Chính phủ liêm chính và kiến tạo từ lý thuyết tới thực tiễn

Thứ Tư, 01/02/2017, 13:18 [GMT+7]
    “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân” . (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII)
    1. Nhận thức chung
 
    “Chính phủ kiến tạo” không phải là một thuật ngữ mới trên thế giới mà thực chất đã được lãnh đạo nhiều quốc gia nghiên cứu và áp dụng từ lâu: Ví dụ, ở Nhật Bản, thuyết kiến tạo đã được nghiên cứu và áp dụng từ năm 1927 nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Ở Mỹ, thuyết kiến tạo được công nhận là tiêu chuẩn quốc gia và được đưa vào sử dụng trong chương trình đổi mới của Bộ Giáo dục. Ngoài ra, các quốc gia khác như Liên hiệp Anh, Singapore, Phần Lan… cũng đều đưa thuyết kiến tạo vào các chương trình quản lý nhà nước, giáo dục, khoa học và công nghệ.
 
    Lịch sử xây dựng chính quyền của Nhà nước Việt Nam ngay từ khi mới ra đời, đã nhấn mạnh là: Chính phủ kháng chiến và kiến quốc. Chính phủ kháng chiến và kiến quốc xuất phát từ yêu cầu lúc bấy giờ của cách mạng, trong đó khái niệm “kiến quốc” là khá rộng(1).
 
    Ngày nay, “Chính phủ kiến tạo” thực chất là sự cụ thể hóa của “Chính phủ kiến quốc” trong điều kiện phát triển mới căn cứ vào các nhiệm vụ cụ thể và trên cơ sở những cam kết của các tầng lớp lãnh đạo quốc gia qua các thời kỳ đổi mới nhằm xây dựng để đưa đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng. Theo GS. TS. Vũ Minh Giang, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì: “… Kiến tạo là hành động tạo ra những cơ hội, bớt đi những cản trở cho sự phát triển” và “Chính phủ là phải hành động chứ không thể ngồi trên dân rồi tọa hưởng, tham nhũng, đục khoét. Vừa không tạo những cơ hội mới, mà lại tạo ra rất nhiều những cản trở cho sự phát triển. Nhũng nhiễu là cản trở phát triển, nó là phản kiến tạo; đục khoét, vơ vét, tham nhũng rõ ràng là làm suy kiệt nguồn lực quốc gia, mà quan trọng nhất là làm phương hại đến lòng tin của dân, thì Chính phủ cũng suy yếu đi từng ngày. Ở đây, là phải hành động đúng, hành động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, thì sự kiến tạo đó, hành động đó mới hợp lòng dân”(2).
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu trong Hội nghị Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát tại tỉnh Lạng Sơn ngày 06-12-2016.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu trong Hội nghị Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát tại tỉnh Lạng Sơn ngày 06-12-2016.
    2. Chính phủ kiến tạo từ thực tiễn của Việt Nam
 
Xuất phát từ bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân trong Hiến pháp, nhân dân làm chủ đất nước là thuật ngữ bao hàm rộng hơn gồm cả quyền kiểm soát Nhà nước của nhân dân. Cũng theo Hiến pháp và pháp luật, nhân dân thông qua cơ chế dân chủ để thực thi quyền lực nhưng đồng thời nhân dân có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Nhà nước. Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là trọng tâm trong khâu đột phá về thể chế.
 
    Để thực hiện được mục tiêu cơ bản này, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trong việc xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 20112016 là: “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển”(3); trong nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng của Nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.
 
    Trong giai đoạn này, Chính phủ đã tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ cơ bản từ việc sửa đổi, ban hành mới thể chế, chính sách, kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững cho tới việc tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên thực tế cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ công dân và xã hội ngày càng tốt hơn, trong đó có thể kể tới hệ thống thể chế đã được Chính phủ xây dựng và sửa đổi để trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua như Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật, dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi được sửa đổi và ban hành mới trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ như Luật PCTN Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, Luật thống kê… và hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
    Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đề cập tới trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông và người dân tham gia tích cực vào công tác PCTN, lãng phí. 
 
 
    Tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 26-7-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước, đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới là: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”.
 
    Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2016 đã thể hiện quan điểm là chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Đặc biệt, ngày 01-9-2016 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2016/NĐCP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ với một số nội dung mới, quan trọng như sau:
 
    Xác định rõ hơn vị trí, chức năng và nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ, đó là: Bộ có thể “quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ, gồm: (1) Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ; (2) Tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; (3) Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; (4) Công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của Bộ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu về trách nhiệm của Bộ trưởng đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
    Tiếp đó, tại quy định về Vụ thuộc Bộ, chế độ hoạt động của Vụ đã được thay đổi từ chế độ chuyên viên sang chế độ Thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên. Đồng thời, đối với việc ký thừa lệnh Bộ trưởng các văn bản hướng dẫn, giải quyết, thông báo các vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ thì Vụ trưởng được quyền ký mà không cần phải có ủy quyền của Bộ trưởng…
 
    Trong thực hiện cải cách hành chính, Bộ, ngành được bổ sung thêm việc “Quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Bộ” (khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2016/NĐ-CP).
 
    Trong quản lý nhà nước đối với các dịch vụ sự nghiệp, Bộ được bổ sung thêm quyền hạn: “Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp; quy định về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý” và “quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý” (khoản 3, khoản 4 Điều 10).
 
    Về tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ được bổ sung quyền hạn: “Hướng dẫn việc phân loại, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý”, “hướng dẫn danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý” và “quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng viên chức trong tổng số viên chức được giao của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ theo quy định của pháp luật; quyết định giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc Bộ” (khoản 4, khoản 7, khoản 8 Điều 13).
 
    Về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, Bộ được bổ sung quyền: Cho từ chức, tạm đình chỉ công tác đối với Thứ trưởng; quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực được giao quản lý sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ (khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 14).
 
    Nghị định số 123/2016/NĐCP cũng đã bổ sung trách nhiệm của Bộ trưởng đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhân dân, cụ thể là: “Báo cáo, giải trình, trả lời chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội” và “Báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý” (khoản 1, khoản 4 Điều 28); Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Ngoài ra, Nghị định số 123/2016/NĐCP cũng có nhiều những điểm mới như bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập vào cơ cấu tổ chức của Bộ (điểm e khoản 1 Điều 17); quy định “không tổ chức Phòng trong Vụ và nhiều vấn đề khác có liên quan.
 
    Để thực hiện những nhiệm vụ của Chính phủ đã ghi nhận trong nghị định số 123/CP-NĐ2016, trên thực tế, những tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như áp dụng chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả; giảm dần lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đánh giá tình hình tái cấu trúc lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu từ những năm 20112015 và xây dựng đề án cho giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng xử lý nợ xấu thực chất qua Công ty quản lý tài sản (VAMC). Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo sát sao việc tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, yêu cầu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, triển khai các hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan phù hợp; tăng cường phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; đánh giá tình hình thực hiện các cam kết quốc tế, đề xuất giải pháp; điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế với mức độ và thời điểm phù hợp, không để tác động mạnh đến lạm phát.
 
    Để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về: Xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai Nghị quyết số 192016/NQ-CP và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển theo tinh thần của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.
 
    Trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan, các địa phương triển khai nhanh các biện pháp thực hiện hữu hiệu cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức nhà nước trong quản lý đất đai như vụ quán Cà phê Xin chào, các vụ án phá rừng ở Quảng Nam, Yên Bái, Đắc Nông… đến các dự án kinh tế có thất thoát lớn như Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Nguyên liệu sinh học Dung Quất... Chỉ riêng 5 dự án này đã làm thất thoát 30.000 tỷ đồng của Nhà nước(4) và các vấn đề lớn như xử lý ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung về sự cố Fomusa v.v...
 
    Đặc biệt, về công tác PCTN, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và điều này đã được Chính phủ cam kết trong cuộc họp ngày 04-5-2016 trong đó: Không ký bất cứ văn bản nào bị chi phối bởi lợi ích nhóm, bị đặt trước.
 
    Tóm lại, các nguyên tắc hoạt động của một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân” đã được Thủ tướng cùng với tập thể Chính phủ đề ra, nhưng việc thực thi chúng còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của đất nước như văn hóa, vào mức độ tăng trưởng kinh tế cũng như năng lực thực thi của bộ máy hành chính hiện nay. Song, chúng ta chưa bao giờ hết hy vọng rằng, Chính phủ sẽ trở thành điểm tựa quan trọng cho các tầng lớp dân cư trong việc phát triển vì lợi ích của đất nước và của toàn xã hội.
(1) Báo điện tử An ninh thế giới, cập nhật 03:39 12-7-2016.
(2) Xem: Vân Thiêng/Trung tâm tin, cập nhật 03-9-2016, 19:00.
(3) Tài liệu đã dẫn.
(4) Báo điện tử Media.vn, cập nhật thứ 4, ngày 07-12-2016, 10:59
PGS. TS. Nguyễn Thị Phượng
(Học viện Hành chính) 
;
.