Quy định về Trụ sở tiếp công dân trong dự thảo Luật tiếp công dân

Thứ Sáu, 01/11/2013, 15:29 [GMT+7]

Dự án Luật tiếp công dân được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Trong đó, Trụ sở tiếp công dân là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, trao đổi và có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Báo cáo tổng kết việc thực hiện công tác tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ ngày 15-11-2012 cho thấy, quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Trụ sở, bộ phận làm công tác tiếp công dân giữa các văn bản này còn có sự khác nhau, thiếu thống nhất; nhiệm vụ, quyền hạn của Trụ sở Tiếp công dân, người phụ trách trụ sở tiếp công dân, người làm công tác tiếp công dân chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng; phạm vi trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, của Trụ sở tiếp công dân với các cấp chưa rõ ràng; mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương với cơ quan thường trực tiếp dân ở địa phương, mối quan hệ giữa Trụ sở tiếp công dân với cơ quan thanh tra, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng. Tổ chức các cơ quan tiếp công dân của các bộ, ngành, các địa phương chưa thống nhất. Chẳng hạn, nhiều Bộ thành lập Phòng tiếp công dân và xử lý đơn thư thuộc Thanh tra Bộ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) trong khi đó, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Ngoại giao không thành lập Trụ sở tiếp công dân mà bố trí phòng tiếp công dân và cử cán bộ để tiếp công dân...

Khắc phục những bất cập trên, dự thảo Luật tiếp công dân quy định việc tiếp công dân được tiến hành tại Trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước được tổ chức ở Trung ương và địa phương hoặc nơi tiếp công dân do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bố trí. Khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật đã liệt kê 3 loại trụ sở tiếp công dân gồm Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, Trụ sở tiếp công dân cấp huyện. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 14, khoản 1 Điều 21, khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật xác định Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước là cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh là đơn vị thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có con dấu riêng, còn Trụ sở tiếp công dân cấp huyện được xác định là thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định của dự thảo Luật; đề nghị nâng cao vị thế của các Trụ sở tiếp công dân hiện nay theo hướng xác định Trụ sở tiếp công dân là pháp nhân, có vai trò như văn phòng một cửa trong việc tiếp nhận, đôn đốc việc xử lý giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền để trả lời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không xác định Trụ sở tiếp công dân là pháp nhân độc lập, vì Trụ sở tiếp công dân không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; không có tổ chức bộ máy riêng (do người làm việc tại các Trụ sở này chỉ là đại diện của các cơ quan khác nhau, không chịu sự quản lý chung về mặt tổ chức nhân sự). Do đó, nếu quy định Trụ sở tiếp công dân là một cơ quan độc lập sẽ không phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này; tạo ra một cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành (Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ...); mâu thuẫn, chồng chéo với quy định về trách nhiệm tiếp công dân với các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Hơn nữa, việc tập trung tiếp công dân tại các Trụ sở này làm nảy sinh tình trạng nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh dồn về các Trụ sở tiếp công dân (nhất là ở cấp Trung ương), làm phức tạp thêm quy trình giải quyết, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tạo ra áp lực đối với chính quyền các cấp.

Qua thảo luận cho thấy, các Trụ sở tiếp công dân trong thời gian qua đã bước đầu tạo đầu mối để tiếp công dân ở từng cấp, tạo thuận lợi cho người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Do vậy, nhằm tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả tích cực của hình thức tiếp công dân tập trung; đồng thời, bảo đảm gắn việc tiếp công dân thường xuyên tại nơi tiếp tập trung với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo Luật tiếp công dân trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vẫn quy định về hình thức tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân được tổ chức ở mỗi cấp. Theo đó, tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định: “Trụ sở Tiếp công dân bao gồm: Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, Trụ sở tiếp công dân ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trụ sở tiếp công dân ở quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh”. Tuy nhiên, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định Trụ sở tiếp công dân là cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Bên cạnh đó, để hoạt động tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân hiệu quả hơn, dự thảo Luật bổ sung quy định cần có một tổ chức chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, điều hành các Trụ sở này. Theo đó, Ban tiếp công dân là một đơn vị độc lập được thành lập để trực tiếp quản lý và hoạt động thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở từng cấp. Cụ thể, khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật quy định: “Ban tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức và thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở. Các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân có trách nhiệm cử đại diện tham gia thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan mình tại Trụ sở tiếp công dân”.

Như vậy, có thể thấy, phương án về thành lập Ban tiếp công dân với vị trí, chức năng, nhiệm vụ nêu trên là phương án mới. Ý tưởng của việc thành lập Ban này là nhằm tạo thành các đầu mối chủ trì, điều phối, phối hợp với các cơ quan hữu quan thống nhất quản lý công tác tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân.

Tuy nhiên, việc thành lập Ban này cần phải được cân nhắc trên cơ sở quán triệt tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hạn chế phát sinh thêm tổ chức bộ máy và tăng thêm biên chế để đảm bảo đúng yêu cầu về cải cách hành chính. Đồng thời, việc quy định Ban tiếp công dân có thẩm quyền “phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức và thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở” có thể tạo ra một cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; mâu thuẫn, chồng chéo với quy định về trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

Nguyễn Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)

;
.