Sự cần thiết phải sửa đổi Luật hải quan

Thứ Ba, 17/09/2013, 10:08 [GMT+7]

Luật hải quan 2001 (được sửa đổi, bổ sung bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật hải quan năm 2005) đã góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đã nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Hải quan quản lý các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; góp phần cải cách các thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh được thông quan; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền đất nước.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật hải quan cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, nhiều hoạt động trong lĩnh vực hải quan (kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu tại địa điểm kiểm tra chung với các nước láng giềng, kiểm tra hàng hóa từ các nước xuất khẩu; cử cán bộ hải quan ra nước ngoài thu thập thông tin, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan và tiếp nhận công chức hải quan nước ngoài đến Việt Nam…) được quy định tại một số Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết (Công ước Kyoto, Hiệp định GMS, Hiệp định về thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Hiệp định hợp tác hải quan ASEAN…) chưa được nội luật hóa hoặc nội luật hóa nhưng chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện trên thực tế.

Thứ hai, các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm làm thủ tục hải quan và thông quan đối với các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu còn theo phương thức thủ công, truyền thống, cản trở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ và tiến trình hiện đại hóa hải quan; do đó, chưa thực sự thúc đẩy và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Thứ ba, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan, các cơ quan hữu quan khác trong việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức cá nhân trực tiếp tham gia trong việc quản lý, lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu. Chưa quy định cụ thể tiêu chuẩn trong việc quy hoạch các khu vực cảng, cửa khẩu nhằm bảo đảm điều kiện phục vụ hoạt động quản lý nhà nước tại cảng, cửa khẩu.

Thứ tư, một số quy định chưa phù hợp với các luật về thuế và Luật quản lý thuế dẫn đến sự thiếu đồng bộ, gây lúng túng cho các cơ quan hữu quan trong công tác thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hải quan; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động thông quan; giúp các cơ quan chức năng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế, việc nghiên cứu sửa đổi Luật hải quan phải đáp ứng được yêu cầu sau:

Một là, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tương thích, chặt chẽ nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận, trốn thuế làm thất thoát ngân sách nhà nước; hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách, tham ô, tham nhũng trong quá trình nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa. Do vậy, cần đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, hiện đại hóa hải quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan; có cơ chế khuyến khích, động viên người khai hải quan tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong quản lý hải quan.

Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định về hồ sơ, thời hạn, địa điểm và phương thức quản lý trong thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan; xác định phạm vi áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để tạo thuận lợi cho quá trình thông quan hàng hóa, giúp cơ quan hải quan kiểm tra trước các thông tin về người khai hải quan, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.

Ba là, bổ sung quy định về việc xác định mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan; phương pháp xác định trị giá hải quan, trách nhiệm của cơ quan hải quan trong trường hợp sai sót làm phát sinh các chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động xác định chính sách quản lý đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu và tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ; giúp cơ quan hải quan tăng hiệu quả quản lý thu…

Bốn là, bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các quy định trong Công ước Kyoto của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); đẩy mạnh công tác hiện đại hóa hải quan theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong hoạt động quản lý hải quan nói chung và thủ tục hải quan bằng phương tiện điện tử nói riêng.

Năm là, bổ sung quy định về địa bàn hoạt động hải quan, kiểm tra sau thông quan, giám sát hải quan; quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trách nhiệm của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan. Xác định vai trò của Tổng cục Hải quan là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực hải quan; mối quan hệ giữa cơ quan hải quan với Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các địa phương; trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phối hợp, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm làm việc để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan, tạo động lực để phát triển ngành Hải quan tương xứng với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.