Chống quan liêu - khâu đột phá làm chuyển biến mọi mặt

Thứ Tư, 01/02/2017, 07:01 [GMT+7]
    Một năm đã qua đi sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ một năm qua thực sự có những đổi mới, bước đầu đưa lại niềm tin của nhân dân và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Điểm nổi bật trong lãnh đạo, điều hành là tính cụ thể, thiết thực, xác định rõ cơ quan và người chịu trách nhiệm, kiểm tra trên thực tế, v.v… Hình ảnh Thủ tướng và các bộ trưởng không báo trước đi thăm chợ, xuống bếp ăn, trực tiếp thị sát tại khu công nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, v.v… quan tâm từ vụ việc cụ thể như quán “Cà phê xin chào” đến việc trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến, chuyển thông điệp của Chính phủ, của Thủ tướng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, v.v… đã khẳng định quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, phục vụ, hành động và kiến tạo sự phát triển. Hơn 100.000 doanh nghiệp ra đời trong năm 2016 biểu thị cho lòng tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách và sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
 
    Đạt được những chuyển biến và kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng cả về mặt lý luận và thực tiễn, chính là bước đầu thể hiện quyết tâm khắc phục tình trạng quan liêu trong bộ máy nhà nước để làm chuyển biến mọi hoạt động. Từ những khởi sắc trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ cần nhận thức đúng đắn về bệnh quan liêu, vai trò, tầm quan trọng và các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này trong tổ chức hoạt động của Nhà nước cũng như của cả hệ thống chính trị.
 
    Theo Đại từ điển tiếng Việt, quan liêu là “chỉ đạo xa rời thực tế, chỉ thiên về mệnh lệnh, công văn, giấy tờ”. Với cách tiếp cận này, quan liêu là một phong cách hoạt động của bộ máy và cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Biểu hiện của quan liêu là xa rời thực tế, không đi sâu đi sát quần chúng, coi nhẹ, không nắm được diễn biến thực tế của đời sống kinh tế xã hội, không thực hiện quy trình điều tra, nghiên cứu, khảo sát trước khi ban hành quyết định, báo cáo không đúng thực tế, nói nhiều làm ít, v.v… Những biểu hiện trên thể hiện trong mọi lĩnh vực từ xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật, từ lĩnh vực kinh tế - văn hóa, xã hội đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, công tác cán bộ, v.v…
 
    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bệnh quan liêu là “những người và cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới, không sát công việc thực tế… không theo dõi và gần gũi cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn… thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấy thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”(1). Cán bộ quan liêu là những người “không đi sâu đi sát phong trào, không nắm được tình hình cụ thể của ngành hoặc của chính phủ mình, không gần gũi quần chúng và học hỏi kinh nghiệm của quần chúng, thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở để hiểu đúng thực tế, kiểm tra việc thi hành chính sách, lắng nghe ý kiến của nhân dân…”(2).
 
    Lâu nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc đấu tranh chống quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí”(3). Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu, “bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”(4) (N.V.M. nhấn mạnh). 
 
Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ký Quy chế phối hợp thông tin, tuyên truyền về công tác nội chính và PCTN ngày 24-11-2016
Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ký Quy chế phối hợp thông tin, tuyên truyền về công tác nội chính và PCTN ngày 24-11-2016.
    Như vậy, từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ thực tiễn những năm đổi mới vừa qua rõ ràng những hạn chế, yếu kém, hiệu quả chưa cao trong tổ chức, hoạt động; nạn tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác của bộ máy nhà nước cũng như hệ thống chính trị đều có nguồn gốc từ bệnh quan liêu. Quan liêu là căn bệnh nguy hiểm nhất. Vì quan liêu nên trong xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật không sát thực tế, khó đi vào cuộc sống, không thẩm định kỹ các dự án đầu tư, không kiểm tra sâu sát trong quá trình triển khai dự án nên khi có hậu quả xấu xảy ra thì đã quá muộn. Sự cố môi trường do Fomosa gây ra là cực kỳ nghiêm trọng và đây chính là bài học về sự quan liêu, tắc trách của những cơ quan, cán bộ có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, theo dõi dự án. Hàng loạt dự án chi hàng chục nghìn tỷ đang phải đình chỉ, “đắp chiếu”, hàng trăm dự án thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên phải đình chỉ, v.v… sự đe dọa về môi trường, an toàn lương thực, thực phẩm, cháy nổ liên tục xảy ra, kể cả những tiêu cực trong công tác cán bộ, v.v… đều có bài học về quan liêu, thiếu trách nhiệm. Nếu các cơ quan, cán bộ phụ trách có thẩm quyền không quan liêu, nêu cao tinh thần phụ trách, sâu sát, kiểm tra thực tế thì chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều hậu quả xấu.
 
