Bộ Quy tắc ứng xử chống tham nhũng của Cộng hòa Liên bang Đức

Thứ Bảy, 28/01/2017, 08:05 [GMT+7]
Đây là Bộ quy tắc ứng xử chống tham nhũng với mục đích thông tin để nhân viên công quyền tránh được các tình huống liên quan đến tham nhũng. Ngoài ra, Bộ quy tắc này còn hướng tới thúc đẩy nhân viên công quyền thực hiện nhiệm vụ của mình một cách phù hợp, đúng pháp luật và cảnh báo những hậu quả của hành vi tham nhũng.
 
    Quy tắc 1: Hành vi tham nhũng xung đột với những nhiệm vụ công vụ và làm giảm uy tín của hoạt động công. Tham nhũng phá hủy sự tin tưởng vào sự không thiên vị và khách quan của quản trị công và đây là những nền tảng cho sự tồn tại cùng nhau như một cộng đồng. Tham nhũng trong quản trị Liên bang có thể được ngăn chặn tốt hơn nếu mọi người tạo lập mục tiêu chống tham nhũng. Điều này đồng hành với những nhiệm vụ mà tất cả các nhân viên đã chấp nhận vào thời điểm được tuyển dụng. Trên cơ sở tuyển dụng, mỗi nhân viên đồng ý tuân thủ Hiến pháp và các luật của Cộng hòa Liên bang Đức và đồng ý thực hiện các nhiệm vụ của họ một cách đúng đắn và thận trọng. Các nhân viên phải hành động phù hợp và đúng đắn với tư cách là một nhân viên công quyền và họ phải hành động theo cách bảo đảm sự ủng hộ cho các nền tảng cơ bản về dân chủ và tự do theo nội dung của Đạo luật cơ bản. Bởi vậy, tất cả nhân viên thực hiện các chức năng của họ một cách công bằng và không thiên vị. Mọi nhân viên công quyền có trách nhiệm hành động trong cách để tạo lập hình ảnh điển hình cho các đồng nghiệp, cán bộ giám sát và công chúng.
    
Thành phố Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.
Thành phố Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.
    Quy tắc 2: Trong giải quyết mối quan hệ với những cá nhân bên ngoài cơ quan, ví dụ người tham gia thầu, người ký kết hợp đồng hoặc trong trường hợp cần các hoạt động điều tiết lợi ích, phải đặt các vấn đề trên nền tảng đúng đắn ngay từ ban đầu và ngăn chặn lập tức bất cứ nỗ lực tham nhũng nào. Nghiêm cấm một biểu hiện nào chứng tỏ sự sẵn sàng chấp nhận các món quà biếu. Nếu làm việc trong lĩnh vực quản trị liên quan đến đấu thầu hợp đồng công phải có sự hiểu biết cụ thể đối với những nỗ lực của các bên thứ ba ảnh hưởng đến quyết định của mình. Đây là lĩnh vực nơi hành vi tham nhũng xảy ra nhiều nhất. Vì lý do này, tuân thủ nghiêm túc luật, các quy tắc và theo Hướng dẫn này để ngăn chặn việc nhận các khoản thưởng hoặc quà biếu. Nếu một bên thứ ba đề xuất một lợi ích đáng nghi ngờ, cần thông tin lập tức cho cán bộ giám sát và cán bộ chuyên trách ngăn ngừa tham nhũng.
 
    Quy tắc 3: Đôi khi có thể phải gặp những người mà chúng ta nghĩ họ có thể cố gắng lôi kéo chúng ta vào một hoạt động đáng nghi ngờ, nhưng không dễ dàng để từ chối gặp họ thì không nên một mình cố gắng giải quyết tình huống này mà yêu cầu đồng nghiệp tham gia cùng. Bàn thảo trước về tình huống và yêu cầu đồng nghiệp hành động theo cách để ngăn chặn bất cứ nỗ lực tham nhũng nào.
 
