Kỳ họp nghị viện của một số nước trên thế giới

Thứ Hai, 02/12/2013, 16:24 [GMT+7]

    Trên thế giới, thiết chế nghị viện được thành lập cùng với sự ra đời của chính thể nhà nước cộng hòa, nhằm mục đích hạn chế quyền lực vô hạn của nhà Vua thông qua việc ban hành Hiến pháp và các đạo luật. Thông qua bầu cử trực tiếp hay gián tiếp, thiết chế nghị viện hình thành các cơ quan nhà nước. Quyền lực nhân dân với tư cách là cội nguồn của quyền lực nhà nước được công khai thừa nhận với sự xuất hiện của thể chế nghị viện. Mỗi công dân đến độ tuổi nhất định đều có một quyền chính trị quan trọng - đó là bầu ra những người đại diện cho mình, thay mặt mình để bàn bạc, quyết định công việc của nhà nước. Những người đại diện này thay mặt nhân dân giải quyết các công việc của nhà nước. Đó chính là các nghị sĩ hoặc đại biểu Quốc hội tùy theo cách gọi của từng nước.   

    Cơ quan của những người đại diện được nhân dân trực tiếp bầu ra, tùy theo từng nước có tên gọi khác nhau, nhưng được gọi chung là Nghị viện. Khi mới xuất hiện, Nghị viện thực sự có ưu thế hơn hẳn các cơ quan nhà nước khác. Mặc dù phải chia sẻ quyền lực nhà nước với giai cấp phong kiến, nhưng Nghị viện - cơ quan quyền lực nhà nước do nhân dân trực tiếp bầu ra vẫn có những quyền lực đặc biệt so với các cơ quan nhà nước khác.

    Nghị viện của các nước nói chung thường có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia, liên quan đến lợi ích của toàn dân. Kỳ họp là hình thức hoạt động cơ bản của Nghị viện. Tại kỳ họp, với sự có mặt đa số các thành viên tham gia tranh luận và bỏ phiếu, Nghị viện mới thông qua được quyết định chính thức của mình. Quốc hội nước ta cũng không phải là ngoại lệ, các hoạt động khác của Ủy ban, Hội đồng, các đoàn, tổ đại biểu Quốc hội chỉ có ý nghĩa chuẩn bị để Quốc hội thực hiện chính xác và hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Bên trong tòa nhà Quốc hội Pháp
Bên trong tòa nhà Quốc hội Pháp

     Chính tại kỳ họp, quyền lực của Quốc hội mới được thể hiện một cách rõ nét và đầy đủ nhất. Mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội theo quy định Hiến pháp chỉ được Quốc hội thảo luận và chính thức quyết định tại các kỳ họp. Ở kỳ họp, Quốc hội thông qua các đạo Luật, các Nghị quyết, phê chuẩn việc thành lập các cơ quan nhà nước Trung ương, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng trong công cuộc xây dựng kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, đối ngoại, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia.

    Theo quy định của từng nước, các kỳ họp/phiên họp của Nghị viện có thể được tổ chức từ một đến bốn lần trong một năm. Ở các nước phát triển, nơi hình thành các mô hình tổ chức nhà nước dân chủ, Quốc hội họp thường xuyên. Thời gian để tiến hành các phiên họp toàn thể hàng năm tổng cộng không quá 170 ngày trong một năm. Ở Cộng hòa Áo, trước năm 1982, Hạ viện mỗi năm họp 2 lần được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu, mỗi lần từ 3 đến 4 tháng; từ năm 1982 đến nay Hạ viện Áo chỉ tổ chức họp các phiên họp toàn thể bắt đầu từ 15-9 đến chậm nhất là 15-7 năm sau. Chính vì hoạt động thường xuyên này mà đại biểu Nghị viện trở thành những đại biểu chuyên nghiệp. Ngoài kỳ họp thường kỳ nêu trên, Nghị viện các nước còn tiến hành các kỳ họp bất thường, theo sáng kiến của Chủ tịch Viện (Ý, Hy Lạp), Nguyên thủ quốc gia (Pháp, Bỉ), Chính phủ (Pháp, Bỉ, Nhật) và có thể theo sáng kiến của ít nhất 1/3 tổng số nghị sĩ (Ý); của quá bán tổng số đại biểu (Pháp). Trong trường hợp Nghị viện có cấu trúc hai Viện, nếu một Viện triệu tập kỳ họp bất thường, thì Viện thứ hai cũng phải triệu tập.