    Từ thực tiễn chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2016 cho thấy, nếu khắc phục được những biểu hiện của bệnh quan liêu, phân công, xác định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sâu sát thực tiễn, kiểm tra trên thực tế, chắc chắn sẽ đưa lại sự chuyển biến mọi mặt, lấy lại lòng tin của nhân dân. Ban Bí thư đã ra Chỉ thị về cấm biếu quà Tết, Thủ tướng cũng tuyên bố cấm biếu quà tết cấp trên dưới mọi hình thức, các địa phương không về Hà Nội để chúc tết, cung cấp cả đường dây nóng để nhân dân theo dõi, giám sát tố giác các hành vi không chấp hành chỉ thị của Thủ tướng. Nếu người đứng đầu các ngành, các địa phương xác định rõ trách nhiệm chấp hành các chủ trương nêu trên, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng và có biện pháp kiểm tra, giám sát thì chủ trương cụ thể này sẽ trở thành hiện thực, xóa đi một hiện tượng xấu, lợi dụng chúc Tết để vụ lợi mà lâu nay không ai, không địa phương nào dám lên tiếng. Việc làm cụ thể nêu trên là biểu hiện sinh động của một chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, chỉ thị chung chung, thiếu hiệu quả trong hoạt động của bộ máy và cán bộ, công chức nhà nước.
 
    Trong tình hình tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước còn thiếu hiệu quả, tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác khá phổ biến ở nước ta hiện nay, nếu khắc phục được tình trạng quan liêu sẽ là khâu đột phá làm chuyển biến mọi mặt hoạt động.
 
    Phòng, chống quan liêu trong hoạt động của bộ máy và cán bộ, công chức nhà nước cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp lâu dài, có tính chiến lược, có những giải pháp cần thực hiện ngay, có tính đột phá. Trước mắt cần thực hiện những giải pháp sau đây:
 
    Một là, chấn chỉnh công tác cán bộ bảo đảm đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu về năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tận tâm với nhiệm vụ được giao, không quan liêu, không tham nhũng. Muốn vậy cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cao cấp, người đứng đầu các ngành, địa phương phải luôn luôn rèn luyện, nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tích cực tự phê bình và phê bình.
 
    Vấn đề đặt ra hiện nay là tuyển chọn được những người tâm huyết, trung thành với Đảng, không vụ lợi, loại bỏ những người kém đức, kém tài ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước; ngăn chặn bè cánh, lợi ích nhóm phá hoại kỷ cương, kỷ luật, vô hiệu hóa pháp luật, chính sách và những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
 
    Hai là, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhất là sự tham gia của nhân dân, của phương tiện thông tin đại chúng, của các tổ chức chính trị - xã hội.
 
    Ba là, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tất cả các hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nói chung, nhất là kiểm tra, thanh tra việc chấp hành thực tế, việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước.
 
    Nếu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chỉ đọc báo cáo, tin vào các báo cáo sẽ dễ trở thành quan liêu, không nắm được thực tế, không kiểm chứng được các số liệu thống kê, không hiểu được sự vận động, diễn biến của đời sống thực tế.
 
    Thanh tra, kiểm tra cần được diễn ra trên mọi cấp độ, trên mọi lĩnh vực và phải được thực hiện thường xuyên, khi cần có kiểm tra đột xuất không báo trước.
 
    Bốn là, xác định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, từng chức danh trong bộ máy nhà nước, nhất là người đứng đầu các cơ quan nhà nước.
 
    Đây là việc làm hết sức cần thiết, vì muốn kiểm tra, quy kết được trách nhiệm của từng cơ quan và chức danh phải xác định được rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan và từng chức danh để khi sự việc xảy ra thì cứ theo quy định mà quy kết trách nhiệm, khắc phục tình trạng tranh công, đổ lỗi, tình trạng chồng chéo trách nhiệm, tình trạng bỏ trống không ai chịu trách nhiệm.
 
    Ngoài việc xác định trách nhiệm trong pháp luật, người đứng đầu các cơ quan nhà nước cần kiểm tra thực tế việc thi hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp dưới để trực tiếp nhắc nhở, giao các công việc cụ thể phải hoàn thành.
 
    Năm là, phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vì quan liêu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
 
    Đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí cần xác định giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa là chính, nhưng trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc coi trọng giáo dục, thuyết phục cần có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vì quan liêu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Có những hậu quả trực tiếp do quan liêu, nhưng cũng có những hậu quả gián tiếp bắt nguồn từ bệnh quan liêu thiếu trách nhiệm. Chẳng hạn, do quan liêu, không kiểm tra phòng, chống cháy, nổ ở các nhà hàng, vũ trường, quán karaoke gây ra cháy, nổ nhiều người chết, bị thương thì những người trực tiếp phụ trách, quản lý phải chịu trách nhiệm còn những cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng và lãng phí lớn thì người đứng đầu cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
 
    Thực hiện xử phạt nghiêm minh với những hành vi quan liêu, tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng sẽ góp phần răn đe, chấn chỉnh kỷ cương, trật tự trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2001, t.6, tr.490.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, t.11, tr.24.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, t.10, tr.314.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.6, tr.490.

PGS. TS. Nguyễn Văn Mạnh
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) 

;
.