Một số vấn đề mới trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 23/09/2013, 13:22 [GMT+7]

    Luật PCTN năm 2005 đã tạo dựng khung pháp lý, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác PCTN của Nhà nước ta. Tuy nhiên, qua 07 năm triển khai thực hiện (từ 2005 đến 2012), nhiều quy định của Luật PCTN năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh PCTN. Để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật PCTN năm 2005, tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10-2012), Quốc hội khoá XIII đã xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN (Luật mới), gồm 02 điều, có hiệu lực từ ngày 01-2-2013.

    Luật mới tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về công tác PCTN; công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; xác minh tài sản, trách nhiệm giải trình tài sản tăng thêm; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác khác của cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng. Cụ thể như sau:

Một hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng. (Ảnh minh họa)
Một hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng.
(Ảnh minh họa)

    - Về việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, Luật PCTN năm 2005 quy định còn chung chung, khó thực hiện; có những lĩnh vực cần công khai, minh bạch nhưng chưa quy định được. Vì thế, cũng có tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần công khai, minh bạch. Trên một số lĩnh vực phạm vi và hình thức công khai còn hạn chế, dễ bị lợi dụng như: việc xác định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và công khai báo cáo tài chính trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước; việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất; công tác cán bộ v.v… Luật mới đã bổ sung một số lĩnh vực phải công khai, minh bạch, như: văn hóa, thông tin, truyền thông; nông nghiệp và nông thôn; thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách dân tộc… Cụ thể là các vấn đề: việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch về văn hóa, thông tin, truyền thông; trình tự, thủ tục, thẩm quyền về việc cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông; chính sách khuyến khích về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các chương trình về phát triển nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng; điều kiện, trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đăng ký quyền sử dụng rừng; điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng, mức thụ hưởng; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, ưu đãi người có công… Đồng thời, Luật mới đã chỉnh lý và quy định rõ, cụ thể hơn về các lĩnh vực phải công khai, minh bạch và các hình thức công khai bắt buộc, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; quy định rõ các nội dung phải áp dụng hình thức công khai bắt buộc và các nội dung có thể được công khai theo sự lựa chọn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

    - Về minh bạch tài sản, thu nhập: Luật PCTN năm 2005 quy định về công tác kê khai tài sản, thu nhập chưa cụ thể, có nội dung còn hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp. Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của Luật PCTN năm 2005 chưa giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo dõi được những biến động về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai để từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, như chưa có quy định về công khai bản kê tài sản, nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai. Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi, chưa được sử dụng đầy đủ để tăng cường cơ chế giám sát.

    Khắc phục những hạn chế trên và để phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Luật mới đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn về cách thức, hình thức công khai bản kê khai tài sản, đồng thời bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về nghĩa vụ của người kê khai tài sản phải giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm. Để làm rõ tính trung thực của việc kê khai tài sản, Luật mới cũng đã quy định theo hướng: Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản; xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn; Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được HĐND bầu; Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; Chủ tịch nước có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước. Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản nếu trong quá trình tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, có kết luận về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng.

    - Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác khác của cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng: Luật PCTN năm 2005 không có quy định về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác khác của cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng.

    Để khắc phục hạn chế trên, Luật mới đã bổ sung một điều mới (Điều 53a) quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng. Cụ thể là: khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng hoặc khi có yêu cầu của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ cho quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng không có thể bị gây khó khăn.

    Tuy nhiên, Điều này cũng quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và công bố công khai tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

    - Về Ban Chỉ đạo PCTN: Luật PCTN năm 2005 dành một điều (Điều 73) quy định về Ban Chỉ đạo PCTN. Tuy nhiên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với hệ thống chính trị nước ta trong công tác đấu tranh PCTN, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư là Trưởng Ban và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN mới sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng. Do đó, Luật mới đã bỏ Điều 73, không quy định về Ban Chỉ đạo PCTN.

    Ngoài những hạn chế, bất cập của Luật PCTN năm 2005 đã được sửa đổi như đã trình bày trên, thiết nghĩ Luật PCTN năm 2005 cũng còn nhiều hạn chế, bất cập khác cần được tiếp tục khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTN. Cụ thể là những vấn đề như: mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực tư; bổ sung, quy định cụ thể hơn về các hành vi tham nhũng; phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng…

Nguyễn Uyên Minh
(Phó Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương)

;
.