Công tác pháp luật - nội chính góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội
1. Công tác pháp luật - nội chính: Yêu cầu khách quan trong công tác lãnh đạo của Đảng
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta được khẳng định trong hơn 80 năm qua kể từ khi Đảng ra đời ngày 03-02-1930. Mỗi thời kỳ lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng thể hiện bằng cương lĩnh, đường lối chính trị kịp thời và đúng đắn, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước phát triển.
Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Đảng lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng của Bác Hồ về Nhà nước pháp quyền hình thành từ rất sớm (Trong tám Yêu sách của nhân dân An Nam mà Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Hòa bình ở Versailles ngày 19-6-1919, có bốn yêu sách về các quyền tự do (báo chí và ngôn luận, lập hội và hội họp, cư trú ở nước ngoài và xuất dương, học tập, thành lập các trường kỹ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ), và yêu sách thứ bảy (Thay chế độ ban hành các sắc lệnh bằng chế độ ban hành các luật), đó là Nhà nước của dân, do dân làm chủ, mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân; đó là, sự ban hành và từng bước hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Văn kiện Hội nghị Trung ương 2 (khóa VII) và Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) năm 1994 của Đảng ta đã xác định rõ nhiệm vụ và phương hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đã được các Đại hội VIII, IX, X và XI của Đảng tiếp tục phát triển và hoàn thiện.
Trong Nhà nước pháp quyền, tính tối thượng của pháp luật được tôn trọng, pháp luật thể hiện ý chí chung của nhân dân và vì lợi ích của nhân dân. Do đó, không thể đặt cơ quan của Đảng, đường lối của Đảng lên trên pháp luật. Các hoạt động của Đảng bám sát thực tiễn, phù hợp pháp luật sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng ta phải thực sự trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là người gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay là bước đột phá có ý nghĩa quyết định sự thành công của quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm vụ của Đảng về công tác định hướng xây dựng và thực thi pháp luật, đẩy mạnh công tác PCTN, lãng phí trong giai đoạn hiện nay chính là một bước hướng tới xây dựng môi trường xã hội có kỷ cương, đảm bảo mọi người sống và làm việc theo pháp luật; thúc đẩy cải cách hành chính nhằm kịp thời lành mạnh hóa nền hành chính quốc gia, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, công chức; đề cao vai trò điều chỉnh của pháp luật trong đời sống xã hội.
Nhận thức đúng đắn vai trò của pháp luật trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nước ta hiện nay, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; tại Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung 5 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. Đồng thời lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Những nhiệm vụ chủ yếu của Ban Nội chính Trung ương được quy định tại Quyết định số 159-QĐ/TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị, cụ thể là:
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) |
1. Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN; một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và PCTN; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra,các cơ quan có chức năng tư pháp trong Công an, Quân đội); Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ban Nội chính Trung ương được giao chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định.
2. Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và PCTN; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ở các cơ quan nội chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao.
3. Thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và PCTN trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
4. Tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp, bao gồm cả việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
6. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Như vậy, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Ban Nội chính Trung ương là chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và PCTN. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, các cơ quan của Đảng, trước hết là hoạt động của các ban Đảng Trung ương, cần tăng cường công tác pháp luật - nội chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban Đảng Trung ương với vai trò là các cơ quan tham mưu trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương.
Từ đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh bao gồm việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn kết hợp với yêu cầu bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, gương mẫu chấp hành các quy định pháp luật, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vì vậy, công tác pháp luật - nội chính góp phần làm trong sạch, vững mạnh của các tổ chức Đảng và của từng cán bộ, đảng viên là yêu cầu khách quan đối với việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nước ta hiện nay.
2. Sự cần thiết tăng cường công tác pháp luật - nội chính trong công tác lãnh đạo của Đảng
Công tác pháp luật đã được Đảng quan tâm chú trọng từ ngày thành lập Ban Pháp chế Trung ương (05-01-1966) - sau này gọi là Ban Nội chính Trung ương; hoạt động liên tục 40 năm (đến năm 2006) có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Từ chỗ mới tham gia chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, Ban đã nâng tầm tham mưu cho Đảng về đường lối, chính sách bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đi vào công cuộc đổi mới, Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều đóng góp to lớn: tham mưu, nghiên cứu, trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị quan trọng, như Nghị quyết 08 ngày 02-01-2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp”; Chỉ thị 09 ngày 06-3-2002 “Về một số việc cần thực hiện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay”; Nghị quyết 49 ngày 02-6-2005 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”… Những nghị quyết, chỉ thị này đã và đang nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới ở nước ta.
