Bầu cử, trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân
Thứ Năm, 20/02/2014, 11:45 [GMT+7]
Nói tới bầu cử, trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân là nói tới vấn đề dân chủ và quyền con người. Việc mở rộng dân chủ và quyền con người không phải là sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào mà là kết quả của sự phát triển các nhu cầu của loài người trong một xã hội toàn cầu tương thuộc lẫn nhau. Cũng giống như bất kỳ đất nước nào trên thế giới việc ghi nhận và theo đuổi các giá trị dân chủ và quyền con người đang là yêu cầu, đòi hỏi của Việt Nam hiện tại và lâu dài.
Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội” của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 có đoạn viết: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Trên cơ sở định hướng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì xây dựng dự án Luật trưng cầu ý dân. Đây là một bằng chứng khẳng định về việc xây dựng dân chủ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cách thức tiếp cận dân chủ có sự khác biệt ở một vài nơi trên thế giới có lẽ bởi một phần do nhận thức, một phần do lợi ích riêng của nhà cầm quyền. Đôi khi vì lợi ích riêng của bản thân mình, nhà cầm quyền giải thích khái niệm dân chủ xa rời với lợi ích chung của cộng đồng hoặc bất lợi đối với thiểu số. Điều đó có nghĩa là có thể có các định nghĩa rất khác nhau về dân chủ và các hình thức của nó. Có lẽ quan niệm chân chính nhất về dân chủ không thể xa rời giá trị cốt lõi của nó. Karl Popper cho rằng: Chúng ta chọn dân chủ không phải vì nó có nhiều đức tính tốt mà chỉ cốt để tránh chế độ độc tài mà thôi(1). Việc xây dựng một nền dân chủ nói chung và xây dựng pháp luật về dân chủ nói riêng cần phải xuất phát từ các quan niệm dân chủ phổ biến trên thế giới.
1. Nhận thức chung về bầu cử, trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân
Dân chủ có một hạt nhân lý luận quan trọng mà trong thế giới hiện đại ngày nay người ta thường nhắc tới là: Nhân dân quyết định chính sách hay nhân dân làm luật. Điều đó thể hiện nhân dân là người cai trị hay tất cả quyền lực là của nhân dân. Nền dân chủ sơ khai có từ thời Hy Lạp cổ đại. Ở đó và vào thời đó tất cả những người đàn ông được tham gia vào công việc cai trị, trừ đàn bà, người nước ngoài và nô lệ, mà theo Michael B. Foster, nền cai trị này nghiêng về số đông những người được quyền biểu quyết về tất cả những công việc của chính quyền nhưng tổng số những người này vẫn là thiểu số cư dân thuộc các thành bang lúc bấy giờ(2). Ngày nay, khi nói tới dân chủ là nói tới sự bình đẳng hoàn toàn giữa mọi người về phương diện chính trị, có nghĩa là mọi công dân có quyền như nhau chi phối các vấn đề chính trị của đất nước hay nói cách khác, quyền lực được phân bổ đồng đều giữa mọi công dân. Dân chủ được chia thành hai loại là dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Hai hình thức này khác nhau ở chỗ: Có hay không có việc quyết định chính sách, pháp luật thông qua người đại diện. Trong dân chủ trực tiếp, nhân dân quyết định trực tiếp chính sách hay pháp luật bằng việc bỏ phiếu. Còn trong dân chủ đại diện, nhân dân bỏ phiếu bầu ra người đại diện cho mình; rồi tới lượt những người đại diện này quyết định chính sách và pháp luật. Chính sách và pháp luật như vậy gián tiếp thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Thông thường các nền dân chủ đại diện thừa nhận ba hình thức dân chủ trực tiếp là: Trưng cầu dân ý, sáng kiến lập pháp, và bãi nhiệm quan chức được bầu. Các hình thức này có thể không xuất hiện đầy đủ trong một nền dân chủ nào đó. Một trong số chúng có thể được nhấn mạnh tại một nền dân chủ cụ thể.
