Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 23/07/2013, 16:05 [GMT+7]

Khát vọng của Hồ Chí Minh là giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình. Mục tiêu đó chỉ có thể được thực hiện bằng con đường đấu tranh cách mạng để xóa bỏ chế độ cai trị của thực dân, phong kiến. Trong  cuốn  Đường  Cách  mệnh  (1927), vạch ra con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, Người đã đặt lên hàng đầu: Tư cách một người cách mệnh, với 23 điều. Trong 23 điều đó điều đầu tiên là người cách mệnh phải cần kiệm, tiếp đó là vị công vong tư điều thứ 8 và ít lòng tham muốn về vật chất điều thứ 13. Đó là những điều mà người cách mạng phải rèn luyện để thật sự là tấm gương cho quần chúng và cũng phòng ngừa nguy cơ tham nhũng khi Đảng nắm chính quyền và người cách mạng có chức, có quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam được thành lập do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Người xác định rõ đây là chính quyền nhà nước phục vụ nhân dân, gánh việc chung cho dân chứ không phải để cai trị nhân dân. Tuy vậy, ngay từ buổi đầu thành lập, hiện tượng sách nhiễu, tham nhũng đã xuất hiện trong bộ máy chính quyền Nhà nước các cấp. Ngày 17-10-1945, trên báo Cứu quốc số 69 Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư, Người nêu rõ những lỗi lầm chính, như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Phân tích những lỗi lầm đó, Người chỉ rõ những hành vi biểu hiện của sự tham nhũng: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”(1). Cũng trong ngày 17-10-1945, trong một bài báo khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tiền là mạch máu của mọi công việc, tiền là cần thật nhưng không phải vì cần tiền mà cứ đi đè đầu bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền”(2).

Là người sáng lập Đảng, lãnh đạo cách mạng, người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ tệ tham nhũng trong bộ máy chính quyền mới và kiên quyết phê phán, đấu tranh chống những hành vi đó. Người đã nêu tấm gương trong sáng về sự liêm khiết, giản dị, đức hy sinh của người lãnh đạo và mong muốn mọi cán bộ, đảng viên “Nhất là đối với chữ Cần, chữ Kiệm, chữ Hy Sinh, chữ Công Bằng thì các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”(3).

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nội dung toàn diện về tư cách, đạo đức cách mạng, nhấn mạnh tư cách của Đảng chân chính cách mạng với 12 điều, đồng thời Người nêu rõ phận sự của đảng viên và cán bộ, nêu rõ đạo đức cách mạng với những đức tính: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người cách  mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4). Người phê phán những khuyết điểm, sai lầm, những căn bệnh trong cán bộ, đảng viên. Những căn bệnh dẫn tới sự tham nhũng trong đó có bệnh tham lam. “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”(5).

Năm 1950, Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha quân nhu đã phạm tội tham ô, biển thủ công quỹ hàng trăm triệu đồng để sống xa hoa, trụy lạc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và quân đội. Tòa án binh đã truy tố và kết án tử hình Trần Dụ Châu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn y bản án đó. Tháng 11-1950, Chính phủ đã họp và kiểm điểm về sự việc này. Sau khi nghe trình bày về vụ án, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận, nêu rõ một số bài học: “Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân, phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người… Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đấy là khuyết điểm. Chính sách cán bộ thế nào? Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời, phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ”(6). Từ đó, Người yêu cầu phải đẩy mạnh tự phê bình, phê bình và nêu cao tinh thần phụ trách trước nhân dân, không né tránh trong tự phê bình và phê bình.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mặc dù đạt được nhiều thành tựu; nhiều tấm gương tiêu biểu của người lao động và cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhưng cũng bộc lộ những tiêu cực. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” (gọi tắt là cuộc vận động 3 xây, 3 chống) ngày 27-7-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Số đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức ta đều tận tụy và trong sạch… Nhưng trong hàng ngũ ta vẫn còn một số người không tốt. Họ tham ô và lãng phí của Nhà nước và của nhân dân”(7). “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà: hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”(8).

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”. “Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách… Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”(9).

Để ngăn chặn, đẩy lùi tham ô, lãng phí, quan liêu và những tiêu cực khác, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết tâm rất cao, vì đây là cuộc chiến đấu khổng lồ, rất nặng nề, phức tạp chống lại cái cũ kỹ, hư hỏng, cụ thể là:

Một là, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là hết lòng, hết sức vì nước, vì dân. Phải chống chủ nghĩa cá nhân mới có đạo đức cách mạng thật sự và mới PCTN có hiệu quả. Chính chủ nghĩa cá nhân đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên  hư  hỏng,  đạo  đức,  phẩm  chất  thấp kém. “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc  gì  cũng  nghĩ  đến  lợi  ích  riêng  của mình trước hết”. Họ không lo “mình vì mọi người mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”, “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(10).

Chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của cán bộ, đảng viên. Cần phải nhận diện nó và quyết tâm phòng ngừa trong toàn Đảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ nghĩa cá nhân khác với lợi ích cá nhân chính đáng. Trong khi phê phán, lên án chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng, đề cao lợi ích cá nhân. Người nêu rõ: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Trong xã hội có giai cấp bóc lột thống trị, chỉ có lợi ích cá nhân của một số rất ít người thuộc giai cấp thống trị là được thỏa mãn, còn lợi ích cá nhân của quần chúng lao động thì bị giày xéo. Trái lại, trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn”(11).

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình trong Đảng, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo  đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”(12).

Người cho rằng, con người tốt hay xấu chủ yếu do kết quả của sự giáo dục. Giáo dục từ trong gia đình, ở nhà trường, ngoài xã hội và trong các cộng đồng. Là cán bộ, đảng viên của Đảng còn chịu sự giáo dục của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Giáo dục bao hàm cả giáo dục kiến thức, tri thức và giáo dục đạo đức, nhân cách mà trước hết là đạo làm người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập và học tập là tiếp nhận sự giáo dục; học để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Nếu coi nhẹ hoặc lơ là trong giáo dục thì sự hư hỏng, tiêu cực trong Đảng, trong xã hội sẽ tăng lên. “Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân”(13).

Coi trọng giáo dục trong Đảng và bộ máy Nhà nước, cả hệ thống chính trị gắn liền với giáo dục trong nhà trường, xã hội với một nền giáo dục tiên tiến sẽ tạo dựng một môi trường xã hội tốt đẹp và những lớp người có giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Muốn xây dựng một xã hội mới tốt đẹp thì cần phải tiêu diệt những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”(14).

Ba là, để đẩy lùi tiêu cực, tham ô, tham nhũng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự tu dưỡng bản thân, có khuyết điểm thì quyết tâm sửa chữa và cần có sự giám sát của nhân dân

Trong cuộc vận động 3 xây, 3 chống, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cán bộ (trước hết là cán bộ phụ trách), đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, xung phong, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, có khuyết điểm thì quyết tâm sửa chữa”(15). Cán bộ lãnh đạo, phụ trách là người được Nhà nước, tập thể giao cho quản lý nguồn của cải vật chất, nếu không tự tu dưỡng, tự đấu tranh sẽ dễ sinh lòng tham để thỏa mãn nhu cầu của cá nhân và gia đình mình. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ phải ít lòng tham muốn về vật chất. Tự mình phải rèn luyện, đấu tranh để vượt qua chính mình. Trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân năm 1948, điều đầu tiên: đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính. Khi mắc phải khuyết điểm, tự mình mới hiểu mình, vì sao như vậy, suy nghĩ một cách nghiêm túc để rồi quyết tâm sửa chữa.

Trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực,  theo  Chủ  tịch  Hồ  Chí  Minh  “phải mạnh dạn phát động quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”(16); thông qua phong trào và ý kiến của quần chúng mà lựa chọn cán bộ; cần có thái độ đúng với khuyết điểm của Đảng và những người mắc sai lầm,  khuyết  điểm.  Không  chủ  quan  cho rằng trong Đảng việc gì cũng tốt, cũng không cực đoan trong Đảng cái gì cũng kém, đầy những khuyết điểm, phải phân tích rõ ràng cái gì đúng, cái gì sai. Người căn dặn, không để “Bọn phản động lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta”(17). Cũng không nên có thái độ đối với những người có khuyết điểm “như đối với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm như thế thì họ cho rằng: Thôi hỏng hết rồi! Do đó, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ của những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh “chủ quan”(18).

Phê phán, đấu tranh với khuyết điểm của cán bộ, đảng viên phải thẳng thắn, trung thực và có lý, có tình. Sống với nhau có tình, có nghĩa và cần biểu dương những người tốt, việc tốt “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên mà giáo dục lẫn nhau”(19).

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh PCTN và tiêu cực đã và đang được Đảng Cộng sản Việt Nam thực hành trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (16-01-2012) đã đề ra.

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 4, tr.57.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.54.

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.94.

(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.252-253.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.255.

(6) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 1994, tập 4, tr.478.

(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.110.

(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.110.

(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.111.

(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.438-439.

(11) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.291.

(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.439.

(13) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.249.

(14) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.110.

(15) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.111.

(16) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.112.

(17) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.264.

(18) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.264.

(19) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.554.

 

 

PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc
(Hội đồng Lý luận Trung ương)

;
.