10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Quảng Trị

Thứ Sáu, 27/01/2017, 13:41 [GMT+7]
10 năm thực hiện Luật PCTN (2006-2015), tỉnh Quảng Trị đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng ngừa tham nhũng, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách về quản lý kinh tế thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường; nhiều vụ án có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện, xử lý kịp thời; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được xử lý kiên quyết, nghiêm minh. 
 
    1. Kết quả thực hiện công tác PCTN
 
    Để triển khai thực hiện hiệu quả Luật PCTN, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án đẩy mạnh công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020; tổ chức Hội nghị cấp tỉnh phổ biến, quán triệt Luật PCTN và các văn bản liên quan về PCTN. Gắn việc tuyên truyền pháp luật PCTN với tổ chức thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
    Trong 10 năm qua, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức 520 cuộc tuyên truyền cho 45.379 lượt cán bộ, công chức, viên chức và trên 160 nghìn lượt hội viên, nhân dân học tập các văn bản pháp luật về PCTN. Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy trong các trường THPT… Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Quảng Trị đã xây dựng chuyên mục pháp luật để đăng tải các nội dung về PCTN.
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và các cơ quan, đơn vị đã ban hành 89 văn bản để triển khai thực hiện Luật PCTN và sửa đổi, bổ sung 11 văn bản quy định chi tiết, tập trung vào những khâu yếu, những biện pháp còn hạn chế trong công tác PCTN, gồm: Hướng dẫn, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN, chế độ thông tin, báo cáo…
 
    UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, giao các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Nội vụ, Thanh tra tỉnh công khai các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của mình; chỉ đạo cấp huyện, ngành, các đơn vị trực thuộc công khai, minh bạch về tài chính ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch trong quản lý sử dụng đất; công khai, minh bạch trong lĩnh vực y tế; rà soát, cải cách thủ tục hành chính và công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện, xã. 
 
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Sung Yung-Hoon, Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về PCTN giữa Ban Nội chính Trung ương và ACRC
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Sung Yung-Hoon, Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về PCTN giữa Ban Nội chính Trung ương và ACRC
    Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị đã ban hành và triển khai thực hiện nghiêm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công; kê khai và công khai tài sản, thu nhập; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; Quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức đối với 1.300 trường hợp. Có 192/549 đơn vị triển khai thực hiện quy tắc ứng xử có hiệu quả tạo cho cán bộ, công chức, viên chức có tác phong, đạo đức, lề lối làm việc nghiêm túc, bảo đảm giờ giấc, văn minh, lịch sự trong giao tiếp. 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch việc thanh, quyết toán kinh phí hàng năm tại Hội nghị công chức cơ quan; niêm yết công khai thủ tục hành chính tại trụ sở làm việc; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch tuyển dụng, đấu thầu, đấu giá, kết luận kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN; thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hội nghị về việc mua bán, thanh lý tài sản, quản lý, quy hoạch, sử dụng đất trong phạm vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị…
 
    Việc tiếp nhận và giải quyết đơn, thư tố cáo, tin báo tội phạm tham nhũng được triển khai thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật: 10 năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận 65 đơn thư có nội dung tố cáo về tham nhũng, đã giải quyết 65 đơn; số vụ tham nhũng được phát hiện thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo là 23 vụ/16 đối tượng có hành vi tham nhũng.
 
    Ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 1.053 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; 39 cuộc thanh tra và 106 cuộc kiểm tra về trách nhiệm thực hiện pháp luật PCTN; phát hiện 04 vụ/08 đối tượng có hành vi tham nhũng qua thanh tra; 03 vụ/03 đối tượng có hành vi tham nhũng qua kiểm tra nội bộ.
 
    Các cơ quan chức năng đã truy tố và đưa ra xét xử 10 vụ/10 đối tượng; xử lý hành chính 25 vụ việc tham nhũng; xử lý kỷ luật hành chính 20 người về hành vi tham nhũng; 01 vụ tham nhũng đang được xem xét xử lý. Qua công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã phát hiện sai phạm 1 tỷ 660 triệu đồng, thu hồi về ngân sách nhà nước 964 triệu đồng (đạt 58%).
 
    Hoạt động giám sát công tác PCTN, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN cũng được lãnh đạo tỉnh đặc biệt chú trọng. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 39 cuộc thanh tra, 106 cuộc kiểm tra về trách nhiệm thực hiện Luật PCTN, phát hiện 26 đơn vị để xảy ra sai sót trong công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN; công khai, minh bạch trong quản lý tài sản công, quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dụng cơ bản… Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, khắc khục những thiếu sót, hạn chế trong công tác PCTN trên địa bàn.
 
    Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về PCTN; tích cực góp ý một số văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức phục vụ công tác PCTN; chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cuờng phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, giám sát việc thực hiện pháp luật PCTN; thông qua việc phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo tổ chức hoạt động 141 Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; tăng cường phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
 
    Cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; kịp thời phản ánh, nêu gương những cá nhân tố giác, phản ánh những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; định hướng dư luận, phản ánh trung thực, đa chiều đối với những hành vi, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    2. Hạn chế và nguyên nhân
 
    Đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTN của tỉnh Quảng Trị cho thấy: Tuy đạt được một số kết quả bước đầu như trên, song, công tác PCTN chưa đạt hiệu quả cao, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn nặng hình thức, đối phó; việc phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra rất ít trong thực tế; các cơ quan chuyên trách phát hiện tham nhũng không nhiều; phần lớn số vụ việc do quần chúng nhân dân phát giác, tố cáo hoặc dư luận xã hội lên tiếng các cơ quan nhà nước mới vào cuộc; ý thức và việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa cao...
 
    Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN chưa đúng mức; chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN; một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN; việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về PCTN ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý) thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu cương quyết trong công tác chỉ đạo điều hành PCTN; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt về PCTN không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm trong công tác PCTN không được phê phán, xử lý nghiêm minh; cá biệt có tình trạng cả nể, bưng bít, bao che; công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật về PCTN ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hiệu quả chưa cao, việc xử lý tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa kịp thời; các biện pháp hỗ trợ hoạt động tư pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu…
 
    3. Một số kiến nghị, đề xuất
 
    Để tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả việc thực hiện công tác PCTN, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
 
    Thứ nhất, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; có chính sách truyền thông đúng đắn về tình hình tham nhũng và công tác PCTN;
 
    Thứ hai, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật, quá trình chuẩn bị, trình, ban hành các quyết định, văn bản hành chính cá biệt; chú trọng cải cách chế độ tiền lương; thực hiện chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và trong một số lĩnh vực đặc thù;
 
    Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng, ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước;
 
    Thứ tư, khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp PCTN đã đề ra và khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác PCTN thời gian qua, cụ thể như sau:
 
    - Tiếp tục hoàn thiện về trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý, hợp pháp;
 
    - Bổ sung quy định để cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ chủ động xác minh bản kê khai tài sản đối với một số đối tượng nhất định do mình quản lý; quy định việc cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn từ 10 triệu đồng trở lên; -
 
    Quy định việc điều động khỏi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn để xem xét giải quyết tố cáo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra;
 
    - Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động và mối quan hệ của các cơ quan chuyên trách về PCTN theo hướng tăng quyền và thực quyền; hoàn thiện chính sách hình sự đối với tội phạm tham nhũng.
 
    Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về PCTN ở các cấp, các ngành;
 
    Thứ sáu, có cơ chế nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi cán bộ, đảng viên, công dân trong PCTN.
Bùi Thị Thu Hà
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.