Một số vướng mắc trong quy định về hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự Việt Nam

Thứ Tư, 18/12/2013, 16:01 [GMT+7]
    Phạt tiền là hình phạt tước bỏ một phần quyền, lợi ích về tài sản của người phạm tội thể hiện ở việc tước của người bị kết án một khoản tiền nhất định. Theo Bộ luật hình sự hiện hành, hình phạt tiền có thể áp dụng với hai tư cách. Với tư cách là hình phạt chính, hình phạt tiền được tuyên một cách độc lập đối với các tội phạm được Bộ luật hình sự quy định. Còn với tư cách là hình phạt bổ sung, hình phạt tiền có thể được tuyên kèm với một số loại hình phạt khác theo quy định. Xét về bản chất, dù là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung, hình phạt tiền đều là sự tước bỏ một số quyền lợi vật chất của người bị kết án, tác động đến điều kiện kinh tế của họ. Phạt tiền được quy định là hình phạt chính sẽ tạo ra khả năng cá thể hóa hình phạt ở mức cao hơn đối với một số trường hợp phạm tội nhất định khi mà nếu áp dụng các hình phạt khác lại khó có thể đạt được mục đích của hình phạt. 
 
    Điều 30 Bộ luật hình sự quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm các tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Mức phạt tiền được quyết định tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả, nhưng không được thấp hơn một triệu đồng".
   Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định. Quy định này đã được cụ thể hóa tại một số điều khoản thuộc Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, theo đó, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với 76/272 tội phạm cụ thể, chiếm tỷ lệ 27%, tập trung vào các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường; các tội phạm về ma túy; các tội xâm phạm an toàn cộng cộng, trật tự công cộng và các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Ngoài các nhóm tội này, thì không được áp dụng hình phạt tiền với ý nghĩa là hình phạt chính. Phạt tiền chỉ được áp dụng với ý nghĩa là hình phạt bổ sung đối với tội phạm tham nhũng, ma túy và một số tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định.
 
    Ngoài ra, có thể thấy rằng, hình phạt phạt tiền được quy định theo hai cách: Cách thứ nhất là giới hạn mức tối thiểu và mức tối đa. Theo cách quy định này, Tòa án chỉ được lựa chọn mức phạt tiền cụ thể trong khung đã quy định sẵn. Điều này hạn chế khả năng cá thể hóa hình phạt của tòa án. Cách thứ hai là quy định mức phạt tiền theo cấp số nhân của số tiền vi phạm (Điều 161 - tội Trốn thuế, Điều 163 - tội Cho vay lãi nặng). Cách này tuy có ưu điểm là mở rộng hơn thẩm quyền của thẩm phán so với cách quy định thứ nhất, nhưng vẫn bị giới hạn bởi số lần (có thể là 01 lần đến 05 lần). 
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, và xu thế hội nhập quốc tế, việc tồn tại hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung có ý nghĩa rất quan trọng vì đối với các tội phạm có tính chất kinh tế với mục đích mà người phạm tội hướng tới là lợi nhuận. Biện pháp trừng phạt có tính chất kinh tế đối với hành vi phạm tội của họ sẽ tước bỏ khả năng, cơ hội tái phạm tội của họ; tạo điều kiện để bản thân người phạm tội có khả năng tiếp tục lao động khắc phục hậu quả của tội phạm; đồng thời, giúp Nhà nước giảm chi phí trong công tác thi hành án phạt tù tại các trại giam.
 
    Tuy nhiên, quy định của Bộ luật hình sự về hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính, cho thấy một số bất cập cần phải khắc phục. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 30 Bộ luật hình sự quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lí kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lí hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định…”. Tuy nhiên, đối với một số tội thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính, Bộ luật hình sự hiện hành lại quy định phạt tiền là hình phạt chính ngay cả đối với tội nghiêm trọng, như vậy là mâu thuẫn với khoản 1, Điều 30. Cụ thể là tại khoản 1, Điều 155 quy định về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; khoản 1, Điều 158 quy định về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi và khoản 1, Điều 179 quy định tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
 
    Ngoài ra, Điều 30 Bộ luật hình sự quy định: “Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án”. Quy định này có ưu điểm là tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án nếu khả năng kinh tế chưa cho phép thì họ có thể nộp tiền phạt làm nhiều lần mà không cần phải nộp ngay làm một lần. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta trong xử lý tội phạm. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn tới hiện tượng một số người phạm tội lạm dụng, cố tình trây ỳ, dây dưa không chịu nộp tiền phạt làm cho thời gian thi hành án kéo dài gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan thi hành án; Nhà nước khó thu hồi tiền phạt; ảnh hưởng đến hiệu lực của pháp luật, niềm tin của quần chúng nhân dân vào hiệu lực pháp lý của Nhà nước.
 
