Sự nguy hại của tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ

Thứ Ba, 28/02/2017, 14:38 [GMT+7]
    Lạm dụng quyền lực chính là một hình thức tham nhũng và được xếp vào hàng nguy hiểm nhất. Biểu hiện dễ thấy nhất là những hiện tượng chạy tội, mua bằng, mua chức... mà cả xã hội bàn tán công khai và không hiếm những lời đồn nêu đích danh bác này đang “đỡ lưng” cho đồng chí kia. Tất nhiên, đó chỉ là dư luận xã hội, có đúng như vậy không thì chưa thể kết luận được, vì cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng chưa bắt được quả tang được một vụ chạy ghế, mua chức nào, cho dù chỉ là một cái ghế thấp, bé cỏn con và cũng chưa đưa được người mua hay kẻ bán nào ra trước công luận.
 
    Thực tế này cho thấy loại tham nhũng, tiêu cực này được “bọc” rất kín,  chỉ trong một vài trường hợp thật hiếm hoi như vụ Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bị truy nã quốc tế và vừa mới đây là vụ “bổ nhiệm cán bộ kỳ lạ” diễn ra ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đối với Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Vũ Minh Hoàng mới hé lộ ra đôi điều. Cả hai đang ở diện được cất nhắc lên cao nữa nếu không giữa đường đứt gánh vì chẳng may “bị lộ”.
 
    Tệ hại và nghiêm trọng mang tính phổ biến của tham nhũng quyền lực là tình trạng lợi dụng sơ hở pháp luật đã xuất hiện tư tưởng tư lợi trong vấn đề đề bạt cán bộ, nên một số lãnh đạo trước khi về nghỉ đã tranh thủ bổ nhiệm nhiều cán bộ sai quy định, dùng người không đúng nơi, đúng chỗ so với năng lực, phẩm cách của cán bộ, loại bỏ người tài. Không hiếm nơi cán bộ được bố trí theo “ê kíp”, mục đích là chỉ để thực hiện nhiệm vụ của “ê kíp”, của đường dây và dần dần hình thành nhóm lợi ích trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Nếu hãn hữu bố trí người có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực phù hợp với chức danh, với công việc thì tất yếu, sau một thời gian anh ta phải “bật đi” nơi khác, hoặc bị vô hiệu hóa, hoặc phải "tự cùn" đi. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho cải cách hành chính, cải cách hệ thống chính trị không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Những cán bộ làm được việc, có năng lực, đủ tâm, đủ tầm cho dù không bị gạt sang một bên, thì cũng không được dùng và sẽ bị thui chột.
 
    Có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, từ công tác tổ chức bộ máy, công khai, minh bạch đến đẩy mạnh cải cách thể chế. Tuy nhiên, có một vấn đề rất quan trọng đó là phải quy trách nhiệm rõ ràng. Kỷ luật hành chính lâu nay cực kỳ lỏng lẻo, không thể kể hết những vụ việc sai phạm, vi phạm luật công chức, viên chức nhưng cuối cùng vẫn là "đơn thuốc" kiểm điểm, rút kinh nghiệm; sợi dây kinh nghiệm cứ rút hoài, rút mãi mà không hết. 
 
    Từ việc bố trí những cán bộ không đủ năng lực quản lý điều hành sẽ làm méo mó nền công vụ nước nhà, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của chế độ công quyền. Lòng tin của người với người và giữa nhân dân với hệ thống chính trị bị sứt mẻ. Sự chấp nhận của xã hội sống chung với tham nhũng như là “sống chung với lũ” sẽ làm cho người dân trong xã hội mất lòng tin vào tương lai, xuôi tay với thời cuộc, không còn khả năng chủ động được vận mệnh của mình. Đây là cái giá lớn nhất mà toàn xã hội phải trả nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh.
 
    Phát hiện kịp thời những cán bộ, quan chức không phù hợp cũng góp phần quan trọng giúp cơ quan tổ chức cán bộ có thể nhanh chóng sửa sai, hạn chế thiệt hại và rút kinh nghiệm. Thêm vào đó, nên khuyến khích cán bộ, người dân phát hiện những trường hợp bổ nhiệm cán bộ "bất bình thường". Để làm được điều đó, có thể ban hành quy định cho phép cán bộ, công chức, người dân trong cùng một cơ quan, một ngành, địa phương có quyền khiếu nại chính thức (như một khiếu nại hành chính) đối với một quyết định bổ nhiệm mà họ thấy bất thường. Người dân có quyền gửi tố giác các trường hợp cán bộ có biểu hiện bất thường đến cơ quan chính quyền vượt cấp cơ quan quản lý cán bộ đó. Trong một thời hạn xác định, cơ quan này phải trả lời người dân.
 
    Việc xử lý sai phạm do bổ nhiệm sai phải theo nguyên tắc "Quân pháp bất vị thân" chắc chắn sẽ có tác dụng răn đe mạnh mẽ... không thể cứ bổ nhiệm ồ ạt, không đúng tiêu chuẩn rồi "hạ cánh an toàn" được. Những vụ án tham nhũng lớn đã qua, đã cho thấy cái giá phải trả là không nhỏ cho việc thiếu tính minh bạch và công khai trong xã hội.
 
    Đối với công tác bổ nhiệm, ngoài đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm, phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, tất cả phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Việc giám sát quyền lực, các điều kiện, tiêu chuẩn phải được lượng hóa rõ ràng, tránh tình trạng chung chung. Bằng cấp chỉ là điều kiện “cần”, điều kiện “đủ” phải là vận dụng các lý thuyết được đào tạo vào thực tiễn có hiệu quả. Việc bầu cử, bổ nhiệm được người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo về thực chất là biểu hiện trách nhiệm của Đảng trước nhân dân chọn được người có đức, tài để làm những công việc ích nước, lợi nhà và phục vụ nhân dân được tốt hơn. Mỗi vị trí bầu cử, bổ nhiệm cần có số dư để lựa chọn, có cạnh tranh bình đẳng, đúng pháp luật. Mỗi người phải chuẩn bị và tự trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu cử, bổ nhiệm. Đây là điều kiện để nhân dân có thể tham gia vào công tác xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng.
Cù Tất Dũng
;
.