Ở Việt Nam thuật ngữ “trưng cầu ý dân” thường được hiểu không đồng nhất. Một số người quan niệm: “Trưng cầu ý dân” là một hình thức lấy ý kiến nhân dân bằng cách bỏ phiếu để giúp cho chính quyền có thể đưa ra quyết định cuối cùng của mình. Trong khi đó một số khác cho rằng: “Trưng cầu ý dân” là một hình thức nhân dân quyết định một vấn đề nào đó thông qua bỏ phiếu. Bên cạnh thuật ngữ này còn một thuật ngữ nữa thường được nhắc tới là “phúc quyết toàn dân”. Nó được hiểu tương đối đồng nhất với nghĩa là: Nhân dân quyết định cuối cùng về một vấn đề nào đó bằng cách bỏ phiếu.
Trên thế giới, trưng cầu ý dân được chia thành hai loại: (1) Trưng cầu ý dân bắt buộc; và (2) trưng cầu ý dân có tính chất tư vấn.
Trưng cầu ý dân bắt buộc dẫn tới hệ quả là chính quyền phải thực hiện theo đúng kết quả bỏ phiếu của cuộc trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân có tính chất tư vấn dẫn tới hệ quả là chính quyền có thể ra quyết định cuối cùng sau khi suy xét tới kết quả của cuộc bỏ phiếu. Hội nghị Diên Hồng trong lịch sử của Việt Nam mang dáng dấp của hình thức thứ hai của trưng cầu ý dân nói trên. Người dân chỉ góp ý “nên hòa” hay “nên đánh”. Còn việc “hòa” hay “đánh” là việc của người cai trị. Hình thức trưng cầu ý dân bắt buộc như trên đã xuất hiện trong Hiến pháp 1946, tại Điều thứ 21, Điều thứ 32 và Điều thứ 70. Hiến pháp 1992 tuy có đề cập tới việc trưng cầu ý dân, nhưng không nói rõ đó là hình thức trưng cầu ý dân bắt buộc hay trưng cầu ý dân có tính chất tư vấn (Điều 84 khoản 14 và Điều 91 khoản 11). Hiến pháp 2013 có các quy định cụ thể trong việc xác định định nghĩa hay nội hàm của thuật ngữ trưng cầu ý dân được nhắc đến tại Hiến pháp 1992. Điều 120 Hiến pháp 2013 nói tới “trưng cầu ý dân” (khoản 4) và “lấy ý kiến nhân dân” (khoản 3).
Thuật ngữ “lấy ý kiến nhân dân” ở đây cho thấy: Nhà nước muốn được nhân dân tư vấn về một vấn đề nào đó, rồi xem xét ý kiến tư vấn đó để ra quyết định. Hình thức này gần gũi với hình thức trưng cầu ý dân có tính chất tư vấn. Vì vậy, có thể suy luận ra rằng “trưng cầu ý dân” là hình thức trưng cầu ý dân bắt buộc. Tuy nhiên, lấy ý kiến nhân dân cần có một thủ tục bỏ phiếu, chứ không phải là tổ chức tập hợp ý kiến nhân dân từ các cuộc hội thảo, cuộc họp của nhân dân hay những đóng góp riêng lẻ của một vài người dân.
Sáng kiến lập pháp của công dân là một hình thức dân chủ mà theo đó toàn bộ cử tri bỏ phiếu về chính sách hoặc pháp luật theo kiến nghị của một số lượng công dân nhất định và không phải của chính quyền. Bãi nhiệm quan chức được bầu là một hình thức dân chủ cho phép toàn bộ cử tri bỏ phiếu về việc chấm dứt nhiệm kỳ của một quan chức được bầu nào đó nếu tập hợp được đủ số lượng chữ ký nhất định của cử tri ủng hộ cho việc bãi nhiệm quan chức đó. Hình thức dân chủ này không quá xa lạ với người Việt bởi trong Hiến pháp 1946, tại Điều thứ 20, Điều thứ 41 và Điều thứ 61 có thiết lập quyền của nhân dân được bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra.