    1. Về triệu tập kỳ họp

    Theo Hiến pháp của Pháp, Nghị viện sẽ triệu tập kỳ họp thường lệ vào ngày làm việc đầu tiên của tháng 10 và kết thúc vào ngày làm việc cuối cùng của tháng 6 năm sau. Số ngày làm việc của kỳ họp được giới hạn là 120 ngày. Tổng thống có thể triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội thông qua một sắc lệnh nhằm xem xét chương trình kỳ họp cụ thể theo đề nghị của Thủ tướng hoặc đại đa số các đại biểu Quốc hội.

    Tại Tây Ban Nha, hàng năm, Nghị viện có 2 kỳ họp thường lệ trong các khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 và từ tháng 2 đến tháng 6. Ngoài ra, Quốc hội chỉ triệu tập kỳ họp bất thường theo đề  nghị của Chính phủ, hoặc đại đa số đại biểu Quốc hội. Đề nghị này phải chỉ rõ đề xuất chương trình làm việc của kỳ họp bất thường. Chủ tịch Quốc hội sẽ triệu tập kỳ họp bất thường ngay khi nhận được đề nghị của các đại biểu Quốc hội và theo nội dung chương trình đề xuất. Trong bất kỳ trường hợp nào, Quốc hội cũng phải tiến hành kỳ họp theo đúng chương trình kỳ họp đã được triệu tập.

    Tại Đức, Hạ viện quyết định khi nào kết thúc và tiếp tục kỳ họp. Chủ tịch Hạ viện có thể triệu tập kỳ họp sớm hơn dự kiến nếu như nhận được sự chấp thuận của 1/3 số đại biểu, Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ. Khi Chủ tịch Hạ viện có quyền quyết định thời gian của kỳ họp, thì ông cũng phải nhận được sự chấp thuận của Hạ viện ngay khi bắt đầu kỳ họp.

    2. Về nội dung, trình tự các vấn đề được đưa ra thảo luận

    Tại Pháp, Chính phủ có thể quyết định dự luật nào của Chính phủ hay của đại biểu Quốc hội được đưa vào chương trình kỳ họp và trình tự xem xét của các dự luật này. Quốc hội và Hội nghị các Chủ tịch không tham gia vào nội dung và trình tự trong chương trình kỳ họp. Vào đầu và giữa mỗi kỳ họp, Bộ trưởng phụ trách quan hệ với Nghị viện thông báo tới Hội nghị các Chủ tịch những nội dung Chính phủ sẽ trình Quốc hội và thời gian dự kiến tiến hành thảo luận. Thông tin này được chuyển tới các vị đại biểu Quốc hội. Thông thường, số dự luật do Chính phủ đề xuất được thông qua nhiều hơn số dự luật được các đại biểu Quốc hội đề xuất.

    Cũng có một số ngoại lệ đối với quyền xây dựng chương trình kỳ họp của Chính phủ, đó là tại phiên họp mỗi tuần, các nghị sỹ Quốc hội được ưu tiên chất vấn Chính phủ trước và Chính phủ có trách nhiệm phải trả lời các câu hỏi chất vấn đó. Có tới 3 phiên họp dành cho chất vấn (một phiên cho các câu hỏi trực tiếp và hai phiên chất vấn cho Chính phủ). Hoặc tại chương trình phiên họp riêng với các tổ chức chính trị mỗi tháng một lần, Nghị viện tiến hành một phiên họp theo nội dung được một tổ chức chính trị lựa chọn. Nội dung phiên họp có thể là các dự luật, câu hỏi chất vấn, kiến nghị hoặc thảo luận.

    Cách làm của người Anh cũng không khác cách làm của người Pháp do chương trình được một Bộ thay mặt Thủ tướng xây dựng nhưng mỗi ngày của kỳ họp cũng có thời gian dành cho các nghị sỹ Quốc hội chất vấn và đưa ra đề xuất của mình. Bộ này công bố chương trình làm việc hàng năm và chương trình này có thể được điều chỉnh trong các trường hợp đặc biệt.

    Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác mức độ độc lập của Nghị viện dường như là cao hơn. Tại Đức, thời gian và nội dung của mỗi kỳ họp được chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và 23 thành viên do các tổ chức chính trị bầu chọn quyết định.

    Tại Ý, chương trình được xây dựng dựa trên đề nghị của Chính phủ và các đề xuất của các tổ chức với các nội dung dự kiến được Quốc hội xem xét cũng như trình tự và thời gian cho từng vấn đề trong chương trình làm việc. Chính phủ không có quyền áp đặt ưu tiên nội dung nào được xem xét trước.

