Hội thảo khoa học "45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh"

Thứ Năm, 04/09/2014, 10:10 [GMT+7]

Vừa qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Hội thảo khoa học “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Các bài tham luận và phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị thống nhất cho rằng, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những mốc son chói lọi của lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, nhưng sự đơn giản ấy lại chứa đựng những điều lớn lao, vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Trong đó, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là những giá trị vĩnh hằng được kết tinh qua bản Di chúc mà Người đã để lại cho Đảng, đất nước và nhân dân ta...

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một di chúc thông thường, mà là một di chúc có tính chính trị rất cao nhưng cũng thấm đẫm tư tưởng nhân văn và tình cảm của một con người dành cho hậu thế. Trong rất nhiều điều dặn lại của Người, nổi lên vấn đề đoàn kết, đặc biệt là đoàn kết, thống nhất trong điều kiện Đảng đang nắm quyền lãnh đạo. Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người thường nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Chỉ có đoàn kết, đồng tâm nhất trí thì mới mang lại sức mạnh tập thể, mới làm mọi việc thành công. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, cũng là nói về đoàn kết tạo nên sức mạnh nơi quảng đại quần chúng nhân dân”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh, mà quan trọng nhất là tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Cả cuộc đời Người hy sinh, phấn đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Theo Người, mọi việc đều do con người làm. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều của dân. Vì vậy phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm theo quan điểm của Hồ Chí Minh là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, phải biết quý từng đồng tiền, hạt gạo của dân. Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu. Cái gì lợi cho nước, cho dân thì dù tốn bao nhiêu cũng phải tiêu. Tiết kiệm cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho cách mạng, cho Tổ quốc và nhân dân.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đã tập trung làm rõ các giá trị văn hóa tiêu biểu, những tư tưởng nhân văn sâu sắc, những quan điểm vượt tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, về chiến lược xây dựng con người Việt Nam, về con đường cách mạng Việt Nam.

Đồng thời, các nhà khoa học thêm một lần nữa khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc lịch sử. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 

                                                                        Tạ Thu Dung

                                                         (Học viện Báo chí - Tuyên truyền)

;
.