Ngoài ra, còn một hình thức dân chủ trực tiếp nữa được gọi là sáng kiến chương trình nghị sự mà theo đó một số lượng công dân nhất định có thể kiến nghị đưa một vấn đề cụ thể vào chương trình nghị sự của Nghị viện hay Quốc hội. Dân chủ trực tiếp có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc ban tính hợp pháp hay tính chính đáng cho quyền lực của chính quyền qua việc nhân dân bỏ phiếu trực tiếp thông qua Hiến pháp, rồi từ đó bỏ phiếu lựa chọn ra những người đại diện cho mình. Dân chủ đại diện có ý nghĩa thiết thực bởi ở những nước đông dân và nhất là dân trí chưa cao, việc bầu ra những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân có hiệu quả hơn và đỡ gây tốn kém. Theo một số nhà dân chủ ở Nga, các cuộc bầu cử ngày nay được coi là quan trọng nhất vì nó thể hiện được hai đặc trưng của dân chủ: Thứ nhất, các chính khách cạnh tranh nhau để giành được càng nhiều phiếu càng tốt; Thứ hai, trong thời gian bầu cử, nhân dân có thể gây ảnh hưởng đến chính sách tương lai bằng cách ủng hộ ứng cử viên đáp ứng được các quyền lợi cơ bản của họ(3).
Để cho chính quyền mãi là chính quyền của dân, do dân và vì dân, các hình thức dân chủ trực tiếp vẫn cần phải được sử dụng để quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, bãi nhiệm các chính khách không đáp ứng được các yêu cầu của dân…
2. Kiến nghị xây dựng đạo luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam
Việc xây dựng một đạo luật riêng về trưng cầu ý dân thường thấy trên thế giới, tuy nhiên, khó có thể đáp ứng hết các nhu cầu dân chủ ở Việt Nam hiện nay. Thực tế có thể thấy dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay chưa phát huy hết tác dụng và hiệu quả kém. Quốc hội cần thông qua một đạo luật về các hình thức dân chủ trực tiếp bao gồm các quy định về thủ tục thực thi chúng. Đạo luật này không những xây dựng các hình thức dân chủ trực tiếp non trẻ ở Việt Nam, mà còn góp phần củng cố dân chủ đại diện tại đây.
Luật trưng cầu ý dân giải quyết các vấn đề lớn như sau:
1) Các vấn đề chính trị, pháp lý, kinh tế cần thiết trưng cầu ý dân và hình thức trưng cầu ý dân. Các vấn đề tối thiểu phải trưng cầu theo hình thức trưng cầu ý dân bắt buộc bao gồm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, biên giới, lãnh thổ, gia nhập các tổ chức quốc tế và khu vực, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, đạo luật này quy định những vấn đề nào không trưng cầu ý dân; 2) Các nguyên tắc của trưng cầu ý dân. Các nguyên tắc này bao gồm: Mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu; tự do; phổ thông; bình đẳng; trực tiếp; bỏ phiếu kín; quyết định bởi đa số người bỏ phiếu; những người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, mất năng lực hành vi và bị hạn chế về quyền do tòa án tuyên không được bỏ phiếu; 3) Hiệu lực của trưng cầu ý dân. Quyết định của cuộc trưng cầu ý dân bắt buộc có giá trị ràng buộc tất cả các cơ quan công quyền; 4) Tổ chức trưng cầu ý dân; 5) Thủ tục đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân; 6) Thủ tục vận động bỏ phiếu; 7) Thủ tục bỏ phiếu; 8) Đăng ký cử tri, danh sách cử tri và thẻ cử tri; 9) Kiểm phiếu; 10) Giám sát trưng cầu ý dân; 11) Tài chính liên quan tới trưng cầu ý dân; 12) Công bố kết quả trưng cầu ý dân; 13) Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm.
(1) Dẫn theo cuốn “Chế độ dân chủ- Nhà nước và xã hội” của N.M. Voskresenskaia và N.B.Davletshina, Nxb Tri thức, 2008, tr.17-18.
(2) Michael B. Foster, Những bậc danh sư của triết lý chánh trị, do Đỗ Văn Mai dịch, tr.198.
(3) N.M. Voskresenskaia và N.B. Davletshina, Chế độ dân chủ- Nhà nước và xã hội, Nxb Tri thức, 2008, tr. 20-21.
|
PGS, TS. Ngô Huy Cương
(Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội)
;