Dân chủ và thể chế một đảng ở nước ta
Thứ Năm, 11/02/2016, 10:35 [GMT+7]
Từ khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ở nước ta bắt đầu xuất hiện những quan điểm mang tính phê phán đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn; đường lối đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng… Sự phê phán đó đã bị phê phán trở lại nên có lúc nó tạm thời lắng xuống, nhưng sau đó lại bùng phát. Điều đáng chú ý là, các lần bùng phát sau thường mạnh mẽ, gay gắt, sâu sắc và mới hơn các lần trước đó. Đối tượng chính mà nhóm phê phán muốn hướng tới là Đảng. Ở mức thấp, họ đòi Đảng chỉ lãnh đạo về chính trị, không nên lãnh đạo các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế. Ở mức cao hơn, đòi Đảng phải từ bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo, thực hiện đa nguyên, đa đảng. Và, cao hơn cả, đòi Đảng phải từ bỏ hoàn toàn vai trò lãnh đạo của mình. Để thực hiện ý đồ đó, họ gán cho Đảng đủ mọi thứ tội lỗi. Nào là tại sao Đảng lại nhất thiết phải gắn số mệnh của mình với chủ nghĩa Mác-Lênin, một thứ lý thuyết ngoại lai, mơ hồ, lủng củng trong lý luận, thất bại trong thực tiễn và đã bị từ bỏ ngay tại quê hương của nó là Liên Xô. Nào là, nếu Đảng và Bác Hồ không áp đặt cho dân tộc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì rất có thể đất nước ta đã trở thành con rồng, con hổ từ lâu rồi chứ không phải phấn đấu trầy trật mãi mới thoát ra được tình trạng nước nghèo và chậm phát triển để gia nhập vào khối các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình như ngày nay. Nào là, do xu thế chung của thời đại, không thể né tránh nên Đảng buộc phải thực hiện kinh tế thị trường nhưng lại ép nó phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa, như thế là trái quy luật, làm cho mọi nguồn lực kinh tế không được phát huy. Nào là một đảng được “hiến định” là lãnh đạo nhà nước và xã hội thì xã hội đó không thể nào trở thành xã hội pháp trị được. Sự độc quyền lãnh đạo của Đảng làm cho dân chủ bị bóp nghẹt. Đảng là người cai trị còn dân là người bị cai trị, thấp cổ, bé họng. Quyền của dân và quyền của Đảng là hai đại lượng tỷ lệ nghịch. Đảng nắm quyền cai trị thì dân mất quyền. Muốn cho dân có quyền thì Đảng phải tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo...
Bài viết này tác giả không có tham vọng trao đổi về tất cả những vấn đề nêu trên mà chỉ đi sâu vào một điểm, đó là: Dân chủ và thể chế một đảng ở nước ta.
1. Để làm rõ vấn đề, trước hết phải xác định Đảng Cộng sản là đảng của ai, đại diện cho lợi ích của ai? Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: Đảng ta “phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(1). Tiếp thu và phát triển tư tưởng đó của Người, lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định dứt khoát: “Đảng ta là Đảng của dân, do dân, dựa vào dân và vì dân”(2). Đảng sinh ra trong lòng dân tộc; lãnh đạo nhân dân và dân tộc, được nhân dân và dân tộc nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở. Đảng, nhân dân và dân tộc đã thật sự kết thành một khối vững chắc. Đảng dựa vào dân, tin dân, lấy dân làm gốc. Dân tin Đảng, theo Đảng làm cách mạng và coi Đảng là của chính mình. Khi nói với nhau, người dân Việt Nam thường gọi “Đảng ta”; khi nói với người nước ngoài thì gọi “Đảng chúng tôi”. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và của Đảng là bền vững, không gì phá vỡ nổi. Trước kia hay bây giờ, Đảng với dân vẫn chỉ là một, không phải là hai; Đảng không phải là người cai trị, còn dân không phải là người bị cai trị.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một hiện tượng hợp quy luật, phản ánh điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi trong dòng vận động lịch sử của dân tộc. Đảng - lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội là tất yếu khách quan. Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử trao cho Đảng sứ mệnh thiêng liêng đó. Trước năm 1930, ở Việt Nam đã có nhiều đảng và phong trào ra đời và đã từng thử nghiệm vai trò là lãnh tụ của quần chúng. Các tổ chức này và lãnh tụ của họ không thiếu gì đức tính dũng cảm, hy sinh quên mình, nhưng do có những hạn chế về thế giới quan và hệ tư tưởng nên rốt cuộc bị thất bại và tan rã. Từ năm 1930 đến 1945, ngoài Đảng Cộng sản, trên vũ đài chính trị nước ta cũng xuất hiện một số đảng khác như Việt quốc, Việt cách, Đại việt... Song, những đảng này đã phản bội lại lợi ích dân tộc, cam tâm làm tay sai cho đế quốc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bên cạnh Đảng Cộng sản cũng có hai đảng Xã hội và Dân chủ song song tồn tại. Hai Đảng này đã có những đóng góp nhất định trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng sau đó họ thấy sự tồn tại của mình là không cần thiết nên đã tự tuyên bố giải tán. Như vậy, khác với tình hình của nhiều nước trên thế giới, ở nước ta, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản đã là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng. Đó hoàn toàn không phải là sự áp đặt ý muốn chủ quan của Đảng mà là sự giao phó của lịch sử thông qua quá trình sàng lọc hết sức nghiêm khắc. Nhân dân ta bằng sự thể nghiệm xương máu của mình đã có dịp đối chiếu, so sánh các cương lĩnh và hoạt động của các đảng để rồi cuối cùng “chọn mặt gửi vàng” thừa nhận Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo duy nhất của họ. Vì thế, nếu ai đó bảo rằng ngày nay dân đang bị Đảng cai trị, chắc chắn sẽ bị dân bác bỏ và không cho họ mượn danh nghĩa dân để phê phán Đảng.