    Quy tắc 4: Các phương pháp làm việc nên rõ ràng và dễ hiểu đối với tất cả mọi người. Khi chúng ta có thể rời vị trí công tác sang vị trí khác (thăng chức, thuyên chuyển) hoặc tạm nghỉ việc trong thời gian ngắn (ốm, nghỉ lễ), các phương pháp làm việc cần rõ ràng để tạo thuận lợi cho người tiếp quản hoặc hỗ trợ họ làm quen với nhiệm vụ trong bất kỳ thời điểm nào. Sự rõ ràng trong việc lưu giữ hồ sơ còn giúp bảo vệ chính chúng ta, trong các cuộc rà soát hoặc kiểm tra, chống lại những cáo buộc gián tiếp hay trực tiếp về sự không trung thực. Không nên giữ những “hồ sơ thứ cấp” nhằm tránh việc thể hiện sự không trung thực dù là nhỏ nhất. Các hồ sơ phụ chỉ nên được giữ khi chúng thực sự cần thiết cho công việc.
 
    Quy tắc 5: Những nỗ lực tham nhũng thường bắt đầu khi bên thứ ba vượt qua những mối quan hệ công việc sang mối quan hệ cá nhân. Khó khăn để từ chối việc bảo đảm một “lợi ích” cho một người, khi chúng ta đang có mối quan hệ cá nhân rất tốt với họ và khi chúng ta hoặc gia đình chúng ta đã có được các tiện ích và lợi ích. Do đó, cần làm rõ quan hệ cá nhân ngay từ đầu, trong đó có nghĩa vụ để bảo đảm công việc tách biệt rõ ràng khỏi đời sống riêng tư nhằm tránh những nghi ngờ về việc nhận những khoản lợi ích.
 
    Cần phải kiểm soát sự tách biệt rõ ràng giữa những mối quan hệ cá nhân và nhiệm vụ công sở trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả không liên quan đến rủi ro tham nhũng trong tất cả hoạt động công quyền. Cơ quan của chúng ta và mọi công dân có quyền đòi hỏi chúng ta thực hiện các hoạt động một cách công bằng, phù hợp và không thiên vị. Vì lý do này, kiểm tra mọi thủ tục mà chúng ta đảm trách để xem xét những lợi ích cá nhân hoặc những mối quan hệ cá nhân mà chúng ta buộc phải tham gia có dẫn đến xung đột với những trách nhiệm công tác của bản thân. Tránh bất cứ biểu hiện nào về sự hỗ trợ không công bằng. Nếu nhận thấy các nhiệm vụ công sở và các mối quan hệ cá nhân hoặc lợi ích của bên thứ ba mà chúng ta phải quan hệ có thể dẫn đến xung đột, hãy thông báo cho cán bộ giám sát.
 
    Ngoài ra, phải phân biệt rõ ràng các hoạt động thứ cấp (phụ) mà chúng ta thực hiện hoặc có ý định thực hiện với công việc chính. Các mối quan hệ cá nhân tăng lên từ những hoạt động thứ cấp phải không ảnh hưởng đến những hoạt động công việc chính. Nếu có sự nghi ngờ, hãy từ bỏ các hoạt động thứ cấp này. Đồng thời, cần luôn nghĩ rằng chúng ta có thể đối mặt với trừng phạt theo luật công hoặc luật lao động nếu chúng ta thực hiện một hoạt động thứ cấp có liên quan đến công quyền mà chúng ta không được trao thẩm quyền (để thực hiện).
 
