa tham nhũng là hết sức cần thiết và đáng cổ vũ, khuyến khích, nhưng điều này không nên bao hàm cả việc loại trừ trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc PCTN trong đơn vị mình. Nguy cơ về việc các cơ quan công quyền có thể lạm quyền khi thực hiện công vụ trong PCTN tại khu vực tư là mặt trái có thể xảy ra, nhưng không vì thế mà chúng ta từ bỏ cơ chế PCTN trong khu vực này. Xử lý vấn đề này cần phải nghiên cứu kỹ cơ chế giám sát, loại bỏ sự lạm quyền, loại bỏ sự kiểm tra, thanh tra “tràn lan”, không có căn cứ, không đúng với quy định của pháp luật.
Thứ sáu, khác với các doanh nghiệp tư nhân có truyền thống và lịch sử phát triển lâu đời trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian hoạt động chưa nhiều nên văn hóa kinh doanh, uy tín doanh nghiệp chưa thực sự được chú trọng. Các yếu tố để xây dựng nền tảng quản trị tốt còn chưa đầy đủ nên áp dụng các chuẩn mực kinh doanh quốc tế vào tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp trước mắt sẽ không thể mau lẹ và sẽ không phát huy được đầy đủ hiệu quả như mong muốn của một số ý kiến (dùng chuẩn mực kinh doanh quốc tế để doanh nghiệp tự giải quyết vấn đề tham nhũng trong nội bộ đơn vị mình).
(1) Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển độc lập, thành lập năm 2005 |
Nguyễn Phương Thảo
;