Là cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực pháp luật, những năm (trước nhiệm kỳ Đại hội X), Ban Nội chính Trung ương thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; nghiên cứu đề xuất và theo dõi việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành pháp luật nhà nước; theo dõi việc lập và thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Nhà nước; chuẩn bị để Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về những vấn đề thuộc quan điểm trong các dự án luật, nhất là các dự án luật liên quan trực tiếp đến thiết chế chính trị, an ninh chính trị, trật tự xã hội và quyền công dân (Theo quy định tại mục 1, khoản 1 Quyết định số 17-QĐ/TW ngày 23-12-1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng). Ngoài ra, Ban Nội chính Trung ương là cầu nối giữa hoạt động của Đảng với hoạt động của các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp.
Từ sau Đại hội X, việc đưa Ban Nội chính Trung ương trở thành một trong những hoạt động của Văn phòng Trung ương Đảng, tuy đáp ứng yêu cầu thu gọn đầu mối các ban của Đảng nhưng đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nhất là trong công tác lãnh đạo đối với các hoạt động liên quan đến pháp luật và công tác chỉ đạo đấu tranh PCTN. Điều rõ nhất là sự hạn chế trong công tác chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các ban Đảng với các cơ quan: lập pháp, tư pháp và các cơ quan thực thi pháp luật. Quy trình xây dựng văn bản, trình bày văn bản, nội dung văn bản của Đảng thiếu chặt chẽ, thiếu thuyết phục... Hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật... Những hạn chế đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, do đó việc tăng cường công tác pháp luật - nội chính đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong các hoạt động của Đảng hiện nay.
3. Những kiến nghị tăng cường công tác pháp luật - nội chính, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội
Để tăng cường hiệu quả công tác pháp luật - nội chính trong công tác lãnh đạo của Đảng, xin có mấy kiến nghị sau đây:
Một là, Ban Nội chính Trung ương gắn liền chức năng, nhiệm vụ của ban Đảng Trung ương với lĩnh vực pháp luật, do đó, tổ chức và hoạt động của Ban Nội chính trước hết thể hiện sự hợp lý, chặt chẽ. Ban Nội chính cần tăng cường vai trò phối hợp hoạt động với các ban Đảng Trung ương, nâng cao hiệu quả hoạt động các ban Đảng trong công tác tham mưu, tạo sự gắn kết giữa pháp luật với công tác Đảng trên các lĩnh vực. Đồng thời, bám sát các hoạt động thực tiễn, phối hợp với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các cơ quan, tổ chức liên quan trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật, PCTN, lãng phí, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Hai là, nhằm đáp ứng yêu cầu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nước ta hiện nay, các ban Đảng Trung ương cần chú trọng công tác pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Mỗi ban Đảng Trung ương nên tổ chức một bộ phận chuyên trách công tác pháp luật - nội chính, thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn đối với lãnh đạo Ban, các vụ, đơn vị trong Ban về các vấn đề pháp lý liên quan đến quy trình, thủ tục, nội dung văn bản trong hoạt động chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, đồng thời là đầu mối phối hợp chặt chẽ với các vụ, đơn vị trong Ban Nội chính Trung ương và các Ban Nội chính ở các cấp ủy địa phương trong hoạt động liên quan đến việc xây dựng, thực thi pháp luật, PCTN, lãng phí. Nhà nước cần quan tâm, có chế độ, chính sách thỏa đáng, kịp thời động viên cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan của Đảng, động viên, phát huy hiệu quả các hoạt động của Đảng. Trong công tác cán bộ, các ban Đảng các cấp chú ý chỉ tiêu biên chế cán bộ vừa có năng lực chuyên môn, vừa có trình độ pháp luật để thu hút, sắp xếp, tuyển dụng cán bộ có kiến thức pháp luật, có trình độ lý luận, thực tiễn công tác pháp luật về công tác tại các ban Đảng để đảm nhận nhiệm vụ tham mưu, tư vấn pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của từng ban Đảng.
Ba là, các ban Đảng Trung ương, các ban Đảng các cấp ủy địa phương cần có kế hoạch bồi dưỡng, trang bị kiến thức pháp luật đối với cán bộ, đảng viên làm công tác Đảng. Thực hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo bằng nhiều hình thức (tổ chức lớp bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo dài hạn tại chức hoặc tập trung) tạo nền tảng vững chắc về kiến thức pháp luật đối với từng cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động của Đảng, xứng đáng với vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
TS. Đào Xuân Tiến
(Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương)