Sự cần thiết phải ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Thứ Tư, 13/09/2017, 15:52 [GMT+7]
Những năm gần đây, kinh tế nước ta có dấu hiệu chững lại, năng lực cạnh tranh thấp do việc khai thác các tiềm năng tĩnh của nền kinh tế như khoáng sản, đất đai, nhân công giá rẻ... đang dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Sức hút của các mô hình kinh tế của khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang giảm dần, thiếu động lực đột phá. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là các cơ chế, chính sách ưu đãi và các quy định về tổ chức bộ máy quản lý hành chính áp dụng chung cho các mô hình kinh tế này hiện đang bị giới hạn trong khuôn khổ điều chỉnh chung của pháp luật hiện hành nên không thể tạo ra sự vượt trội về ưu đãi đặc thù cũng như sự năng động và hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hành chính để cạnh tranh và thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và vận hành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hơn nữa, hệ thống pháp luật của nước ta còn thiếu thống nhất, hay thay đổi dẫn đến những lo ngại và khó khăn cho các nhà đầu tư.
Khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh (Ảnh TTXVN) |
Bên cạnh đó, tại các đặc khu kinh tế này còn thiếu một cơ quan có đủ thẩm quyền và trách nhiệm quản lý hoạt động của khu kinh tế trên các lĩnh vực. Bộ máy quản lý với thẩm quyền phân tán và có sự chồng lấn giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên cùng lĩnh vực, địa bàn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thông thoáng, linh hoạt trong xử lý, giải quyết các chính sách, thủ tục cho các nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách về quản lý quy hoạch chưa khoa học và hiệu quả… cũng là những rào cản nhất định dẫn đến thành công của các mô hình kinh tế nêu trên.
Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, từ năm 1942 có nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như “khu thương mại tự do”, “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, thành phố công nghiệp - công nghệ cao”… với chính sách mở, ưu đãi và thông thoáng hơn. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển. Sự thành công của các mô hình này chỉ ra phải có một Luật riêng điều chỉnh cho những đặc khu này, trong đó quy định các nội dung cần thiết như thể chế, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ hạn chế về đầu tư kinh doanh; chế độ ưu đãi thuế, phí cạnh tranh. Những chính sách này phải tạo được môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế, mang tính vượt trội, ổn định, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư theo chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, trong quá trình thành lập các đặc khu nêu trên, một số nước lựa chọn vị trí là yếu tố quyết định sống còn tới sự thành công của những đặc khu này, do đó, yêu cầu tiên quyết là những đặc khu này phải được xây dựng tại những nơi có vị trí địa kinh tế chiến lược (gần cảnh biển quốc tế, các tuyến giao thông quan trọng, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế); có chiến lược phát triển rõ ràng và hướng tới những ngành, nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh, bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả…
Trước bối cảnh trong nước và xu hướng phát triển quốc tế trên, Đại hội VIII, IX và XII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03-6-2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nêu rõ: “Xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Tại Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trực thuộc cấp tỉnh và xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho 3 đơn vị này.
Trong hệ thống pháp luật hiện hành, Hiến pháp năm 2013 đã quy định mang tính nguyên tắc về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo đó, Khoản 9 Điều 70 và Khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp đều quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Luật tổ chức Chính quyền địa phương cũng đã quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và dành hẳn một Chương (Chương V) quy định cụ thể về loại đơn vị hành chính này. Điều đó cho thấy ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng đối với việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây đều là những khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và có tiềm năng phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế nếu có được các thể chế, chính sách về kinh tế, hành chính, tư pháp phù hợp và vượt trội so với trong nước và quốc tế. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), đáp ứng nhu cầu thực tiễn cần phải xây dựng mô hình phát triển mới có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển của từng khu vực và cả nước, cần thiết phải xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Nguyễn Phương Thảo
;