Kiểm soát nguồn thu và tài sản của cán bộ có chức, có quyền

Thứ Tư, 22/02/2017, 16:02 [GMT+7]
    Từ câu chuyện của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, một lần nữa vấn đề làm sao để việc kê khai tài sản được thực chất, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, kiểm soát được nguồn thu và tài sản của cán bộ, Đảng viên lại được đặt ra.
 
    Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình bà sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Mặc dù Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng về việc có kê khai tài sản của bà Thoa nhưng dư luận vẫn đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vụ việc này.
 
    Từ câu chuyện này, một lần nữa vấn đề làm sao để việc kê khai tài sản được thực chất, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, kiểm soát được nguồn thu và tài sản của cán bộ, Đảng viên lại được đặt ra.
 
    Theo bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII (đoàn Hà Nội), kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đặc biệt là những người có chức, có quyền là một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc kê khai này chỉ dựa trên sự tự giác, trung thực của bản thân người kê khai mà chưa có sự giám sát, chưa có cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền nào chủ động trong việc xác minh. Do vậy, kê khai này chỉ mang tính hình thức và việc phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản không đúng là rất ít.
 
    Đơn cử như trong báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực. Trước đó, năm 2014, có hơn 1 triệu cán bộ, công chức thực hiện kê khai tài sản và chỉ có 5 người bị cơ quan chức năng kết luận là không trung thực. 
 
    Để việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên được thực chất, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần quy định rõ, khi cán bộ, Đảng viên mua nhà, hay mua tài sản lớn thì phải chứng minh được số tiền đó do đâu mà có. Đồng thời, cán bộ, đảng viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước do dân đóng góp từ tiền thuế của dân thì phải công khai tài sản để dân giám sát và thể hiện sự minh bạch.
 
    “Tôi cho rằng việc công bố tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông và thông tin trên mạng là để giám sát tiền thuế của dân. Đã là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách thì nghĩa vụ của họ là phải công khai, còn nếu không kê khai thì buộc họ phải từ bỏ công chức. Ngoài ra, cần phải kê khai, kiểm tra tài sản của cả người thân của người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền như bố mẹ, con cái của họ, để tránh việc tẩu tán tài sản cho người khác”, ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
 
    Đồng tình với quan điểm này, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII đề nghị, cần công khai việc kê khai, tài sản, thu nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi công tác và tại địa phương nơi sinh sống (thông qua hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) để người dân, xã hội có điều kiện thực hiện việc giám sát, qua đó góp phần phát hiện những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không trung thực. 
 
    "Việc cán bộ, đảng viên có chức, có quyền kê khai tài sản không đúng, điều đó thể hiện người cán bộ, Đảng viên đó không trung thực, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước thì tùy theo mức độ nặng, nhẹ cần có hình thức kỷ luật, xử lý nghiêm minh", bà Bùi Thị An đề xuất.
 
    Ngoài ra, theo bà Bùi Thị An, muốn kiểm soát thu nhập của cán bộ, Đảng viên, cần áp dụng việc không dùng tiền mặt, tức là dùng thẻ tín dụng, khi đó chúng ta sẽ kiểm soát được vấn đề nguồn “tiền đen”, đồng thời quy định mọi khoản thu, chi đều phải minh bạch, mọi khoản mua sắm, tiêu dùng của cán bộ, Đảng viên phải gắn với mã số của từng người thì việc kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập đạt hiệu quả.
 
    Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, cũng nêu rõ tình trạng tham nhũng, tham quyền lực, tư duy nhiệm kì, lợi ích nhóm… là một trong những biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống. Bởi vậy, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên qua vấn đề kê khai tài sản, thu nhập cần được xem là một trong những giải pháp quan trọng để làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
                                                                                        Thu Phương
                                                                                          (TTXVN)
;
.