    Nghiên cứu kinh nghiệm luật hình sự của một số nước như: Liên bang Nga, Nhật Bản thì thấy rằng Bộ luật hình sự cho phép thay thế hình phạt tiền bằng hình phạt buộc lao động cải tạo hoặc buộc phạt tù giam tương đương với mức phạt tiền. Ví dụ như Điều 46 Bộ luật hình sự Liên bang Nga quy định: "Phạt tiền là hình phạt bằng tiền trong giới hạn được Bộ luật này quy định. Phạt tiền được quy định ở mức 2500 rúp đến 01 triệu rúp hoặc bằng lương hay thu nhập khác của người bị kết án từ hai tuần đến năm năm. Phạt tiền ở mức từ 500 nghìn rúp hoặc bằng lương hay bằng thu nhập khác của người bị kết án đến trên 03 năm có thể được áp dụng chỉ đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong các trường hợp được các điều luật tương ứng ở Phần riêng của Bộ luật này quy định riêng. Mức phạt tiền được Tòa án quyết định căn cứ theo mức độ nặng nhẹ của tội phạm và điều kiện vật chất của bản thân và gia đình người phạm tội, đồng thời căn cứ vào khả năng nhận được tiền lương và khoản thu nhập khác của người bị kết án. Căn cứ vào các tình tiết này Tòa án có thể áp dụng hình phạt tiền ở dạng trả góp trong thời hạn đến 3 năm. Phạt tiền là hình phạt bổ sung có thể được áp dụng chỉ trong các trường hợp được các điều luật tương ứng ở Phần riêng Bộ luật này quy định. Trong trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt, khi hình phạt tiền áp dụng là hình phạt chính thì hình phạt này sẽ được thay thế bằng hình phạt khác trong phạm vi chế tài được điều luật tương ứng ở Phần riêng Bộ luật này quy định”.
 
    Bộ luật hình sự Nhật Bản lại quy định tương đối đơn giản về hai loại - hình phạt tiền và hình phạt tiền mức nhẹ. Theo đó, việc phạt tiền trên 01 vạn Yên. Trong trường hợp giảm nhẹ việc phạt tiền thì có thể rút xuống dưới 01 vạn Yên”. Phạt tiền mức nhẹ được định từ 01 nghìn Yên đến 01 vạn Yên”.
Bộ luật hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lại quy định “Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tình tiết của tội phạm” (Điều 52) và “số tiền phải nộp trả 01 lần hoặc nhiều lần trong thời hạn ghi trong bản án. Nếu không nộp phạt đúng hạn, thì bị áp dụng hình thức cưỡng chế. Đối với những người không có khả năng nộp toàn bộ số tiền phạt, thì bất kể thời gian nào, nếu Tòa án phát hiện ra người bị phạt có tài sản có thể nộp phạt lập tức yêu cầu nộp phạt. Có thể giảm hoặc miễn hình phạt tiền đối với những trường hợp thực sự không thể khắc phục được khó khăn trong việc nộp phạt” (Điều 53).
    
    Như vậy, pháp luật hình sự của một số quốc gia cho phép áp dụng sự chuyển đổi từ việc áp dụng hình phạt tiền sang các hình phạt khác trong khuôn khổ các hình phạt được lựa chọn. Đây là một kinh nghiệm để Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi Bộ luật hình sự.
Như vậy, để hoàn thiện quy định về hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự năm 1999 đề nghị sửa đổi, bổ sung chế định hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự hiện hành như sau:
 
    Thứ nhất, đề nghị mở rộng hơn phạm vi áp dụng của hình phạt tiền theo hướng, hình phạt tiền được áp dụng với các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm về kinh tế, môi trường và tội phạm về chức vụ. Việc mở rộng này cho phép một sự linh hoạt hơn của thẩm phán trong việc thực hiện tư tưởng đổi mới mang tính nhân văn của Nhà nước là nghiên cứu giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền; tránh quan niệm tuyệt đối hóa cho rằng: hình phạt tiền luôn nhẹ hơn hình phạt tù; điều quan trọng là đạt được mục đích của hình phạt. Đối với hình phạt tiền với ý nghĩa là hình phạt bổ sung thì cũng cần có một sự mở rộng hơn so với hiện nay.
 
    Thứ hai, về cách thức áp dụng hình phạt tiền. Từ thực tế thi hành án hình sự cho thấy, nhiều đối tượng thể hiện sự cố ý không nộp tiền phạt, làm giảm hiệu quả hình phạt. Về vấn đề này, có thể nghiên cứu áp dụng truy tố về hành vi không chấp hành bản án hoặc áp dụng cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù theo tỷ lệ nhất định hoặc buộc phải thực hiện biện pháp buộc lao động công ích.
 
Vân Trang
;
.