Suy ngẫm về cái danh, cái lợi hiện nay

Thứ Tư, 18/02/2015, 00:52 [GMT+7]
    Ngay từ những ngày tháng đầu tiên của Nhà nước cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những bài nói và bài viết sâu sắc, thể hiện tư tưởng lớn về Nhà nước. Một trong những văn kiện có giá trị đó là bài nói của Người ngày 06-10-1945. Về vấn đề nội trị, Người nêu rõ: “Nước ta đã là một nước dân chủ cộng hòa, chính quyền là ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức, gánh vác cho dân được thì người đó đảm nhận trách nhiệm.
 
    Làm việc nước hay làm việc gì khác, người ta thường muốn có một chút danh hay một chút lợi về phần mình. Nhưng, anh em trong Chính phủ lâm thời hiện nay, như quốc dân đã biết, ra gánh vác việc nước, không ai mong danh hay chuộng lợi. Muốn cho danh chính, lợi chính, thì danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới và lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới”(1).
 
    Trong chế độ mới, chế độ dân chủ, người có tài, có đức được nhân dân bầu ra gánh vác việc chung và là người thành danh. Cái danh ấy có được là nhờ nhân dân và cũng từ sự cố gắng của mỗi người. Đạo lý là ở chỗ, người thành danh không được lợi dụng cái danh đó để vụ lợi, làm hại đến nước, đến dân. Không vì cái danh ấy mà cậy thế, trái phép, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” làm mất lòng tin cậy của nhân dân. Cán bộ nào lo lợi riêng thì danh sẽ chẳng còn và nếu còn thì càng làm cho dân thêm oán trách, thậm chí dân khinh, dân ghét. Sống và làm việc trong sự khinh ghét còn có ý nghĩa gì.
 
    Nhớ về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội của nước Việt Nam độc lập 06-01-1946. Bác Hồ ra ứng cử ở Hà Nội. Biết được tin đó, nhân dân ngoại thành Hà Nội đề nghị Bác không phải ứng cử mà đương nhiên là đại biểu Quốc hội. Bác Hồ đã có thư cảm ơn tình cảm của đồng bào và Người tự xác định là một công dân phải làm bổn phận ứng cử, bầu cử như mọi công dân khác. Hà Nội có 74 người ứng cử và cử tri đã lựa chọn được 06 đại biểu có số phiếu quá bán. Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu bầu cao nhất 169.222 phiếu (98,4%). Các đại biểu trúng cử mong được đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, chẳng màng danh và lợi.
 
    Lại nói về danh lợi, tháng 01-1946, trả lời các nhà báo, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì
tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(2).
 
    Cái danh của người lãnh đạo không phải để vì cái lợi riêng, để hưởng thụ giàu sang mà để vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Bổn phận của cán bộ, công chức là làm việc hết sức mình, có chất lượng, hiệu quả và năng suất để làm cho dân có ăn, có mặc, có nhà ở, được học hành. Tự do, hạnh phúc, cuộc sống của nhân dân gắn liền với độc lập của Tổ quốc. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là mục tiêu thiêng liêng, cao cả của cách mạng và cũng là điều mà mọi cán bộ, đảng viên, công chức phải phụng sự.
 
    Suốt mấy chục năm kháng chiến, kiến quốc, các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã hy sinh, chiến đấu vì Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước với chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do. Những lớp người đó đã không nghĩ đến danh lợi, đến thiệt hơn, được mất. Đó là những lớp người anh hùng, lưu danh muôn đời cùng lịch sử vẻ vang của đất nước và dân tộc, mãi mãi được ghi công và biết ơn. Họ sống mãi cùng sự trường tồn của dân tộc và gieo mầm sống, sức xuân cho tương lai. Nghĩ về cái danh, cái lợi, cần thiết phải nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(3). Cán bộ, đảng viên chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Đã chí công vô tư thì khuyết điểm ngày càng ít và những tính tốt: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm ngày càng phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy, mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa”. “Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”(4).
 
    Danh và lợi là vấn đề của con người ở mọi thời đại. Thời phong kiến, người ta học hành mong được đỗ đạt để ra làm quan, để được thành danh. Chế độ phong kiến (phong tước kiến địa, phong hầu kiến ấp) nghĩa là người thành danh có chức tước được Nhà nước ban cấp ruộng đất để lập điền trang thái ấp, thế là danh chức đi liền với lợi. Cái lợi còn ở nhiều bổng lộc khác. Trong đấu tranh cách mạng và kháng chiến, mọi người xả thân vì nước nên không màng đến danh lợi. Khi đất nước độc lập, thống nhất, hòa bình xây dựng, người ta nghĩ đến chức tước, địa vị, danh lợi như một lẽ đương nhiên.
 