3.Thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất xứng đáng với sự tin cậy, sự giao phó của lịch sử, của nhân dân, của dân tộc.Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau đó lại lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ làm cho nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất. Giờ đây, Đảng lại lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu của 30 năm thực hiện đường lối đổi mới là rất to lớn và có ý nghĩa quan trọng. Đó cũng chính là những giá trị dân chủ lớn nhất mà Đảng mang lại cho dân. Trong tiến trình đổi mới, “Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật… Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhiều cấp ủy đảng và chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc và đối thoại với nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau… Coi trọng, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã ký kết…”(3).
4. Đảng là một cơ thể sống do đó không thể tránh khỏi những sai lầm. Đảng viên cũng là những con người, do đó không thể tránh khỏi vấp váp, thậm chí sa ngã, thoái hóa, biến chất. Điều quan trọng là Đảng không bảo thủ. Khi có sai lầm Đảng đều nhận lỗi trước dân và quyết tâm sửa chữa. Sai lầm trong cải cách ruộng đất và trong chỉnh đốn tổ chức những năm 1955-1956 là một minh chứng. Đảng đã công khai thừa nhận khuyết điểm của mình trước nhân dân, xin lỗi nhân dân và tiến hành sửa sai. Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội VI của Đảng, một mặt khẳng định những thành tựu đạt được, mặt khác đã dũng cảm tự phê bình về những sai lầm trong các chủ trương, chính sách lớn, trong chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, từ đó đề ra đường lối đổi mới.
5. Cuối cùng, cần phải trao đổi thêm về khái niệm dân chủ. Trong xã hội loài người khi đã có sự phân chia giai cấp, cho đến thời điểm hiện nay, chưa bao giờ có một thứ dân chủ chung chung, dân chủ thuần túy, dân chủ vô bờ bến. Dân chủ bao giờ cũng mang tính giai cấp. Về điều này, Lênin chỉ rõ: Nếu không khinh thường lẽ phải và không khinh thường lịch sử thì ai cũng thấy rõ chừng nào còn có những giai cấp khác nhau thì không thể nói đến dân chủ thuần túy được mà chỉ có thể nói đến dân chủ có tính giai cấp. Cái thứ dân chủ thuần túy, dân chủ vô bờ bến chẳng qua chỉ là một công thức rỗng tuếch, đầy tính giả dối và lừa bịp. Phải thừa nhận dân chủ tư sản là một bước nhảy, bước tiến vượt bậc của nhân loại. Nhưng sau đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa lại là bước tiến cao hơn dân chủ tư sản. Đành rằng dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa có những điểm chung, nhưng trong từng điểm chung đó đều mang rất rõ dấu ấn giai cấp. Như vậy, thực tế lịch sử đã chia ra dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa chứ không phải chúng ta cố tình chia ra như vậy. Không nên đồng nhất dân chủ tư sản với phản động, xấu xa, lừa bịp. Nhưng cũng phải tỉnh táo để có thể nhìn thấy những hạn chế rất lớn của nó. Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ có một câu bất hủ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Thế nhưng, hãy xem những quyền ấy đã được thực hiện như thế nào ở nước Mỹ. Hiện nay ở Mỹ có 20% dân số là những người giàu. Số này chiếm 85% tài sản quốc gia. Số dân còn lại (80%) đã có nhiều người chết đói vì thiếu cái ăn, chết rét vì thiếu nhà ở và áo ấm, chết bệnh vì thiếu thuốc men và không có bảo hiểm y tế. “Quyền được sống” của mỗi người phải chăng là như vậy? Còn về mặt chính trị, chưa có một người nghèo nào đắc cử trong các cuộc bầu cử bởi một lẽ đơn giản là chi phí cho các cuộc tranh cử hết sức tốn kém. Nghị sĩ, dân biểu toàn là những người giàu, tất nhiên họ sẽ biểu quyết những đạo luật có lợi cho giai cấp giàu có. Như thế là dân chủ rộng hay dân chủ hẹp, dân chủ vô bờ bến hay dân chủ có giới hạn? Ở nước ta hiện nay đúng là vẫn còn những hiện tượng mất dân chủ; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu dân chưa giải quyết được triệt để; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực bị vi phạm khá nghiêm trọng; có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn mang tính hình thức…
Vì thế, ở nơi này, nơi khác đã xảy ra hiện tượng nhân dân bất bình, đi khiếu kiện tập thể. Thế nhưng, những giá trị lớn lao về dân chủ mà chúng ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một thực tế không thể phủ nhận. Cho nên, để đánh giá một xã hội nào đó là dân chủ hay không dân chủ, không thể chỉ căn cứ vào những tuyên bố về dân chủ của giai cấp cầm quyền mà phải căn cứ vào việc họ thực thi những tuyên bố đó ra sao. Cũng không thể căn cứ vào việc xã hội đó có thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hay không. Đa đảng vẫn có thể mất dân chủ, một đảng vẫn có thể dân chủ.
Từ những phân tích nêu trên, ta có thể khẳng định: Nói Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên dân chủ bị bóp nghẹt là một cách nói hết sức hàm hồ.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.6, tr.175.
(2) Nguyễn Văn Linh: “Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục xứng đáng là đội tiên phong chính trị của toàn xã hội”, Tạp chí Cộng sản số tháng 2-1970.
(3) Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
|
Tiến Hải
(Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản)
;