    Quy tắc 6: Tham nhũng có thể được ngăn chặn và đánh bại chỉ khi mọi người thực hiện có trách nhiệm và tất cả theo đuổi mục tiêu về một công sở không có tham nhũng. Nghĩa là, mọi người phải xem xét để bảo đảm rằng các bên thứ ba không thể có tác động không đúng đắn đến tiến trình ra quyết định. Ngoài ra, nội dung trên còn có nghĩa là chúng ta không nên bảo vệ những đồng nghiệp tham nhũng vì lý do lo sợ sự mất đoàn kết nội bộ hoặc sự trung thành. Mọi người cần phải hỗ trợ cho các hoạt động điều tra hành vi phạm tội và để phòng ngừa công sở khỏi sự tổn hại. Một “con cừu xấu” có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ đàn cừu. Vì lý do này, chúng ta không nên tham gia vào những nỗ lực bảo vệ đồng nghiệp tham nhũng.
 
    Những công sở có cán bộ chuyên trách ngăn ngừa tham nhũng, chúng ta không nên ngại nói với người này về hành vi của đồng nghiệp có những biểu hiện cụ thể và có căn cứ rằng họ có thể nhận hối lộ. Cán bộ chuyên trách sẽ tôn trọng yêu cầu của chúng ta về việc giữ bí mật thông tin và sau đó quyết định những biện pháp gì nên tiến hành. Tuy nhiên, điều cần thiết là chúng ta đưa ra các nghi ngờ chỉ khi chúng ta có các căn cứ đủ hợp lý. Uy tín của các đồng nghiệp không thể bị bôi đen nếu không có bằng chứng cụ thể.
 
    Quy tắc 7: Thông thường, các quy trình làm việc được thực hiện trong thời gian dài sẽ trở thành một “ốc đảo” tạo điều kiện dễ dàng cho tham nhũng. Đó là các quy trình trong đó một nhân viên công quyền có trách nhiệm độc lập trong việc bảo đảm các lợi ích. Hoặc có thể là các quy trình hoạt động không rõ ràng làm khó khăn hoặc thậm chí ngăn chặn hoạt động giám sát. Trong phần lớn các trường hợp, thay đổi các cấu trúc tổ chức có thể sửa chữa được tình trạng trên. Đây là lý do tại sao tất cả các nhân viên cần cung cấp thông tin liên quan cho những người có trách nhiệm của cơ quan nhằm góp phần làm cho các quy trình công việc trở nên rõ ràng và minh bạch. Trong các đơn vị, bộ phận của cơ quan, các quy trình công việc cũng phải đủ minh bạch để ngăn chặn tham nhũng trước khi nó bắt đầu.
 
    Các biện pháp hiệu quả khác để giải quyết sự đe dọa của tham nhũng là thay đổi nhân sự. Công cụ quản lý nhân sự cần được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực dễ bị tổn thương đặc biệt bởi tham nhũng. Để đáp ứng được yêu cầu, nhân viên cần sẵn sàng đảm nhận những vị trí khác nhau theo định kỳ. Về nguyên tắc, thời gian đảm trách một vị trí không nên vượt quá 5 năm.
 
    Quy tắc 8: Nếu làm việc trong các lĩnh vực dễ bị tổn thương đặc biệt bởi tham nhũng, trước hết cần tham gia các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao được tổ chức với các nội dung là: Các hình thức tham nhũng, các tình huống rủi ro, các biện pháp ngăn chặn và các hậu quả của tham nhũng theo luật về hình sự, dịch vụ công và lao động. Sau đó, sẽ học về cách thức để ngăn ngừa tham nhũng cho bản thân và xử lý các tình huống làm chúng ta có thể dính líu đến tham nhũng hoặc khi phát hiện ra tham nhũng trong môi trường làm việc. Với những khóa đào tạo này, có thể bảo đảm chúng ta sẽ có khả năng để giải quyết tham nhũng theo cách đúng luật và chính xác.
 
    Thực tế cho thấy Cộng hòa Liên bang Đức có nhiều kinh nghiệm tốt về công tác PCTN; nhất là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức khá phát triển, đồng bộ; công tác thực thi pháp luật được thực hiện nghiêm túc. Đây là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý xã hội và PCTN.
ThS. Tạ Văn Giang
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.