    Khi chương trình làm việc đã được xây dựng, cơ quan xây dựng chương trình xác định điều kiện và thời gian thực hiện chương trình này qua một trình tự công việc kéo dài 3 tuần. Chính phủ chuyển khuyến nghị của mình tới Chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu các nhóm nghị sỹ Quốc hội theo ngày mà các nội dung được đưa vào trong chương trình. Mỗi nhóm nghị sỹ Quốc hội có thể chuyển đề xuất của mình tới Chính phủ, tới Chủ tịch Quốc hội hay tới các nhóm nghị sỹ Quốc hội khác. Trình tự nội dung trong chương trình làm việc được xây dựng trên cơ sở các khuyến nghị của Chính phủ và các nhóm nghị sỹ Quốc hội.

    Trình tự nội dung trong chương trình phải được người đứng đầu các tổ chức chính trị đại diện cho ít nhất 3/4 số đại biểu Quốc hội thông qua và phải được thông báo tới Quốc hội. Tại thời điểm này thì mỗi đại biểu có thể phát biểu 2 phút và không quá 10 phút cho mỗi nhóm nghị sỹ để đưa ra các nhận xét và các nhận xét này có thể sẽ được xem xét trước khi xây dựng nội dung tiếp theo.

    Tại Pháp, Hội nghị các Chủ tịch không được phán xét chương trình làm việc hay trình tự các nội dung được ưu tiên trong chương trình. Tuy nhiên, các phiên họp này cũng là cơ hội trao đổi ý kiến và các ý kiến đóng góp này có thể dẫn tới mọi sự thay đổi từ phía Chính phủ. Trong thực tế, Bộ trưởng phụ trách quan hệ với Nghị viện xây dựng chương trình làm việc và tham vấn ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu các tổ chức chính trị và chủ nhiệm các ủy ban liên quan tới các dự luật trong chương trình làm việc. Ngoài việc xây dựng chương trình kỳ họp, Chính phủ còn có thể thay đổi chương trình này. Một thành viên của Chính phủ gửi một bức thư tới Chủ tịch Quốc hội hay thậm chí có trường hợp hiếm hoi hơn là đưa ra một tuyên bố tại phiên họp toàn thể rằng Chính phủ muốn thay đổi trình tự các vấn đề được đưa ra xem xét, thảo luận trong chương trình kỳ họp, thậm chí rút bỏ hay bổ sung thêm dự luật trong nội dung chương trình kỳ họp. Nếu như Bộ chủ quản chưa hoàn thành dự luật vào thời điểm bắt đầu diễn ra phiên họp, thì dự luật đó có thể được bổ sung trong thời gian diễn ra kỳ họp.

    Tại Hạ viện Anh, thời gian thảo luận mỗi dự luật theo các bước được xác định trước thông qua một kiến nghị được thảo luận tại Hạ viện khi kết thúc lần đọc thứ nhất. Tại điện Westminster, có một phòng thứ 2 để tổ chức các phiên họp toàn thể không tiến hành biểu quyết đối với báo cáo của các ủy ban hay chất vấn trực tiếp. Đây cũng là cách tiết kiệm thời gian cho công việc của Nghị viện.

    Tại Đức, chương trình kỳ họp gửi tới các nghị sỹ Quốc hội ở cả Hạ viện, Thượng viện và tới chính quyền liên bang. Nếu không có bất kỳ phản hồi nào, thì chương trình kỳ họp đã được thông qua. Sau phần khai mạc của phiên họp toàn thể và trước khi nội dung thứ nhất được trình bày thì bất kỳ nghị sỹ nào cũng có thể thay đổi nội dung chương trình kỳ họp miễn là kiến nghị của nghị sỹ này được trình Chủ tịch Quốc hội muộn nhất là 18 giờ của ngày trước đó.

    Hiện nay, xu hướng chung tại các Nghị viện ở Châu Âu là xây dựng khung thời gian chương trình kỳ họp và kiểm soát việc thực hiện các chương trình lập pháp. Để đạt được các mục tiêu này, các nước thường phân bổ thời gian hợp lý cho mỗi phiên thảo luận và thực hiện các công việc của ủy ban nhiều hơn, tổ chức các phiên họp toàn thể ít hơn.

