Phòng, chống tham nhũng từ học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thứ Sáu, 24/11/2017, 14:15 [GMT+7]
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh về sự đoàn kết trong Đảng, coi đó là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân. Để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng thì công tác đấu tranh phê bình, tự phê bình, xây dựng chỉnh đốn Đảng luôn phải được quan tâm.
Tư tưởng về đoàn kết trong Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện đầy đủ trong di chúc của Người. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.
Điểm lại trong giai đoạn đổi mới, từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng. Cụ thể: Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI”; Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII) về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 - khoá VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khoá IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X): “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”… Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết TW 4 (khóa XII) về: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Các nghị quyết đáng chú ý
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) về “một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.
Đảng ta cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một thực tế, đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp diễn ra ngày càng nhiều cả về số lượng lẫn phạm vi. Những biểu hiện cụ thể của tình trạng này gồm:
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên có xu hướng gia tăng. Từ chỗ chỉ có ở “một bộ phận” thì nay đã diễn ra ở “một bộ phận không nhỏ”, trong đó có cả cán bộ đảng viên có chức, quyền.
Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng. Đó là, 5 kiểu “chạy”: “chạy chức”, “chạy quyền” , “chạy chỗ”, “chạy lợi” , “chạy tội”. Gần đây trong các báo cáo xây dựng Đảng, Trung ương đã bổ sung thêm các hình thức “chạy” khác như “chạy bằng cấp”, “chạy huân chương”, “chạy tuổi”. Tình trạng nói nhiều làm ít; nói nhưng không làm. Tình trạng quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật. Tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay:
Trung ương Đảng nhận định: Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu, kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.
Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Những hạn chế, khuyết điểm làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua cho thấy, cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc thực hiện quyết liệt nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp, ngành, địa phương bị xử lý kỷ luật vì hành vi tham nhũng, lãng phí đã từng bước lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
P.V
;