Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Thứ Hai, 20/03/2017, 16:43 [GMT+7]
    Hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người chưa thành niên... Thông qua trợ giúp pháp lý, nhận thức về pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên, từ đó, có những hành vi ứng xử đúng pháp luật... việc tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí là cái tâm, là tấm lòng của người luật sư muốn làm để góp một phần sức lực cống hiến cho xã hội và hoàn toàn không phải là hình thức, đưa đến những dịch vụ tư vấn tốt nhất cho những người có nhu cầu, đặc biệt là những người không có khả năng về tài chính muốn tiếp cận luật sư để giải quyết những vấn đề mà họ đang mắc phải. 
 
    Trong năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết hội nghị liên tịch giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Vieetj Nam, Thanh tra Chính phủ, Hội Luật gia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong khuôn khổ của chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLSVN về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cử hơn 200 luật sư tham gia tư vấn miễn phí cho công dân cần khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ngày có từ 02 đến 03 luật sư tham gia tư vấn cùng cán bộ tiếp công dân. Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý của các luật sư, người dân được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, những căng thẳng, bức xúc. Các luật sư tư vấn cụ thể từng vụ việc, về trình tự, thủ tục hành chính, tránh nhầm lẫn giữa khiếu nại và tố cáo; những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đã được giải quyết qua nhiều cấp nhưng người dân chưa chấp nhận.
 
    Việc giải quyết vụ việc ở một số địa phương còn nhiều sai sót, kéo dài, không đúng trình tự, thủ tục, áp dụng sai luật, kết luận thiếu chính xác đã khiến người dân búc xúc. Vì vậy, khi tiến hành trợ giúp pháp lý các luật sư đã làm việc hết mình, lắng nghe ý kiến của người dân, tìm hiểu rõ những quan hệ pháp lý trong từng vụ việc, xác định quyền, nghĩa vụ của các bên, chỉ ra từng vấn đề, phân tích cặn kẽ, giải thích, tư vấn một các thấu tình, đạt lý cho người dân hiểu. Đây là việc làm thiết thực giúp cho người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, hiểu rõ việc của mình, tránh cho người dân đi nhầm địa chỉ, mất thời gian, công sức và tiền của mà vẫn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 
    Có thể khẳng định sự tham gia của luật sư vào công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo thể hiện trách nhiệm của luật sư với xã hội, với người dân và với Nhà nước. Khi người dân được luật sư tư vấn, giải thích cặn kẽ những băn khoăn, thắc mắc thì đều thấy thoải mái. Việc tham gia tư vấn pháp luật miễn phí của luật sư đảm bảo được sự khách quan đã làm người dân tin tưởng. Người dân hiểu được việc của mình phải làm và phải đi đến đâu để được giải quyết, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo đúng quy định của pháp luật. Điều mà trước đó họ không biết, khiến phải theo đuổi khiếu kiện kéo dài, gây tổn hại về thời gian và tiền bạc. Mô hình này đang được nhân rộng ra 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. 
 
    Bên cạnh việc trợ giúp pháp lý cho người dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Đoàn Luật sư của các tỉnh còn tích cực tổ chức nhiều đợt đi thực tế để tư vấn miễn phí cho người dân ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tuyên truyền pháp luật tới người dân. Nhiều câu hỏi về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, đất đai,  khiếu nại, tố cáo, thừa kế, chế độ chính sách… được bà con đưa ra và được các luật sư giải đáp một cách thấu đáo. 
 
    Người dân ở nông thôn nhất là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc ít người nhận thức được những giá trị đích thực của pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, biết sử dụng phương tiện pháp luật trong cuộc sống để tự bảo vệ mình và bảo vệ lợi ích của xã hội, lợi ích hợp pháp của người khác. Củng cố mối đoàn kết nhất trí trong cộng đồng dân cư và ở cơ sở, góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật và tình trạng người dân gửi đơn thư khiếu kiện vượt cấp do không hiểu biết pháp luật.
 
    Qua các buổi tư vấn miễn phí, người dân được trang bị kiến thức, tự tin hơn, mạnh dạn hơn để xử lý những tình huống vướng mắc trong đời sống hàng ngày. Hoạt động tư vấn pháp lý đã góp phần giảm tải áp lực cho chính quyền địa phương, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.
 
    Thực tế đã cho thấy, việc tham gia tư vấn miễn phí cho công dân của các luật sư đã giảm tải được tình hình mất an ninh trật tự ở thủ đô, giảm áp lực tại Ban tiếp công dân Trung ương cụ thể: công dân đến khiếu nại tố cáo giảm 20%, số vụ việc giảm 15%, số lượng đoàn đông người đến khiếu nại giảm 21%, việc xử lý đơn thư giảm 20%. Đề xuất luật sư tiếp tục tư vấn miễn phí tại trụ sở tiếp công dân Trung ương trong năm 2017.
 
    Thời gian tới Liên đoàn Luật sư sẽ có sự bàn bạc với Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đưa ra những phương án trợ giúp pháp lý hiệu quả hơn đối với những vụ việc khó có thể thành lập Hội đồng tư vấn để đi sâu và làm đến cùng, tư vấn đến tận cùng vụ việc để vừa giúp cho người dân, giúp cho chính quyền.
 
    Trong năm 2017, chương trình phối hợp giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Thanh tra Chính phủ, Hội Luật gia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện chương trình phối hợp; lựa chọn vụ việc khiếu nại, tố cáo để giám sát ở Trung ương và địa phương; tiếp tục rà soát những vụ việc đã được thực hiện giám sát trong năm 2016 để nắm bắt thông tin, theo dõi việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; triển khai hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trung ương và địa phương; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng chuyên mục về công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả thực hiện của Chương trình phối hợp trong năm 2017.
Cù Tất Dũng
;
.