    Đảng Cộng sản cầm quyền nghĩa là cán bộ, đảng viên của Đảng nắm các chức vụ trong bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, chức vụ đó là danh chính. Người ta đi học để có bằng cấp để được phân công công việc và vào biên chế nhà nước, đó cũng là danh chính. Mọi người làm việc, phấn đấu để được thăng tiến với chức danh ngày càng cao. Đi liền với chính danh đó là lợi ích, là chế độ được hưởng bảo đảm cho làm việc và cuộc sống. Thời bao cấp, phấn đấu vào biên chế nhà nước để có tiền lương ổn định, có chế độ cung cấp bằng tem phiếu về mọi mặt.
 
    Nguồn bao cấp của Nhà nước trở thành cái lợi mà ai cũng muốn thụ hưởng, danh càng cao, chức vụ càng lớn thì lợi ích được hưởng càng nhiều. Vì thế, bộ máy biên chế cứ tăng lên, chất lượng, hiệu quả công việc, năng suất lao động ngày càng kém. Thực tế đó cùng với những yêu cầu khách quan khác đòi hỏi phải đổi mới, không thể duy trì cơ chế quản lý tập trung, hành chính và bao cấp kém hiệu quả.
 
    Đổi mới, chuyển sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đã tạo ra những chuyển biến căn bản và toàn diện của đời sống xã hội và phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xóa bỏ chế độ bao cấp, tiền tệ hóa tiền lương, các thành phần kinh tế cạnh tranh và bình đẳng trước pháp luật, cán bộ, công chức, người lao động trở nên năng động, sáng tạo hơn. Đã có thời gian nhiều người rời bỏ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước để ra làm ngoài mong có lợi ích và mức sống cao hơn. Đó là điều dễ hiểu và chính đáng.
 
    Nhưng cuộc sống ngày càng cho thấy, có trong biên chế nhà nước, là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vẫn là cơ bản, ổn định và vững chắc hơn. Mức lương cơ bản tuy chưa cao nhưng ổn định thu nhập, lại có lộ trình tăng lương. Ngoài ra, còn có những thu nhập từ các chế độ, chính sách khác. Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị có chức vụ càng cao lợi ích ngoài lương càng lớn như chế độ về đất đai, nhà ở, xe cộ, chăm sóc sức khỏe, đi nước ngoài v.v... Gắn liền với chức vụ là lợi ích. Cần nhận thức rõ rằng, tiền lương và các chế độ hưởng thụ nhằm bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt hơn hay ít nhất cũng tương xứng với lợi ích được hưởng. Đó là sự công bằng, sự phù hợp giữa danh và lợi. Điều đáng phê phán là không ít người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng chưa làm tốt chức trách, nhiệm vụ, có người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi riêng. Đại hội XI của Đảng (tháng 01-2011) đã xác định sự cần thiết “Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằn cấp, chạy huân chương”(5). Nếu không vì lợi riêng chắc chắn sẽ không có các hiện tượng chạy đó.
    
    Phải khẳng định rằng, phần lớn những người có bằng cấp, chức vụ là do ra sức học tập, phấn đấu, rèn luyện, thật sự có đức, có tài. Đạt được cái danh đó và hưởng thụ lợi ích theo chính sách là xứng đáng. Những người phải chạy để có chức vụ, quyền hạn, bằng cấp, rõ ràng cái danh ấy không phản ánh đúng trình độ học vấn, năng lực và nhân cách của những người đó. Với động cơ vụ lợi, trình độ  và nhân cách yếu, những người đó sẽ làm cho bộ máy trì trệ và suy yếu. Bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng cồng kềnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước ngày càng tăng lên. Bộ máy cồng kềnh, biên chế ngày càng tăng, xét đến cùng cũng từ cái danh và cái lợi. Chế độ tiền lương và chính sách hưởng thụ khác hiện nay vẫn là bao cấp, thậm chí bao cấp hơn cả thời bao cấp. Kinh tế dù phát triển như thế nào thì ngân sách nhà nước cũng không thể kham nổi bộ máy và lực lượng biên chế với 2,8 triệu người khi mà chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp vào ngân sách quốc gia.
 
    Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (tháng 01- 2012) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay cho rằng: “Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước; đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”(6). Trong hoàn cảnh đó, rất dễ để cho người ta lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, mưu lợi riêng. Chủ nghĩa cá nhân vụ lợi đã gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế, lợi ích của đất nước và nhân dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.
 
    Từ rất sớm, trong công tác cán bộ, Đảng đã đề ra quan điểm chỉ đạo là có lên có xuống, có vào có ra. Cần phải thực hiện tốt điều đó. Người được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp nếu không làm tròn trách nhiệm, gây hậu quả xấu, không được tín nhiệm, cần phải từ chức hoặc bị cách chức, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc công khai, dân chủ, minh bạch trong thi tuyển công chức, các chức danh lãnh đạo, quản lý cần được mở rộng và thực hiện nghiêm túc, có chất lượng và có hiệu quả. Điều đó phải trở thành quy định, chế độ trong tuyển dụng công chức và đề bạt cán bộ.
 
    Làm tốt điều đó sẽ khắc phục được những trường hợp chạy chức, chạy quyền, bằng cấp, bảo đảm cho danh luôn luôn chính và hưởng thụ đúng với danh chính ấy. Người cán bộ, đảng viên, công chức ngoài tiền lương và các điều kiện cần thiết để làm việc, không có bất cứ đặc quyền, đặc lợi nào. Đó là sự tiến bộ, công bằng xã hội từ chính bộ máy lãnh đạo, quản lý, đẩy lùi tiêu cực, lành mạnh hóa, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị và niềm tin của nhân dân. 
 
    Quốc hội khóa XIII đã hai lần lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn. Lần thứ nhất tháng 6-2013 và lần thứ hai tháng 11-2014. Đó là bước tiến quan trọng trong sinh hoạt chính trị và dân chủ từ chính cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Với 50 chức danh vừa được lấy phiếu tín nhiệm tuy có mức tín nhiệm khác nhau nhưng tất cả đều có số phiếu tín nhiệm và số phiếu tín nhiệm cao trên 50%. Đó là sự tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội, cũng là sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân cả nước. Điều cần nhấn mạnh là, có những chức danh trong lần lấy phiếu trước có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, qua hơn một năm đã sửa chữa, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, điều hành, đến lần này những chức danh đó đã nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao (Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Danh đã chính, ngôn cũng thuận, tạo điều kiện để các nhà lãnh đạo, quản lý thực hiện trách nhiệm trước Đảng, đất nước và nhân dân sẽ ngày càng tốt hơn. Chức danh nào có sự tín nhiệm thấp kéo dài cần được bỏ phiếu bất tín nhiệm, kịp thời thay thế bằng người khác. Đó là sự tiến tới của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
 
    Cũng cần nhận thức đúng đắn vấn đề kê khai tài sản của các cán bộ nắm các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo chủ trương của Đảng cầm quyền. Đó là yêu cầu cần thiết và bình thường đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, các chủ doanh nghiệp nhà nước. Thực chất kê khai tài sản công khai, trung thực, minh bạch là sự kiểm định sự công bằng giữa lợi ích người cán bộ, công chức được hưởng với chức danh đảm trách. Đó cũng là cách thức để phòng ngừa và chống tham nhũng, giữ gìn trong sạch  của bộ máy và bảo vệ cán bộ trước những tham muốn vật chất. Cần ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: Cán bộ, đảng viên, người cách mạng phải ít lòng tham muốn về vật chất.
 
    Phấn đấu để thành đạt, thành danh là mong muốn chính đáng của mọi người cần được khuyến khích và tạo điều kiện để mọi người phát triển hết tài năng để đóng góp cho đất nước và nhân dân. Đã có danh thì đương nhiên được hưởng lợi từ chế độ, chính sách, từ chính sự đóng góp của mình vào công việc chung. Chớ lợi dụng danh để mưu lợi riêng, đó là điều ai cũng phải ghi nhớ. Danh và lợi đều vì việc
công, dĩ công vi thượng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở và suốt đời Người phấn đấu. Người thành danh chân chính luôn luôn vì cái danh, cái lợi của đất nước và nhân dân. Trong sự vinh quang và lợi ích của quốc gia dân tộc có danh lợi của mỗi người trong đó.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.47.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.187.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.289.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.292.(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,Nxb CTQG, H.2011, tr.262.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Nxb CTQG, H.2012, tr.23.

PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc
(Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

;
.