    3. Vai trò của Chủ tọa trong hoạt động điều hành các phiên họp công khai của Quốc hội

    Để điều hành phiên họp hiệu quả, chủ tọa phiên họp cần chú ý tới hai điều kiện quan trọng, đó là phải thực thi đầy đủ các quy trình thủ tục và tạo điều kiện để tất cả các đại biểu được phát biểu quan điểm của mình. Trong thời gian diễn ra phiên họp, vai trò của Chủ tịch và các vị phó chủ tịch Quốc hội là khai mạc, tạm ngừng và bế mạc phiên họp; bảo đảm việc tôn trọng các quy định của Hiến pháp, luật và các quy định trong quy trình thủ tục và giải thích nội quy kỳ họp của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp; lập danh sách đại biểu phát biểu, cho phép hoặc không cho phép ai phát biểu; có thể yêu cầu đại biểu kết luận phần trình bày nếu xét thấy phần trình bày của đại biểu đã cung cấp đầy đủ thông tin; ngừng phần phát biểu của đại biểu nếu như đại biểu không trả lời thẳng vào câu hỏi được chất vấn, hoặc ngược lại Chủ tọa có thể cho đại biểu có thêm thời gian trình bày.

    Chủ tọa được phép kết thúc phần thảo luận khi vẫn còn đại biểu trong danh sách đăng ký phát biểu. Tuy nhiên, quyền này chỉ áp dụng đối với các buổi thảo luận không do Hội nghị các Chủ tịch tổ chức. Theo quy trình thủ tục của Quốc hội Pháp, khi có ít nhất 2/3 số đại biểu đối lập đã phát biểu trong phiên thảo luận chung hay phiên thảo luận chi tiết từng điều luật cụ thể, việc chấm dứt thảo luận sẽ do chủ tọa hay một nghị sỹ quyết định. Tại Quốc hội Pháp và một số quốc gia Châu Âu, các biện pháp kỷ luật áp dụng với các đại biểu: Nêu tên (do mất trật tự); nêu tên và ghi trong biên bản (do có lời lăng mạ, đe dọa), đại biểu sẽ bị phạt 1/4 tiền trợ cấp trong một tháng; khiển trách (sau khi bị nêu tên); khiển trách và đình chỉ công tác tạm thời (có hành vi bạo lực hoặc lăng mạ Tổng thống...).

    Tại Ý, nếu như đại biểu sử dụng ngôn ngữ trái với các quy tắc ứng xử đã được chấp nhận tại Nghị viện hay không kiểm soát được hành vi trong khi thảo luận, chủ tọa sẽ áp dụng hình thức nêu tên. Sau hai lần nêu tên trong cùng một ngày, hay chỉ trong một lần nêu tên có tính chất nghiêm trọng, nếu đại biểu trong câu hỏi chất vấn của mình có ý lăng mạ một hoặc nhiều đồng nghiệp hay các thành viên của Chính phủ, Chủ tọa có thể yêu cầu đại biểu ra khỏi nghị trường cho đến hết phiên họp. Trong trường hợp đại biểu không chấp hành quyết định rời khỏi nghị trường của chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội có thể tạm ngưng phiên họp.

    Chủ tọa cũng có thể đề nghị Vụ chủ quản khiển trách và tuyên bố đại biểu không đủ tư cách tham gia vào công việc của Quốc hội trong khoảng thời gian từ 2 đến 15 ngày đối với bất kỳ đại biểu nào có hành vi bạo lực, gây rối, sử dụng ngôn ngữ đe dọa các đồng nghiệp và các thành viên của Chính phủ hay lăng mạ người đứng đầu nhà nước.

    Tại Quốc hội Pháp, thông thường chủ tọa không bày tỏ quan điểm cá nhân của mình khi đang điều hành công việc của Quốc hội. Ngoài ra, chủ tọa cũng không tham gia vào các phiên thảo luận tại các phiên họp toàn thể và không bao giờ đăng ký phát biểu trên diễn đàn.

    Như vậy, có thể thấy, quyền hạn lớn của chủ tọa được trao và được quy định rõ ràng chi tiết. Cụ thể là quyền xử lý kỷ luật đại biểu phải được viết bằng văn bản với các quy định rõ ràng vì trong trường hợp chủ tọa sử dụng quyền này, chủ tọa sẽ phải diễn giải các quy định. Chủ tọa nên là một “ông Vua” quang minh trong kỳ họp. Chủ tọa phải kiềm chế không tham gia vào các buổi thảo luận dù rằng chủ tọa nắm giữ một vai trò chính trị quan trọng. Chủ tọa có quyền kết thúc phiên thảo luận khi thời gian thảo luận đã hết hay khi xét thấy có thể chuyển sang nội dung thảo luận tiếp theo mà không cần nghe bất kỳ phát biểu của một đại biểu nào.

Thảo Linh

;
.